Máy bay đã phát đi thông báo khẩn cấp
Reuters thông tin, bản báo cáo gửi ngày 27/1 (giờ địa phương) của Hàn Quốc cho biết cuộc điều tra về thảm họa hàng không khiến 179 người chết tại sân bay Muan vẫn đang được tiến hành. Trong đó, các nhà điều tra tập trung vào vấn đề "va chạm với chim", việc phân tích động cơ và cấu trúc hướng dẫn hạ cánh "định vị".
Theo báo cáo, chiếc máy bay phản lực Boeing 737-800 của Jeju Air khởi hành từ Bangkok (Thái Lan) đến sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) đã trượt khỏi đường băng, hạ cánh khẩn cấp bằng bụng và đâm vào kết cấu hạ cánh vào sáng 29/12/2024.
Ngay sau đó, các chuyên gia cho rằng hệ thống định vị hỗ trợ dẫn đường cho máy bay khi tiếp cận đường băng, với kết cấu bằng bê tông cốt thép tại sân bay Muan có khả năng là nguyên nhân gây ra thảm họa.
Reuters nhấn mạnh, thời điểm chính xác mà các phi công báo cáo về vụ va chạm với chim vẫn chưa được xác nhận, nhưng máy bay đã phát đi thông báo khẩn cấp (Mayday x 3) - thông báo cho những trường hợp khẩn cấp như động cơ hỏng hoàn toàn, hỏa hoạn trên máy bay - do va chạm với chim trong khi đang bay vòng lại.
"Sau khi đâm vào bờ kè đã xảy ra hỏa hoạn và một vụ nổ cục bộ. Cả hai động cơ đều bị chôn vùi trong đống đất của bờ kè, và phần thân trước văng ra xa bờ kè từ 30-200m. Sau khi kiểm tra, phát hiện thấy lông vũ và vết máu chim trên 2 động cơ của máy bay", báo cáo cho biết, nhưng không nói rõ điều gì có thể khiến hai máy ghi dữ liệu của máy bay ngừng ghi cùng lúc - ngay trước khi các phi công phát đi thông báo Mayday .
Những phút cuối cùng của chuyến bay
Cũng trong báo cáo, Bộ GTVT Hàn Quốc đã công bố thông tin về những phút cuối cùng của chuyến bay Jeju Air.
Cụ thể, lúc 8 giờ 54 phút 43 giây, chuyến bay 7C2216 của Jeju Air liên lạc với trạm kiểm soát không lưu sân bay Muan, và được phép hạ cánh trên đường băng 01. Đến 8 giờ 57 phút 50 giây, trạm kiểm soát không lưu đưa ra khuyến cáo "Thận trọng - có hoạt động của chim".
Khoảng 8 giờ 58 phút 11 giây, các phi công của Jeju Air nói trong buồng lái rằng phát hiện một đàn chim dưới máy bay. Đến 8 giờ 58 phút 50 giây, máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và máy ghi âm buồng lái (CVR) của máy bay ngừng ghi, khi máy bay đang bay với tốc độ 298 km/h, ở độ cao 152m.
Sau đó, phi công chuyến bay 7C2216 ban bố tình trạng khẩn cấp Mayday và thông báo với trạm kiểm soát không lưu rằng máy bay đang bay vòng lại, do va chạm với chim lúc 8 giờ 58 phút 56 giây.
9 giờ, sau khi bắt đầu bay vòng lại, chuyến bay 7C2216 yêu cầu được phép hạ cánh trên đường băng 19, theo hướng tiếp cận từ đầu đối diện của đường băng duy nhất của sân bay. Đến 9 giờ 1 phút, trạm kiểm soát không lưu cho phép máy bay hạ cánh trên đường băng 19.
Lúc 9 giờ 2 phút, chuyến bay 7C2216 tiếp xúc với đường băng tại điểm cách đường băng 2.800m khoảng 1.200m. Khoảng 9 giờ 2 phút 34 giây, trạm kiểm soát không lưu báo động "chuông báo động khẩn cấp" tại đơn vị cứu hỏa sân bay. 9 giờ 2 phút 57 giây, chuyến bay 7C2216 đâm vào bờ kè sau khi trượt khỏi đường băng.
Đến 9 giờ 10 phút, Bộ GTVT Hàn Quốc nhận được báo cáo tai nạn từ cơ quan quản lý sân bay Muan. Sau đó, một nam giới được giải cứu và đưa đến cơ sở y tế tạm thời lúc 9 giờ 23 phút. Khoảng 9 giờ 38 phút, sân bay Muan đóng cửa. Đến 9 giờ 50 phút, lực lượng chức năng cứu được người thứ 2 ở đuôi máy bay, cũng là người cuối cùng sống sót trên chuyến bay thảm họa.