Ngày 20-4, Công an TP HCM cho biết đã báo cáo toàn bộ vụ việc về ông Đ.V.Đ (77 tuổi, ngụ quận Tân Bình) - người có 5 chứng minh nhân dân (CMND) cùng số và 7 thẻ căn cước công dân (CCCD) cùng số - cho Bộ Công an để tiếp tục xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Gia đình không biết cụ ông ăn xin?
Theo ông Nguyễn Trung Sơn - Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình - sáng 17-4, tổ công tác của phường khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thì phát hiện ông Đ. đang ăn xin tại ngã tư Út Tịch – Hoàng Văn Thụ nên đưa về trụ sở.
Tại trụ sở UBND phường, cán bộ thấy trong người ông Đ. có hơn 54 triệu đồng, 5 CMND cùng một dãy số và 7 CCCD cùng một dãy số.
Các CMND, CCCD này đều có cùng thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh và nơi thường trú (đường Bùi Thị Xuân, phường 2, quận Tân Bình).
Ông Đ. được người con chở đến bệnh viện khám bệnh vào chiều 20-4
Ông Đ. nói với cán bộ phường 4 rằng số tiền trên do ông tích góp từ việc đi bán vé số và ăn xin. Ông cũng cam kết sẽ không ra đường ăn xin trong thời gian tới.
Trong khi đó, người thân của ông Đ. khẳng định ông thích ra khỏi nhà và họ không hề hay biết ông đi ăn xin (?!).
Hoàn cảnh ông Đ. không khó khăn như đồn đoán
Công an phường 4 đã lập biên bản tạm giữ 5 CMND, 7 CCCD rồi bàn giao cho Công an quận Tân Bình xử lý theo thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận vụ việc, Công an TP HCM đã báo cáo toàn bộ cho Bộ Công an tiếp tục xác minh, xử lý.
Riêng số tiền hơn 54 triệu đồng, UBND phường 4 đã phối hợp với UBND phường 2 (nơi ông Đ. thường trú) bàn giao lại cho ông tại nhà riêng.
"Thích đếm tiền và ra đường"
Từ thông tin bạn đọc cung cấp, phóng viên Báo Người Lao Động tìm đến nơi ở của ông Đ. Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy hoàn cảnh gia đình ông không "đáng thương" như dư luận đồn đoán. Chiều 20-4, chúng tôi vừa đến nhà thì người con trai bắt đầu chở ông Đ. đến bệnh viện để khám bệnh.
5 CMND và 7 CCCD của ông Đ.
"Có gì các anh cứ lên phường mà hỏi. Có gì to tát đâu mà làm phiền chúng tôi như thế" - người con của ông Đ. tỏ vẻ khó chịu khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của ông.
Cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Người Lao Động, bà Võ Thị Phi Yến, Phó Chủ tịch UBND phường 2, cho biết trước đó, cán bộ phường từng thấy ông Đ. ra đường ăn xin ở khu vực gần nhà. Qua tìm hiểu, thấy hoàn cảnh ông không khó khăn nên phường đã xuống tận nhà làm việc, yêu cầu gia đình cam kết không để ông ra đường ăn xin.
Gia đình ông Đ. có 6 người con (4 trai, 2 gái), đều có công việc ổn định, trong đó 1 người đã nghỉ hưu.
Gia đình kể trước đây ông Đ. có tham gia chiến trường, "bị thương phải truyền máu nên bị thần kinh". Ông Đ. có sở thích là đếm tiền và hay ra đường. Có khi con cháu cho 500.000 đồng, ông Đ. đi đổi tiền lẻ rồi vào phòng ngồi một mình đếm.
Ông Đ. thường thức dậy sớm rồi tự mở cổng nhà ra ngoài mà gia đình không ai hay biết. Đến trưa, ông quay về ăn cơm, sau đó lại đi ra đường. Trong nhà lúc nào cũng có người nhưng ai cũng nghĩ ông Đ. ra ngoài đi dạo, chiều uống bia gần nhà nên không để ý.
Điều đáng nói, theo bà Yến, gia đình không hề hay biết ông Đ. đi ăn xin ngoài đường. Số tiền ông kiếm được không phải từ việc bán vé số hay ăn xin, mà là tiền tích góp từ việc bán đất hồi trước. Trong khi đó, gia đình kể ông Đ. từng bán vé số từ năm 1978. Sau này, do ông không còn minh mẫn nên mới nghỉ.
Về việc 5 CMND, 7 CCCD thì gia đình cho hay do sợ bị mất nên ông Đ. âm thầm đi làm rồi về cất giữ trong người.
"Một số lần ông Đ. lên phường bảo làm mất thẻ bảo hiểm y tế, yêu cầu cấp mới. Do cán bộ phường không biết nên 4 lần cấp thẻ mới cho ông" - bà Yến nói.
Bà Yến cũng khẳng định phường từng xuống nhà ông Đ. hỏi thăm hoàn cảnh để xem xét hỗ trợ thì gia đình không đồng ý. Bà Yến khẳng định: "Chúng tôi đã yêu cầu gia đình thay chìa khoá, không để ông Đ. ra đường ăn xin và đi lang thang, rất nguy hiểm".