Bé H.L (8 ngày tuổi) được cấp cứu tại Đơn nguyên Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Ngọc trong tình trạng khó thở, rút lõm lồng ngực, da tím tái, xuất hiện các cơn ngừng thở, chỉ số oxy trong máu liên tục giảm, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng.
BS. Vũ Mạnh Dũng (Trưởng Đơn nguyên Sơ sinh - BVĐK Hồng Ngọc Phúc Trường Minh) nhận định trẻ có dấu hiệu suy hô hấp nặng, các bác sĩ ngay lập tức đưa trẻ vào phòng cấp cứu NICU cho trẻ thở máy ổn định hô hấp, ổn định tuần hoàn. Sau đó thực hiện các xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, khí máu, test nhanh các loại virus ngay tại giường, kết quả bé nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) gây viêm phổi nặng, xẹp toàn bộ phổi bên phải.
Tìm hiểu bệnh sử, bác sĩ biết được nguyên nhân gây bệnh là do hành động yêu thương của người thân. “Sau sinh các cô, bác đến thăm hai mẹ con, quý mến nên có bế và thơm con, 1-2 hôm sau con có biểu hiện khụt khịt, chảy mũi, húng hắng ho nhưng mình nghĩ biểu hiện bình thường nên chủ quan không đưa đi khám. Đến khi con tím tái, hơi thở thoi thóp vào thẳng phòng cấp cứu thì mình hối hận vô cùng, thương con nhưng mà bất lực chỉ biết ngồi khóc, còn quên cả vết mổ đẻ đang đau…”, mẹ bé H.L chia sẻ.
Với tình trạng xẹp hoàn toàn phổi phải, đờm nhầy bít tắc đường thở và nhiều cơn ngừng thở, các bác sĩ đã sử dụng máy thở chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh thế hệ mới. Phổi phải của dần thông khí trở lại, đường thở thông thoáng, da niêm mạc hồng hào, bé giảm ho, giảm sổ mũi. Sau 5 ngày, vượt qua giai đoạn nguy hiểm, đến ngày thứ 10, bé chính thức được xuất viện.
Được biết, tại BVĐK Hồng Ngọc, số lượng bệnh nhi nhập viện do nhiễm virus RSV gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh với triệu chứng nặng.
Qua trường hợp nêu trên, BS. Vũ Mạnh Dũng nhắc nhở: "RSV lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt qua thói quen “hôn hít” con trẻ tưởng chừng vô hại mà nhiều phụ huynh không để ý. Người lớn nhiễm RSV giống cảm lạnh thông thường, có thể tự khỏi, nhưng trẻ sơ sinh, RSV có thể khiến trẻ suy hô hấp nghiêm trọng từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng suy hô hấp, suy tim, suy đa tạng, thiếu oxy não, thậm chí tử vong".
Để phòng ngừa, bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc đông người; hạn chế ôm, hôn, thơm trẻ; cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay, thay quần áo khi đi làm về trước khi bế bé. Đặc biệt, không chủ quan, đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường: sốt, bú kém, thở nhanh, ho đờm, dịch mũi nhiều, nôn trớ sữa liên tục...