Phiên tòa xét xử bị cáo Trần Tố Loan (SN 1977, ở Hà Tĩnh) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản dự kiến diễn ra ngày 30/6 đã bị hoãn. Theo thông báo của TAND tỉnh Hà Tĩnh, “do yêu cầu công việc” nên thay đổi thời gian xét xử.
Theo tài liệu vụ án, năm 2011, công ty TNHH Huy Phong do chị Loan làm giám đốc đã ký hợp đồng mua sim, thẻ với Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh, mức chiết khấu là 9%. Chị Loan đã 3 lần mua sim thẻ với tổng giá trị phải thanh toán là gần 2,4 tỷ đồng và được Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh đồng ý cho trả chậm thời gian từ 3 - 15 ngày.
Sau khi bán sim thẻ, chị Loan sử dụng tiền thu được vào việc khác, không trả tiền mua sim thẻ cho Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh. Vì hành vi này, ban đầu chị Loan bị quy kết phạm tội Sử dụng trái phép tài sản của người khác và được cho tại ngoại.
Tháng 6/2015, TAND TP Hà Tĩnh đưa chị Loan ra xét xử và tuyên chị mức án 3 năm 6 tháng tù giam. Chị Loan bị bắt giam ngay tại tòa, khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật, trong sự ngỡ ngàng của người thân.
Mẹ đi tù, 3 đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà trống
Bố là bộ đội biên phòng, công tác xa nhà, mẹ đột ngột bị bắt, 3 đứa con nhỏ của chị Loan (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi) bỗng chốc thành những đứa trẻ bơ vơ.
Trong căn nhà trống hoác, đứa lớn chăm sóc đứa bé. Gia đình phải nói dối chúng rằng mẹ đi công tác xa nhà. Nhớ mẹ, cứ chập choạng tối, ba đứa nhỏ lại ra cửa đứng ngóng mẹ.
"Cho đến hôm có người của đài truyền hình đến quay phim, phỏng vấn, chúng mới biết chuyện mẹ bị đi tù. Vậy là mấy anh em cứ ôm nhau khóc", luật sư Hồng Bách, người tham gia bào chữa cho chị Loan kể lại.
Hình ảnh ba đứa trẻ chăm nhau trong căn nhà vắng và tiếng khóc của chúng đã ám ảnh luật sư Bách.
Và theo luật sư Hồng Bách, trong trường hợp của chị Loan, vì yếu tố nhân đạo, không nhất thiết phải bắt giam chị.
Một người thân của chị Loan cho biết, những đứa trẻ tội nghiệp thậm chí còn sợ đi học vì bị chúng bạn trêu chọc, đứa lớn thậm chí từng đòi tự vẫn...
Kêu oan
Tham gia bào chữa cho bị cáo Loan, luật sư Bách cho rằng, thân chủ của mình vô tội. Theo luật sư, việc kết tội chị Loan đã trở thành "kỳ án" khi trong 3 năm, các cơ quan tố tụng liên tục thay đổi tội danh.
Ngày 13/7/2012, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố chị Loan tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 25/7/2013, cơ quan tố tụng đổi tội danh chị Loan thành Sử dụng trái phép tài sản. Sau khi bản án sơ thẩm bị hủy, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, chị Loan lại bị chuyển tội danh thành Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Bách, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tải sản, cấu thành quan trọng của tội này là phải có thủ đoạn gian dối.
Tuy nhiên, trong vụ việc này hoàn toàn không có gì gian dối, lừa đảo. Hai pháp nhân ký kết hợp đồng giao dịch và có điều khoản thỏa thuận trả chậm. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì bên còn lại có quyền khởi kiện để đòi nợ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi giữa các pháp nhân có tranh chấp thương mại, nếu không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán mà bị truy cứu hình sự thì không còn ai dám kinh doanh.
Trong khi chị Loan đang phải ngồi tù, anh Hồ Sỹ Thắng (SN 1977), chồng chị đã gửi đơn khắp nơi kêu oan cho vợ.
Anh Thắng cho rằng, cơ quan tố tụng đang hình sự hóa quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại vốn hợp pháp. Kêu oan cho vợ, anh Thắng cho biết, mình đang "đòi" lại mẹ cho 3 đứa con thơ.