Sự việc xảy ra tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Cụ thể vào ngày 22 tháng 9 năm 2023, Đội Cảnh sát Hình sự số 3 của Chi nhánh Bảo Hà thuộc Sở Công an thành phố Hợp Phì đã nhận được cuộc gọi từ Tiểu Vương, nữ tài vụ của một công ty trong khu vực, cho biết chị đã bị lừa và chuyển 121.000 NDT (hơn 425 triệu đồng) từ tài khoản của công ty cho kẻ lừa đảo.
Theo lời chị Vương, sáng hôm đó, khi chị đang làm việc thì nhận được thông báo từ QQ. Hóa ra tài khoản có tên "ông chủ Tưởng" đã thêm chị vào một nhóm trò chuyện. Trong nhóm này không chỉ có 2 người mà còn có cả đối tác mà công ty họ đang làm việc.
Sau một vài tin nhắn đàm phán làm ăn với đối tác, "ông chủ Tưởng" gửi cho chị Vương 1 số tài khoản và yêu cầu chị chuyển khoản gấp số tiền 121.000 NDT từ tài khoản của công ty vào đó. Chị Vương đương nhiên không dám lơ công việc nên đã nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản do “lãnh đạo” yêu cầu.
Ngay sau đó, chị Vương bỗng nhận được cuộc gọi từ sếp của mình, hỏi cô tại sao lại dùng tiền của công ty chuyển khoản lung tung.
“Không phải ông chủ bảo tôi chuyển cho đối tác sao?”, chị Vương hoang mang hỏi lại.
Ông chủ Tưởng nghe vậy thì tỏ vẻ ngạc nhiên và khẳng định chưa bao giờ yêu cầu chị như vậy. Thậm chí, ông còn không biết đối tác mà chị Vương nhắc tới là ai.
Lúc này, chị Vương đã nhận ra bản thân đã bị lừa liền lập tức gọi điện và trình báo vụ việc với cảnh sát địa phương.
Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát hình sự số 3 chi nhánh Bảo Hà đã vào cuộc điều tra vụ việc. Sau khi xác định được dòng tiền đã bị chuyển đi, phía cảnh sát liền liên hệ với ngân hàng liên quan nhằm yêu cầu phong tỏa tài khoản lừa đảo và thu hồi số tiền 121.000 NDT cho công ty của chị Vương.
Ảnh minh hoạ: Sina
Theo Sina, việc nhân sự của một số công ty gặp phải lừa đảo trên mạng, khiến công ty chịu tổn thất tài chính không phải là hiếm. Cũng vào tháng 8 năm 2023, nữ kế toán của một công ty khác ở thành phố Hợp Phì cũng rơi vào trường hợp tương tự chị Vương và bị lừa mất hơn 4 triệu NDT trong thời gian ngắn. Điều này khiến dư luận Trung Quốc đặt ra câu hỏi”: Tại sao những kẻ xấu có thể biết được tài khoản QQ của nạn nhân và các thông tin khác để thực hiện hành vi lừa đảo?
Cảnh sát cho biết hầu hết máy tính văn phòng của những công ty này có virus nên thông tin của nhân viên và công ty bị rò rỉ. Ở một số trường hợp, những kẻ lừa đảo có thể lấy thông tin nhân sự tài chính từ trên mạng. Thủ đoạn của các vụ lừa đảo về cơ bản là giống nhau. Đầu tiên, kẻ xấu sẽ lấy thông tin của nạn nhân và chủ doanh nghiệp thông qua các kênh bất hợp pháp, sau đó chúng giả làm “ông chủ” rồi xúi giục nhân viên tài chính của công ty chuyển tiền và chiếm đoạt.
Từ những vụ việc trên, cảnh sát cũng khuyên người dân khi nhận được các thông tin, thông báo từ mạng xã hội nên kiểm tra lại thật kỹ, không vội vàng thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng. Trong trường hợp có người quen nhắn tin qua mạng xã hội nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để xác nhận nội dung thông tin, tránh bị lừa đảo. Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.
(Theo Sina)