Nhà Thanh có thể được xem là triều đại nổi bật nhất trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến ở Trung Quốc. Tồn tại hơn 200 năm, với 12 vị Hoàng đế nắm quyền, sở hữu giai đoạn Khang Càn chi trị cực kỳ nổi tiếng, đưa Trung Hoa lúc bấy giờ phát triển tầm cỡ thế giới.
Một điều có thể công nhận, hầu hết các Hoàng đế nhà Thanh đều là những người cầm quyền rất siêng năng so với các triều đại khác trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng điều rất thú vị là nguyên nhân cái chết của 12 vị Hoàng đế này đều không giống nhau, trong đó có cái chết của 3 vị Hoàng đế đến nay vẫn luôn là bí ẩn.
Buồn tình xuất gia hay qua đời vì bệnh đậu mùa?
Thuận Trị đế được nhớ đến như một người đàn ông hiền lành, chấp mê chấp muội trong tình yêu. Cả đời Thuận Trị yêu quý Đổng Ngạc phi. Cũng vì thế mà sau cái chết của vị phi tần này (bất ngờ qua đời, có lẽ do đau buồn quá độ sau khi mất con), Hoàng đế Thuận Trị đắm chìm trong sự đau khổ và bỏ bê triều chính trong nhiều tháng. Không lâu sau, Hoàng đế qua đời vào ngày 5/2/1661 ở Tử Cấm Thành, năm đó chỉ mới 22 tuổi.
Bởi vì triều đình không hay biết gì về tình hình lúc Hoàng đế băng hà, người ta rộ lên tin đồn rằng ông không chết mà bỏ lên núi và cạo đầu trở thành một nhà sư, bởi ông quá chán nản sau cái chết của người sủng phi mà ông thương yêu.
Những tin đồn này không phải là vô căn cứ vì Hoàng đế trở nên rất mộ đạo Phật từ cuối những năm 1650, thậm chí ông còn cho phép các nhà sư ra vào cung điện.
Các sử gia Trung xếp cái chết không rõ ràng của Hoàng đế Thuận Trị là một trong ba bí ẩn lớn đầu đời nhà Thanh. Nhưng nhiều bằng chứng liên quan - bao gồm cả một ghi chép của một nhà sư đều ghi rằng sức khỏe của Hoàng đế đã xấu đi rất nhiều vào đầu tháng 2 năm 1661 vì bệnh đậu mùa, một vị phi tử (Trinh phi) và một thị vệ đã tự sát để cùng Hoàng đế về thế giới bên kia.
Bị ám sát hay dùng thuốc quá liều?
Ung Chính là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh, trị vì chỉ trong 13 năm. Ông đột ngột qua đời vào năm 1735 khi mới 58 tuổi. Bản thân sử sách đương thời cũng không ghi rõ nguyên nhân cái chết, vì vậy cái chết của ông đã trở thành đề tài bàn tán trong nhiều năm.
Bản thân Ung Chính là một vị Hoàng đế siêng năng, cần kiệm. Mặc dù triều đại của Ung Chính ngắn hơn nhiều so với cha mình (Khang Hi đế trị vì 61 năm) và con trai (Càn Long đế trị vì 60 năm), sự ra đi đột ngột của ông lại được tin rằng là do khối lượng công việc nặng nề của ông mang lại.
Tuy nhiên, dân gian đồn đại ông đã bị ám sát bởi Lã Tứ Nương, con gái của Lã Lưu Lương, người mà cả gia đình đã bị xử tử trong vụ án văn chương nổi tiếng chống lại Nhà Thanh. Một giả thuyết khác có vẻ thực tế hơn, đó là Ung Chính đã chết vì dùng thuốc quá liều vào thời điểm đó, vì ông cho rằng các loại dược liệu quý này sẽ giúp ông kéo dài tuổi thọ.
Do Từ Hi Thái hậu giết chết?
Quang Tự là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh, qua đời ngày 14/11/1908 (một ngày trước khi Thái hậu Từ Hi mất) ở tuổi 37 và trị vì được 33 năm.
Nhiều ghi chép trong Sử Trung Quốc thể hiện, trước đó, Chính biến Mậu Tuất (1898) xảy ra, Hoàng đế Quang Tự bị giam 10 năm ở Doanh Đài, trong một căn phòng bẩn thỉu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã cho đến khi chết (1908).
Thế nhưng, Phổ Nghi đã ghi lại trong tác phẩm Nửa Đời Đã Qua (hay còn được gọi là Nửa Đời Trước Của Tôi), cái chết của Quang Tự là một nghi án. Theo lời kể của viên thái giám già Lý Tường An, thì Quang Tự mất vì bị Khánh Thân vương Dịch Khuông và Viên Thế Khải đầu độc. Cũng có lời đồn đãi cho rằng do Từ Hi giết chết vì "bà không cam tâm chết trước vua Quang Tự".
Vậy nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Hoàng đế Quang Tự là gì? Trên thực tế, không ai biết.