Trong bộ 3 hùng mạnh của Kpop hiện tại, SM luôn được biết đến là một công ty luôn giữ vững phong độ ổn định. Không chỉ dừng lại ở đó, SM còn là công ty đi đầu, nhà tiên phong đưa Kpop trở nên phổ biến như ở thời điểm hiện tại nhờ sự đột phá, không ngại thử cái mới, tạo nên nhiều trào lưu âm nhạc độc đáo. Đó cũng được coi là một yếu tố tiên quyết giúp SM có được thành công như hiện tại.
Mở đầu cho thời đại idol Kpop với nhóm nhạc huyền thoại H.O.T
Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, cụm từ idolgroup (nhóm nhạc thần tượng) đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với những người yêu nhạc. Thậm chí, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc hàng năm còn đón nhận hàng loạt nhóm nhạc thần tượng debut. Nhưng ít ai biết rằng, xuất phát điểm của mô hình nhóm nhạc thần tượng là từ H.O.T - thế hệ idolgroup đầu tiên của SM nói riêng và của Kpop nói chung.
H.O.T - nhóm nhạc thần tượng Kpop đời đầu
SM đã tạo ra một H.O.T toàn năng về cả giọng hát, vũ đạo lẫn ngoại hình, tạo nên một khái niệm về idolgroup đúng nghĩa. Những điều tưởng chừng như rất đỗi bình thường ở hiện tại lại được coi là... "điên rồ" thời điểm đó. "Điên rồ" bởi SM là một công ty quá nhỏ bé và mờ nhạt những năm 199x, bởi những ý tưởng đi ngược lại với nền âm nhạc Hàn Quốc thời điểm đó.
"Candy" - MV debut của H.O.T
Dự án ra mắt H.O.T của SM được xem là "được ăn cả, ngã về không". Và danh xưng "Nhóm nhạc huyền thoại số một" mà người hâm mộ dùng để gọi H.O.T chính là kết quả mà SM đã đạt được cho sự đầu tư đầy liều lĩnh này. H.O.T đã có được những thành công vượt ngoài mong đợi, có tầm ảnh hưởng lớn đến người yêu nhạc thời điểm đó. H.O.T từng đạt đến 7 danh hiệu daesang trong vòng 1 năm. Tất cả album của nhóm đều đạt con số tiêu thụ 100.000 bản ngay trong ngày phát hành. Và tính đến hiện tại, tất cả các album đều vượt qua con số 1 triệu bản, và tổng lượng album bán ra vượt qua 6 triệu bản.
Hiện tại tuy không còn hoạt động nhưng H.O.T vẫn luôn được biết đến là một huyền thoại. Còn SM, nhờ sự đột phá mạnh mẽ ở thời điểm đó mà đến hiện tại công ty này vẫn đang nằm trong top những lò đào tạo idolgroup đình đám nhất Kpop.
Những quyết định tưởng chừng như liều lĩnh và táo bạo của Lee Soo Man - chủ tịch SM Entertainment - đã làm nên một nền công nghiệp thần tượng Kpop nổi tiếng toàn thế giới
Tạo ra văn hoá fandom: Đưa người hâm mộ đến gần hơn với thần tượng
Cũng bắt nguồn từ H.O.T, SM đã tạo ra văn hoá fandom khi cho ra mắt màu bóng chính thức và công bố tên fandom của nhóm. H.O.T là nhóm nhạc Kpop đầu tiên có màu và fandom riêng. Tưởng chừng như là một ý tưởng liều lĩnh và điên rồ ở thời điểm đó nhưng việc fandom chính thức của họ có số thành viên kỉ lục lên đến 250.000 đã chứng minh điều ngược lại. H.O.T còn là nhóm nhạc có show truyền hình hay những buổi fanmeeting riêng đầu tiên, phần nào đưa người hâm mộ đến gần hơn với thần tượng.
SM đi đầu trong xu hướng màu đại diện của nhóm để phát triển nên lightstick ở thời điểm hiện tại
Hiện tại, SM cũng đã có những chuỗi cửa hàng chuyên bán sản phẩm, đồ lưu niệm liên quan đến idol
Mở đầu cho xu hướng nhóm nhạc đông thành viên và lập các unit nhỏ
SM từng khiến fan Kpop náo động khi lần đầu công bố màn debut của một nhóm nhạc nam với tận... 12 thành viên - Super Junior. Ở thời điểm đó, netizen tiếp tục coi bước tiến với Super Junior của SM là sai lầm. Với "dân số" đông như vậy, nhiều người đặt ra những dấu hỏi về việc làm sao để phân biệt được các thành viên với nhau, làm sao chia đủ phần hát cho 12 người...
Super Junior - nhóm nhạc "đông dân" đầu tiên của Kpop
Một lần nữa, SM lại chứng tỏ định hướng và tầm nhìn xa của công ty với dự án nhóm nhạc đông thành viên này. Super Junior nhanh chóng nổi lên, trở thành một cái tên hàng đầu của Kpop gen 2 với loạt hit "Sorry Sorry", "Bonamana", "Mr. Simple"... Dù cho có đến 13 "mẩu" nhưng người hâm mộ ai ai cũng nhớ mặt, thuộc tên các thành viên.
Sau Super Junior, SM tiếp tục cho ra mắt các nhóm nhạc đông thành viên khác như SNSD, EXO, NCT... Các nhóm nhạc này nhanh chóng đạt được thành công, tiếp tục khẳng định được sự đúng đắn trong định hướng đầy táo bạo, mang tính chất "mở đường" của Lee Soo Man. Không riêng gì SM, ở thời điểm hiện tại, việc một nhóm nhạc vượt quá số lượng 10 thành viên đã không còn là một điều quá xa lạ.
Sau Super Junior, SM tiếp tục cho ra mắt các nhóm nhạc đông thành viên như SNSD...
... EXO...
... NCT...
Không chỉ mở đầu kỉ nguyên nhóm nhạc đông thành viên, SM còn tạo nên trào lưu nhóm nhỏ để các thành viên có "đất" thể hiện mình hơn. Các sub-unit cũng nhận được sự quan tâm và yêu thích không kém gì nhóm chính.
Super Junior-M
... SNSD-TTS...
... hay EXO-CBX là những nhóm nhỏ nổi bật của nhà SM
Dẫn đầu trong việc "đánh chiếm" thị trường Nhật Bản
Ngày nay, không thiếu những idol Kpop có được thành công nổi bật tại thị trường âm nhạc Nhật Bản. Tuy nhiên, ít ai biết được những nghệ sĩ đầu tiên thử sức tại thị trường Nhật là ai. Nói đến việc "khai phá" tiềm năng của thị trường âm nhạc Nhật Bản, không thể không kể đến những nghệ sĩ mở đường như BoA hay TVXQ.
BoA debut tại Nhật Bản vào năm 2002 với single tiếng Nhật mang tên "Listen To My Heart". Ở thời điểm đó, chẳng ai nghĩ rằng một nghệ sĩ tại Kpop có thể làm nên chuyện ở thị trường Nhật. Tuy nhiên, nước cờ mạo hiểm của SM lại một lần nữa làm nên chuyện. Single "Listen To My Heart" liên tục đạt no.1 trên Oricon – một trong những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín hàng đầu Nhật Bản.
BoA - nghệ sĩ Kpop tiên phong tại thị trường âm nhạc Nhật Bản với "Listen To My Heart"
Tuy vậy, "cú nổ" lớn nhất tại thị trường Nhật thực sự là DBSK. Năm 2005, DBSK debut tại Nhật Bản với single "Stay With Me Tonight". Ngay sau đó, DBSK tiếp tục tích cực hoạt động tại Nhật với những sản phẩm âm nhạc được đầu tư kĩ lưỡng. Không chỉ liên tục đứng đầu BXH Oricon, doanh số các album của DBSK tại Nhật thậm chí còn vượt xa các nghệ sĩ nước nhà, đạt đến con số hàng triệu. DBSK còn đặc biệt làm nên kì tích là nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên tổ chức concert tại "thánh đường" Tokyo Dome – "đỉnh cao danh vọng" đối với các nghệ sĩ Nhật.
DBSK debut thành công rực rỡ tại Nhật, mở đường cho idol Kpop xâm chiếm thị trường âm nhạc xứ sở mặt trời mọc
DBSK còn là nhóm nhạc Kpop đầu tiên được biểu diễn tại Tokyo Dome – "đỉnh cao danh vọng" đối với các nghệ sĩ Nhật
Xuyên suốt chặng đường hoạt động của SM Entertainment, công ty đã thực sự biến những điều khác thường trong quá khứ thành bình thường ở thời điểm hiện tại. Nếu không có những tư duy hiện đại, đi ngược với số đông, những quyết định liều lĩnh tưởng chừng như không thể của SM thì có lẽ làn sóng Hallyu đã không thể lan rộng và phát triển trên toàn châu Á. SM thực sự là một công ty hoạt động vì nghệ thuật, dám nghĩ, dám hành động. Và quan trọng nhất, SM không ngại đi đầu, không hoà theo xu hướng thời đại mà tích cực khai phá, tìm tòi để làm nên sự khác biệt.
SM - kẻ "mở đường" hùng mạnh, luôn đi ngược lại với số đông để dẫn đầu xu thế