Giới chức Argentina cho biết, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ nói trên là một người đàn ông 40 tuổi, mới trở về từ Tây Ban Nha. Hai ngày trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố 59 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở nước này.
"Kết quả xét nghiệm PCR đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên này là dương tính", Bộ Y tế Argentina cho biết trong một tuyên bố.
Các nhân viên y tế Argentina đang điều trị các triệu chứng của người này, tuyên bố xác nhận, trong khi những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trên, những người không có triệu chứng, đang được theo dõi.
Bộ Y tế Argentina cũng tiết lộ rằng một công dân Tây Ban Nha, hiện đang đến thăm Argentina và không có mối liên hệ nào với bệnh nhân nói trên, là trường hợp thứ hai trong diện bị nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ: "Người này có các tổn thương do vết loét nhưng không có những triệu chứng liên quan khác".
Hình ảnh phóng đại một phần mô được lấy từ vết thương trên da của một con khỉ đã bị nhiễm virus đậu mùa khỉ vào năm 1968 (Ảnh: Reuters)
Bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ một loại virus truyền nhiễm và có thể lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người. Việc lây truyền từ người sang người cũng có thể xảy ra nhưng hiếm.
Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn nhiều. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban giống thủy đậu.
Hiện không có phương pháp điều trị cụ thể nhưng việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa đã được chứng minh là có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970 và được coi là bệnh dịch đặc hữu ở khoảng 10 quốc gia châu Phi.
Sự xuất hiện của đậu mùa khỉ ở các quốc gia không lưu hành bệnh đã khiến các chuyên gia lo ngại, mặc dù những trường hợp mắc bệnh được báo cáo cho đến nay hầu hết là ở thể nhẹ và không có ca tử vong.