Bí ẩn gây shock: Không phải Mozart, đây mới chính là thiên tài đứng sau những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của ông?

AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 23:48 18/06/2019
Chia sẻ

Đằng sau những tác phẩm âm nhạc cổ điển thiên tài của Mozart là cả một câu chuyện bi thương về phận làm phụ nữ thế kỷ 18.

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo có ảnh hưởng nhất đến thể loại nhạc cổ điển Châu Âu. Những tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong lĩnh vực nhạc piano, thính phòng, giao hưởng, nhạc tôn giáo và Opera. Âm nhạc của Mozart cũng đã ảnh hưởng đến rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau này.

Điều đặc biệt là tài năng của ông bắt đầu từ rất sớm khi đã sáng tác chỉ mới 13 tuổi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia âm nhạc hiện nay đang nghi vấn liệu có phải các tác phẩm của Mozart là do một mình ông sáng tác hay có sự hợp tác với người chị gái ít được biết đến, cô Maria Anna Mozart (1751-1829).

Bí ẩn gây shock: Không phải Mozart, đây mới chính là thiên tài đứng sau những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của ông? - Ảnh 1.

Maria Anna Mozart (1751-1829)

Một thần đồng khác

Maria Anna, hay còn gọi là Marianne hoặc Nannerl cũng là một thần đồng âm nhạc tương tự người em Mozart. Khi chỉ mới 7 tuổi, người cha Leopold Mozart đã dạy cô về âm nhạc.

Khi còn bé, cả Marianne và Mozart đều được ông Leopold đưa đến nhiều thành phố Châu Âu để chơi đàn và tham gia các cuộc thi nhằm thể hiện tài năng. Vào thời gian đó, tài năng của Marianne được nhiều người biết đến với cái danh thần đồng, cũng như được cộng đồng âm nhạc Châu Âu thừa nhận.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng xác thực cho thấy Marianne giỏi hơn Mozart bởi bà lớn hơn vài tuổi và đương nhiên chơi nhạc tốt hơn. Tuy nhiên rõ ràng Marianne đã chiến thắng một số cuộc thi âm nhạc khi có sự tham gia của Mozart cũng như cũng có năng khiếu sáng tác mạnh mẽ.

Tuy nhiên khi bước sang tuổi 18, lứa tuổi lập gia đình lúc bấy giờ, Marianne không được cha đưa đi lưu diễn cùng em trai nữa do văn hóa thời đó. Kể từ năm 1769, Marianne bị buộc ở nhà với mẹ trong khi người cha Leopold cùng em trai Mozart tiếp tục đi lưu diễn tại nhiều thành phố ở Châu Âu.

Bất chấp điều đó, Marianne vẫn có niềm đam mê với âm nhạc và tiếp tục sáng tác nhiều giai điệu. Những tác phẩm này đã được gửi cho ông Leopold và người em trai Mozart.

Trong khi Mozart vô cùng ủng hộ người chị tiếp tục theo đuổi sáng tác thì người cha Leopold lại không mấy mặn mà với điều này. Tại một lần biểu diễn, Mozart thậm chí tuyên bố bản nhạc mình chơi là sáng tác của người chị và điều này khiến ông Leopold không hài lòng.

Theo ông, một người phụ nữ như Marianne có bổn phận lập gia đình chứ không nên theo đuổi sự nghiệp âm nhạc bởi một phụ nữ không thể trở thành nhạc sĩ theo văn hóa thời đó. Kể từ đó, ông Leopold cấm Marianne sáng tác nhạc cũng như từ chối dạy đàn violin và hòa tấu cho cô.

Hiện những bản thảo, bức thư về Marianne không còn nhiều và cũng không có nhiều chuyên gia chứng minh được người chị này đóng vai trò lớn trong các tác phẩm của Mozart. Tuy vậy, nghiên cứu của giáo sư Martin Javis cho thấy người em trai Mozart đã sử dụng những bản nhạc do chính Marianne sáng tác để học piano.

Bí ẩn gây shock: Không phải Mozart, đây mới chính là thiên tài đứng sau những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của ông? - Ảnh 2.

Gia đình Mozart (giữa), gồm người cha Leopold và chị Marianne

Đây có thể là khởi điểm quan trọng chứng minh cho giả thuyết Marianne góp phần làm nên nhiều bản nhạc được ký tên bởi người em trai kém mình 5 tuổi.

Vào thế kỷ 18, việc một cô gái như Marianne sáng tác âm nhạc là điều trái với văn hóa cũng như không được cộng đồng đánh giá cao. Bởi vậy, nhiều chuyên gia nhận định cô đã không ký bút danh của mình lên nhiều tác phẩm sáng tác, hoặc hợp tác với Mozart để cho ra các bản nhạc và thậm chí là có thể mượn bút danh của người em.

Sự hy sinh của người chị

Khi Mozart mới chỉ là một đứa bé, ông vô cùng thần tượng người chị của mình. Những tài liệu khảo cứu cho thấy Mozart bị ấn tượng mạnh vào năm 3 tuổi khi chứng khiến người cha Leopold dạy nhạc cho Marianne và muốn được trở nên tài năng như người chị.

Ngay từ bé, chính người cha Leopold cũng đã phải thừa nhận Marianne là một trong những thần đồng âm nhạc giỏi nhất Châu Âu với những kỹ năng bẩm sinh về âm nhạc. Trong khi đó, Mozart cũng tuyên bố không ai có thể chơi nhạc của ông hay bằng người chị gái của mình.

Từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành, 2 chị em nhà Mozart gắn bó khá thân thiết với nhau. Kể cả khi đã nổi tiếng, người em Mozart vẫn thường xuyên gửi cho chị các tác phẩm của mình để tham khảo và trình diễn trong các buổi tụ họp của giới quý tộc.

Bí ẩn gây shock: Không phải Mozart, đây mới chính là thiên tài đứng sau những tác phẩm nghệ thuật kinh điển của ông? - Ảnh 3.

Chị em nhà Mozart

Tuy nhiên, như bao người phụ nữ khác thời đó, tài năng của Marianne bị xã hội làm thui chột. Việc một người phụ nữ sáng tác âm nhạc thời đó là không thể chấp nhận theo văn hóa thế kỷ 18. Thêm vào đó, gia đình Mozart không thuộc tầng lớp quý tộc hay giàu có gì mà chỉ thuộc dạng trung lưu.

Trong khi đó, người cha Leopold lại muốn dành hết tâm huyết cho sự nghiệp của Mozart bằng cách đi vay mượn để tổ chức các buổi lưu diễn. Hệ quả tất yếu là gia đình Mozart gặp khó khăn về tài chính và người chị Marianne buộc phải đứng ra để cứu vớt sự nghiệp người em theo lệnh cha.

Ban đầu, Marianne yêu Franz D’ippoid, một sĩ quan và cũng là giáo viên tư thục nhưng mối tình này bị người cha phủ quyết bởi Franz không có thực lực tài chính. Thay vào đó, Marianne bị ép phải lấy Johann Sonnenburg (1783-1801), một nhà quý tộc giàu có đã có 2 đời vợ với 5 đứa con.

Trái với người em Mozart sẵn sàng chống lại cha để theo đuổi phong cách sáng tác của riêng mình, Marianne là người phụ nữ hiền lành biết nhẫn nhịn cho gia đình. Bà chấp nhận lấy Sonnenburg để góp phần giải quyết phần nào gánh nặng tài chính của gia đình từ các cuộc lưu diễn của cha và em trai.

Theo nhiều chuyên gia, quyết định này của Leopold là hợp với văn hóa thời đó bởi trái với nam giới, phụ nữ thời đó không được thu tiền khi biểu diễn âm nhạc. Việc thu tiền khi nữ giới biểu diễn âm nhạc trong giới quý tộc thế kỷ 18 bị coi không khác gì làm kỹ nữ. Vì vậy, việc Marianne có thể theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và giúp đỡ gia đình là không thể.

Sau khi chồng mất vào năm 1801, Marianne trở về quê và làm một giáo viên dạy nhạc. Bà cũng góp công lớn trong việc biên soạn sách tiểu sử về Mozart sau khi ông qua đời.

Những năm cuối đời, Marianne bị mù cả 2 mắt và dù có gia tài khổng lồ nhưng lại phải sống trong cảnh cô đơn khi không có người chia sẻ về niềm đam mê âm nhạc cũng như ghi nhận tài năng của bà.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày