Ngày 3/4, số ca xác nhận nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt qua cột mốc 1 triệu. Một cột mốc đáng buồn, và buồn hơn nữa là vẫn tiếp tục tăng lên với tốc độ đáng báo động. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có thêm hơn 300.000 ca nhiễm mới, và tổng cộng hơn 74.000 người tử vong từ đầu đại dịch đến nay.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là không phải trường hợp nào nhiễm bệnh cũng có phản ứng giống nhau. Triệu chứng của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được trải rất rộng, có người bị nặng, nhưng cũng có người nhẹ, thậm chí không phát bệnh.
Tại sao lại như vậy? Trên thực tế, vấn đề này là một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dịch Covid-19 mà giới khoa học vẫn chưa thể tìm ra đáp án chính xác. Dù vậy, vẫn có một vài giả thuyết, và chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem.
Triệu chứng phổ biến nhất đối với người nhiễm Covid-19 là sốt cao, ho khan, khó thở dẫn đến thở ngắn. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cũng chỉ ra rằng có rất nhiều bệnh nhân bộc lộ các triệu chứng không liên quan đến đường hô hấp. Như một nghiên cứu tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trên 204 bệnh nhân, có đến hơn 1/2 xuất hiện triệu chứng về tiêu hóa, như chán ăn, buồn nôn và tiêu chảy.
Báo cáo khác trên tạp chí New York Times cho thấy đôi khi bệnh nhân có các triệu chứng về thần kinh, như phù não hoặc co giật, động kinh. Một số trường hợp lại có triệu chứng về tim, cũng như đau cơ và mệt mỏi cực độ. Và đặc biệt, có những bệnh nhân dù dương tính, nhưng triệu chứng lại cực kỳ nhẹ, thậm chí là không có triệu chứng luôn.
Không phải ai cũng có triệu chứng giống nhau
Tại sao ảnh hưởng của Covid-19 lên mỗi người lại khác nhau đến vậy? "Vấn đề cơ bản là con người vốn không phải máy móc," - trích lời chuyên gia y tế Kathryn Jacobsen trên Yahoo News. "Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể đối với mầm bệnh. Trong trường hợp virus corona, 2 yếu tố quan trọng nhất là độ tuổi và tình trạng sức khỏe."
Tác động của độ tuổi đến mức độ nghiêm trọng về triệu chứng bệnh là tương đối dễ thấy. "Cách cơ thể chúng ta phản ứng với mầm bệnh sẽ thay đổi theo độ tuổi," - Jacobsen nhận định. "Dù là ai trong độ tuổi nào, bạn cũng có thể nhiễm virus và chết vì nó. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong là cao nhất đối với nhóm người cao tuổi."
Bên cạnh độ tuổi, việc có sẵn 2 - 3 bệnh lý khác cũng khiến các triệu chứng trở nên khác biệt. "Bệnh nhân có sẵn bệnh lý về tim, phổi, tiểu đường hoặc các chứng bệnh khác sẽ bộc lộ triệu chứng nặng hơn," - Jacobsen cho biết. Tuy nhiên, cơ chế trong chuyện này thì chưa được làm rõ.
Một yếu tố khác có khả năng gây ảnh hưởng đến các triệu chứng, đó là tần suất và mức độ tiếp xúc với mầm bệnh. "Giống như bất kỳ loại bệnh nào, virus sẽ chết chóc hơn nếu chúng tấn công với số lượng lớn," - trích bài viết của tiến sĩ Joshua D. Rabinowitz và Caroline R. Bartman trên New York Times.
"Bước vào một tòa nhà từng có một người nhiễm virus sẽ không nguy hiểm bằng việc phải ngồi cạnh người đó suốt hàng giờ trên tàu điện," - Rabinowitz chia sẻ. "Việc tiếp xúc với virus ở nồng độ thấp thậm chí có thể kích thích hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể trong trường hợp gặp phải lượng virus lớn hơn trong tương lai."
Đối với Covid-19, vẫn còn quá sớm để kết luận chính xác liệu còn những yếu tố nào khác ảnh hưởng đến khả năng gây bệnh của virus, nhưng nhiều khả năng vẫn còn vài yếu tố khác. Theo Jacobsen thì thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, y tế, hóa chất cơ thể, thậm chí là gene di truyền đều là các yếu tố cần cân nhắc.
Hiển nhiên, những người thuộc nhóm rủi ro bệnh nặng cao sẽ được khuyên cẩn thận hơn, để giảm thiểu khả năng tiếp xúc và lây lan. Nhưng theo Jacobsen: "Điều này không có nghĩa những người thuộc nhóm rủi ro thấp có thể chủ quan mà không bảo vệ mình. Rủi ro thấp thôi chứ không phải hoàn toàn không có."
"Điều quan trọng là chúng ta sẽ không thể biết chắc chắn ai sẽ có triệu chứng nhẹ, ai sẽ nặng. Nên lựa chọn an toàn nhất cho tất cả là hãy làm theo chỉ đạo của chính phủ và cơ quan y tế, về việc phòng chống dịch bệnh lần này."