Nhận định của WHO được đưa ra sau khi các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ được báo cáo ở những quốc gia trước đây không lưu hành căn bệnh này.
WHO xác nhận: "Rủi ro về sức khỏe cộng đồng có thể cao hơn nếu virus đậu mùa khỉ trở thành mầm bệnh cho người và lây lan sang các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn như trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch".
Tính đến ngày 26/5, tổng cộng 257 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được xác nhận và 120 người nghi ngờ bị nhiễm bệnh đã được báo cáo từ 23 quốc gia thành viên không phải là nơi lưu hành của virus, WHO cho biết trong một tuyên bố. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo cho đến nay.
WHO cũng nói rằng, sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ cùng một lúc ở một số quốc gia không lưu hành bệnh cho thấy, tình trạng lây truyền bệnh đã không được phát hiện trong một thời gian, dẫn đến sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Các ca mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở những quốc gia trước đây không lưu hành căn bệnh này (Ảnh: Reuters)
WHO hy vọng sẽ có nhiều trường hợp được báo cáo hơn khi việc giám sát ở các nước lưu hành và không lưu hành bệnh được mở rộng.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, thường ở thể nhẹ, và là dịch bệnh lưu hành ở các vùng khu vực Tây và Trung Phi. Virus đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần, vì vậy nó có thể được ngăn chặn tương đối dễ dàng thông qua các biện pháp như tự cách ly và vệ sinh.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh được báo cáo cho đến nay đã được phát hiện ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Cơ quan sức khỏe toàn cầu của Liên Hợp Quốc cho biết: "Phần lớn các trường hợp được báo cáo cho đến nay không đi du lịch đến khu vực lưu hành dịch bệnh và được phát hiện bởi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục".