Trong thế giới truyền thông kỹ thuật số ngày nay, nơi mỗi cú nhấp chuột đều có thể quy đổi thành tiền, The Agora nổi lên như một đế chế bí mật nhưng đầy quyền lực. Ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ ngoài chuyên cung cấp thông tin tài chính, y tế và phong cách sống, tổ chức này đã kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm nhờ vào các nội dung gây hiểu nhầm, thậm chí sai sự thật trắng trợn. Với một mạng lưới các công ty con hoạt động dưới nhiều thương hiệu khác nhau, The Agora đã tận dụng tâm lý sợ hãi, hy vọng và sự thiếu hiểu biết của hàng triệu người dùng – đặc biệt là người cao tuổi – để bán các bản tin trả phí, sách điện tử và khóa học với những lời hứa về sự giàu có nhanh chóng hoặc khả năng chữa bệnh kỳ diệu.
Được thành lập tại Baltimore, Maryland, The Agora là tập hợp của hàng chục công ty xuất bản, từ Agora Financial đến Health & Wealth Bulletin. Mỗi thương hiệu con đều nhắm đến một phân khúc cụ thể: đầu tư chứng khoán, tiền hưu trí, bí quyết sống khỏe không cần thuốc… Dù được quảng bá như những nguồn thông tin “bên lề truyền thông chính thống”, thực tế, nhiều nội dung họ phát hành là không có căn cứ khoa học, bị cường điệu hóa hoặc thậm chí hoàn toàn bịa đặt.
Điều đáng nói, The Agora không chỉ dừng lại ở việc phát tán thông tin gây tranh cãi. Công ty này đã xây dựng cả một quy trình tiếp thị tinh vi, kết hợp giữa quảng cáo Facebook, email… được tối ưu hóa để điều hướng người đọc đến một hành động duy nhất: mở ví. Đầu tiên là những tiêu đề giật gân xuất hiện trên Facebook hoặc YouTube, chẳng hạn như: “Bác sĩ này chữa tiểu đường không cần thuốc”,...
Click vào đây, người dùng được dẫn đến các trang web với nội dung dài dòng, dồn dập các “bằng chứng” và lời chứng thực, thường đi kèm một video do người dẫn chương trình vô danh trình bày. Sau khi gây dựng đủ độ tin tưởng, họ yêu cầu người dùng điền email, từ đó gửi hàng loạt thư điện tử bán các sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm USD.
Mô hình này mang lại cho The Agora lợi nhuận khổng lồ. Theo Forbes, đế chế này kiếm được hàng trăm triệu USD doanh thu hàng năm, với hàng triệu lượt đăng ký email và tỉ lệ chuyển đổi ấn tượng từ người đọc miễn phí sang khách hàng trả tiền. Nhóm bảo vệ người tiêu dùng Truth in Advertising ước tính The Agora đã thu về khoảng 500 triệu USD doanh thu chỉ riêng trong năm 2021.
Chính thành công này đã khiến The Agora lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) chính thức kiện Agora Financial – một công ty con – vì quảng cáo sai sự thật và nhắm vào nhóm người cao tuổi với nội dung gây hiểu lầm. Trong đơn kiện, FTC cáo buộc rằng công ty đã lừa dối người tiêu dùng bằng cách quảng bá những phương pháp “chữa khỏi tiểu đường” không có căn cứ khoa học, đồng thời tuyên truyền về các “quỹ hưu trí bí mật” do chính phủ tài trợ dù thực tế hoàn toàn không có.
Đây không phải lần đầu tiên The Agora vướng vào rắc rối pháp lý. Từ những năm đầu thập niên 2000, tổ chức này từng bị Cơ quan Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) chú ý sau khi một bản tin đầu tư được cho là đã gợi ý người xem mua quyền chọn bán cổ phiếu của American Airlines ngay trước vụ khủng bố 11/9. Dù cuối cùng SEC không truy tố, sự việc đã để lại dấu hỏi lớn về cách họ xử lý thông tin nhạy cảm và đạo đức trong hoạt động xuất bản. Các công ty con khác cũng liên tục nhận được hàng loạt khiếu nại về việc tính phí bất hợp lý, từ chối hoàn tiền, hoặc tiếp tục trừ tiền sau khi đã huỷ đăng ký.
Vậy tại sao, sau tất cả những lùm xùm, đế chế này vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ?
Câu trả lời nằm ở chính cấu trúc phân tán và mô hình kinh doanh khôn ngoan. Thay vì hoạt động dưới một thương hiệu duy nhất, The Agora sử dụng hàng chục cái tên khác nhau, mỗi cái nhắm đến một thị trường ngách riêng. Khi một thương hiệu gặp rắc rối, các thương hiệu còn lại tiếp tục vận hành và tạo ra doanh thu. Quảng cáo trên mạng xã hội cũng được tối ưu hóa nhằm tăng khả năng “giữ chân” khách hàng. The Agora cho biết họ có khoảng hơn 20 công ty.
Không thể phủ nhận The Agora rất giỏi trong việc hiểu tâm lý người tiêu dùng. Công ty này khai thác các điểm yếu như sự lo lắng về tài chính, bệnh tật, tuổi già và tương lai bất định. Các nội dung, dù không có chứng cứ khoa học rõ ràng, lại được trình bày như nghiên cứu nội bộ hoặc “sự thật bị che giấu”, khiến người đọc tin rằng mình đang tiếp cận thứ gì đó độc quyền, khác biệt. Đây chính là điều làm cho chiến dịch của The Agora hiệu quả đến mức nguy hiểm.
Trong một bài đánh giá, một khách hàng cũ cho biết đã “lãng phí” hơn 15.000 USD cho các sản phẩm của Agora — bao gồm “quyền thành viên VIP đặc biệt” với các bản cập nhật bản tin độc quyền, cảnh báo và video. “Đây là cơn bão hoàn hảo để một công ty như Agora thao túng người tiêu dùng tại Mỹ”, người này nói.
Theo: Forbes