Cũng như Việt Nam, mừng tuổi hay lì xì là một nét đẹp truyền thống lâu đời của người Trung Quốc trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Những phong bao đỏ này, được gọi là “hồng bao” trong tiếng Quan Thoại, thường chứa tiền mừng và đi kèm lời chúc tốt đẹp như cung hỷ phát tài, vạn sự như ý nhằm mang lại may mắn và tài lộc trong năm mới.
Màu đỏ của bao lì xì tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn. Trong khi đó, số tiền bên trong thường có số cuối là số chẵn, vì theo quan niệm Trung Hoa, số chẵn tượng trưng cho điều tốt lành. Đặc biệt, tại Trung Quốc lì xì không chỉ phổ biến vào Tết Nguyên Đán mà còn xuất hiện trong các dịp quan trọng khác như đám cưới hay sinh nhật, mừng thọ, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa truyền thống.
Từ thời nhà Hán ở Trung Quốc, bao lì xì đã xuất hiện với ý nghĩa xua đuổi tà ma. Qua thời gian, phong tục này được biến đổi, khi người lớn sử dụng lì xì để gửi lời chúc tốt lành đến con trẻ và những người trẻ tuổi.
Đến nay, truyền thống này đã được hiện đại hóa với hình thức lì xì qua thanh toán kỹ thuật số, vừa giữ gìn ý nghĩa tốt đẹp vừa phù hợp với nhịp sống thời đại. Thế nhưng đồng thời nó cũng đặt ra một vấn đề: phong bao đỏ đã biến mất, vậy những ý nghĩa tượng trưng truyền thống sẽ “đi về đâu”?
Tại Trung Quốc, lì xì điện tử đã trở thành một cách phổ biến để mọi người gửi lời chúc mừng nhau, đặc biệt kể từ khi WeChat - mạng xã hội lớn nhất tại đây - giới thiệu tính năng này vào năm 2014.
Phong trào lì xì điện tử thực sự bùng nổ vào năm 2015, trong chương trình Gala Tết Nguyên Đán của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), sự kiện được xem nhiều nhất tại quốc gia này. Trong chương trình, khán giả được nhận lì xì điện tử với số tiền ngẫu nhiên. Chỉ sau sự kiện, theo Global Times, có tới 200 triệu người dùng đã liên kết tài khoản ngân hàng với ứng dụng WeChat.
Kể từ đó, nhiều công ty công nghệ khác cũng nhanh chóng ra mắt tính năng lì xì điện tử, biến hoạt động này trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết và các sự kiện đặc biệt.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), lì xì điện tử cũng đang trở thành xu hướng phổ biến. Theo số liệu từ Tencent Hong Kong công bố năm 2024, số lần gửi lì xì điện tử từ ngày 9 - 13/2 (tức từ đêm Giao thừa đến mùng 4 Tết) và số người tham gia đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Xu hướng này là sự xuất hiện tất yếu trong một thời đại kỹ thuật số khi việc chuyển khoản, quét mã cũng đang thay thế dần tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày. Tại Việt Nam hay Hàn Quốc,... việc lì xì giấy biến mất, trở thành những con số trên màn hình điện thoại cũng đang trở nên phổ biến hơn sau từng năm. Tuy vậy, nơi chứng kiến “lì xì số” mạnh mẽ nhất vẫn là Trung Quốc khi việc chuyển tiền qua WeChat quá phổ biến trong mọi lĩnh vực hằng ngày.
Bên cạnh việc nhanh gọn và tiện lợi khi không phải tốn công chuẩn bị tiền mặt và phong bao đỏ mà không còn đáng bàn cãi, lì xì điện tử còn thân thiện với môi trường.
Theo tổ chức môi trường Greeners Action, người dân Hong Kong đã sử dụng khoảng 320 triệu bao lì xì giấy trong năm 2023, tương đương với việc chặt hạ khoảng 16.300 cây xanh. Chính vì vậy, lì xì điện tử được cho không chỉ là lựa chọn hiện đại mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu lãng phí.
Việc mừng tuổi qua QR Code, tài khoản ngân hàng cũng không hề “nhàm chán” vì có thể không giống như chuyển tiền thông thường. Vào dịp năm mới, các ví điện tử và ngân hàng sẽ tạo ra những tính năng lì xì riêng biệt đi kèm lời chúc, hình ảnh bắt mắt hoặc thậm chí người dùng có thể tự thiết kế “phong bao” online cho mình. Vì vậy, việc lì xì nhau qua hình thức này vẫn tạo cảm giác đặc biệt hơn trong lòng người dùng.
Thế nhưng nó có đủ “thành tâm”, có đủ thay thế hoàn toàn truyền thống ngàn năm hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Mặc dù lì xì điện tử ngày càng phổ biến, nhiều người vẫn ưa chuộng bao lì xì giấy truyền thống vì ý nghĩa văn hóa và cảm giác gần gũi mà nó mang lại. Đặc biệt, việc sử dụng những phong bao đỏ đậm chất Tết và đưa tận tay đến người nhận vẫn tạo ra một cảm giác nghi thức, khi tấm lòng và món quà nhỏ được trao tận đi kèm lời chúc mừng, lời yêu thương trực tiếp. Với trẻ nhỏ, việc được nhận và háo hức mở lì xì vẫn tạo ra sự hứng thú hơn so với việc thao tác trên điện thoại.
Bên cạnh đó, việc mở phong bao mừng tuổi sau, không trực tiếp thể hiện qua những con số khi chuyển khoản cũng được đánh giá là tinh tế hơn. Để “bù đắp” cho điểm trừ này, một số nền tảng, bao gồm WeChat có chế độ “ẩn” số tiền mừng tuổi và người nhận cũng có thể xem số tiền sau.
Một người dùng trên mạng xã hội RedNote (Xiaohongshu) chia sẻ: “Tôi thích cảm giác sử dụng bao lì xì giấy - đó là nét đẹp truyền thống và tạo không khí Tết rõ ràng hơn. Dù hiện tại tôi sử dụng lì xì điện tử thường xuyên, nhưng vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi vẫn rút tiền mặt để lì xì cho trẻ em và hàng xóm.”
Ngoài ý nghĩa văn hóa, bao lì xì giấy còn được đánh giá là an toàn hơn trong nhiều trường hợp. Một người dùng khác trên RedNote cho biết: “Một số người lớn tuổi trong gia đình tôi từng gặp rủi ro với những hoạt động ‘lì xì miễn phí’. Họ bị yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để nhận lợi ích lớn, điều này rất nguy hiểm, đặc biệt với người già và trẻ em.”
Dù công nghệ mang đến sự tiện lợi, những lo ngại về an toàn và giá trị truyền thống khiến bao lì xì giấy vẫn giữ được sức hút riêng, khó bị thay thế hoàn toàn.
Nguồn: SCMP