Bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ

MAI LÊ, QUANG NHẬT, Theo VTV 19:00 30/09/2022

Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bởi việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch, tựu trường...

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 28/9, toàn tỉnh ghi nhận 729 trường hợp mắc tay chân miệng tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc tay chân miệng tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2021 (560 trường hợp).

Chỉ tính riêng từ ngày 1/6 đến ngày 28/9, toàn tỉnh ghi nhận gần 300 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc ghi nhận chủ yếu tại cộng đồng và không xác định rõ nguồn lây. Trong đó, một số địa phương có số bệnh nhân mắc tay chân miệng cao như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pắk, Buôn Hồ…

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Qua theo dõi tình hình bệnh tay chân miệng trong những tháng gần đây, đặc biệt khi học sinh bắt đầu tựu trường trở lại, có thể thấy hiện nay bệnh tay chân miệng đang tăng và rất đáng lo ngại. Việc học sinh đi học trở lại sẽ không tránh khỏi sự lây lan bệnh trên diện rộng.

Bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng gia tăng tai Đắk Lắk.

Ngành Y tế đã và đang đẩy mạnh khuyến cáo với phía nhà trường cũng như các phụ huynh tăng cường vệ sinh lớp học, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín, giữ vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt, khu vui chơi của trẻ bằng các hóa chất theo hướng dẫn để hạn chế mầm bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện điều trị gia tăng rất nhiều, trong đó có rất nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng ở tình trạng nặng, sốc.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, khoảng thời gian này là một trong những đợt cao điểm của bệnh tay chân miệng do mùa tựu trường làm gia tăng tiếp xúc giữa các trẻ với nhau. Bệnh viện đều gặp các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng vào viện với tất cả các phân độ, thậm chí có những trẻ rất nặng.

Trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng thường có các triệu chứng điển hình như nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy...

Đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và chưa có vaccine phòng bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu được điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus EV71, thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi… khi không phát hiện và xử trí kịp thời.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như:

Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Phụ huynh có con mắc tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.