Nằm giữa bang California và Neveda, Thung lũng Chết được mệnh danh là nơi nóng nhất thế giới. Nhiệt độ mùa hè thường lên tới 49 độ, trong khi mùa đông có lúc xuống -9,4 độ. Chính thời tiết khắc nghiệt khiến đất đai cằn cỗi, không một loài cây nào có thể sống sót, chỉ có cát và sỏi đá. Vậy điều gì khiến Thung lũng Chết này thu hút các nhà nghiên cứu đến thế? Đó chỉ có thể là câu chuyện về hòn đá tự lăn hay hòn đá "biết đi".
Khó tin chuyện hòn đá "biết đi" tại Thung lũng Chết
Tên gọi kỳ lạ này xuất phát từ nhiều bằng chứng, cho thấy những hòn đá trên đỉnh núi sau một thời gian sẽ trượt dần xuống chân núi, khoảng cách từng đo được lên tới hơn 450 mét (khoảng 1,500 feet). Điều khó hiểu là sự dịch chuyển này không hề có bất cứ tác động nào từ con người hay máy móc.
Những hòn đá tự lăn và dấu vết chúng để lại trên mặt đất tại Thung lũng Chết
Có những tảng đá lớn nặng hơn 300kg di chuyển theo cách này để lại một vệt dài trên mặt đất, như báo hiệu cho chuyến đi "không mệt mỏi". Nhiều giả thiết được đưa ra để lý giải cho hiện tượng trên. Người tin rằng, đó là do từ tính, người quy về lực hấp dẫn và thậm chí, giả thiết về sự can thiệp của người ngoài hành tinh cũng được ủng hộ. Tuy vậy, sự thật về hòn đá "biết đi" vẫn là câu đố lớn, chỉ được giải khi có sự góp mặt của các nhà khoa học.
Nhà khoa học vũ trụ phá giải lời đồn 10 thập kỷ về hòn đá tự lăn
Những tưởng hơn 10 thập kỷ qua đi, câu chuyện xoay quanh hòn đá tự lăn tại Thung lũng Chết vẫn còn bỏ ngỏ. Ấy thế nhưng Ralph Lorenz cùng các bằng chứng thuyết phục của ông xuất hiện, đó là lúc tấm màn bí mật được vén lên.
Ralph Lorenz cùng các bằng chứng thuyết phục của ông đã vén bức màn bí ẩn đằng sau câu chuyện kỳ tích về những hòn đá tự lăn
Là một nhà khoa học vũ trụ tại NASA, trong một lần đến Thung lũng Chết để nghiên cứu các kiểu khí hậu đặc trưng, Ralph Lorenz đã bị thôi thúc về sự kỳ lạ của những hòn đá tự lăn. Đó chính là lúc ông ấp ủ mong mỏi sẽ là "người đầu tiên" đưa sự thật ra ánh sáng. Thí nghiệm ban đầu của ông là đặt một chiếc thùng bên trong có một chút nước, sau đó bỏ vào đó một viên đá đủ lớn ở ngang tầm mặt nước rồi làm lạnh thùng chứa.
Tiếp theo, Lorenz lấy viên đá đã đóng băng và đặt lên khay nước chứa cát bên dưới. Sau đó dùng sức gió thổi vào tảng đá, đẩy nó tự trượt trên bề mặt khay nước. Mọi quá trình chuyển động dù là rất nhỏ, đều được ông và đồng nghiệp ghi lại bằng hình ảnh xác thực. Giải thích với tạp chí Smithsonian, Lorenz cho rằng, chính lớp băng bao quanh phiến đá khi tan chảy đã trở thành một điều kiện hoàn hảo để những cơn gió dịch chuyển hòn đá một cách từ từ trong lớp bùn mềm.
Có những tảng đá lớn nặng hơn 300kg (hay 700 pounds) di chuyển và để lại một vệt dài trên mặt đất
Nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng, vào mùa đông, nước mưa sau khi đóng băng trên mặt đất sẽ tan ra vào ngày hôm sau. Lớp băng mỏng dần tan cho phép những hòn đá di chuyển dễ dàng hơn, chúng trượt đi trên mặt đất và lâu dần tạo thành những con đường của chính chúng. Và có vẻ như chỉ với sức mạnh của băng, nước và gió mà bí ẩn bao lâu nay thách thức các nhà nghiên cứu đã có lời giải.
Thí nghiệm và bằng chứng của Lorenz khi công bố được nhiều nhà khoa học ủng hộ. Đó như một cái kết đẹp cho những câu chuyện không đầu cuối xoay quanh những hòn đá tự lăn. Đồng thời mở ra nhiều câu đố thú vị khác về địa chất, hình thái khí hậu đặc biệt xung quanh Thung lũng Chết mà một ngày nào đó nhất định chúng ta sẽ tìm ra!
(Nguồn: The Vintage News)