Ngày 30/9, BS Tí Kjê (khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp nguy kịch do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng có độc lực cao. Bệnh nhi là nam sinh P.V.P. (15 tuổi, ngụ tại Long An) nhập viện trong tình trạng bị sốc nhiễm trùng. Theo bệnh sử, P. có biểu hiện sốt hơn một tuần qua. Gia đình P. đã tới hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về cho em uống nhưng cơn sốt không thuyên giảm.
Vài ngày sau, P. bắt đầu xuất hiện tình trạng bầm tím ở da vùng gối, nhức mỏi cơ và vẫn còn sốt kéo dài, phải nhập viện điều trị.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện suy kiệt. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, men gan tăng, tiểu máu...
Kiểm tra hình ảnh còn ghi nhận gan của bệnh nhi to kèm dịch ổ bụng. Các bác sĩ nhận định đây là tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhi được tiến hành điều trị tích cực chống sốc nhiễm trùng. Sau nhiều ngày được theo dõi, chăm sóc liên tục, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, tổng trạng tốt dần. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân phát hiện vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus).
BS Tí Kjê cho biết, đây là trường hợp sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu vàng có độc lực cao gây ra. “Vi khuẩn tụ cầu vàng thường xâm nhập từ da, sau đó di chuyển vào máu và phóng thích độc tố tụ cầu gây nên hội chứng sốc nhiễm độc, gồm: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, khát nước, tim đập nhanh, hạ huyết áp, nổi mẩn khắp cơ thể”, BS Tí Kjê cho hay.
Qua trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, vi khuẩn tụ cầu vàng có thể tấn công mọi lứa tuổi nhưng trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh.
Để phòng tránh nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng, phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tránh để mồ hôi vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh. Khi tắm cho trẻ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn. Thận trọng với mụn nhọt và các vết thương ngoài da của trẻ bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ đến khi vết thương lành. Không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu. Khi trẻ sốt cao, mệt mỏi, ăn kém, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.