Lần đầu tiên, các KOLs - content creator (nhà sáng tạo nội dung) như Ngọc Kem, Út Lanh, Hùng Bi, Masterchef Hải, Anh Tây Ơi, Iliketravel, Thanh Huyền… đình đám “đổ bộ” vườn vải Lục Ngạn, Bắc Giang, trực tiếp trải nghiệm hái vải và tham gia chương trình livestream “Đơn hàng Hạnh phúc” – một hoạt động đầy cảm xúc và ý nghĩa nằm trong chiến dịch “Chill Về Tuổi Thơ” do Social Impact, WeChoice, Quỹ Hạt Vừng và Quỹ Thiện Nhân khởi xướng.
Chương trình là sự phối hợp của UBND và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và TikTok Shop, lan tỏa niềm tự hào nông sản Việt qua những trái vải ngọt lành từ Lục Ngạn. Một phần doanh thu sẽ được các nhà sáng tạo nội dung đóng góp vào Quỹ “Chill Về Tuổi Thơ” nhằm tiếp thêm hy vọng và yêu thương đến những mảnh đời nhỏ bé.
Trong không khí háo hức tại vườn vải trĩu quả, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng các content creator có mặt, nghe họ chia sẻ, không chỉ là những trải nghiệm đặc biệt mà còn là cả những câu chuyện quá khứ chẳng thể nào quên.
Hành trình nhọc nhằn sau trái ngọt "đặc sản tiến vua"
Là một trong những content creator tích cực đồng hành cùng chiến dịch. Ngọc Kem không giấu được xúc động khi nhắc đến trải nghiệm đặc biệt này.
“Trước khi về tới Bắc Giang, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình sẽ góp một phần nhỏ vào chương trình “Đơn hàng hạnh phúc”, giúp bà con tiêu thụ vải thiều, đưa loại trái cây đặc sản này đến tay người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước." Ngọc Kem chia sẻ.
Ngọc Kem
Không chỉ đơn thuần là tham quan, các nhà sáng tạo nội dung, nữ KOLs đã được nghe những câu chuyện thật từ người trồng vải, những người thức dậy từ nửa đêm, miệt mài hái vải đến sáng sớm để rồi lại vội vã mang hàng ra chợ mà không kịp nghỉ ngơi hay thay quần áo. Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, chiếc áo đẫm mồ hôi của họ lại được hong khô bởi chính ánh mặt trời ấy.
“Khi nghe câu chuyện đó, tôi không khỏi xúc động. Vừa thương, vừa khâm phục những con người cần cù, bền bỉ. Và trên hết là niềm tự hào trào dâng trong tôi, tự hào vì nông sản Việt không chỉ ngon ngọt, mà còn chất chứa cả một hành trình lao động đầy gian nan phía sau."
Ngọc Kem trong buổi livestream
Đúng tinh thần “Đơn hàng Hạnh phúc”, mỗi đơn không chỉ là một đơn hàng bán vải mà là nơi mỗi đơn hàng mang theo sự yêu thương được đóng gói gửi đi. Từ những trái vải chín mọng của Bắc Giang, chúng ta gom góp từng chút một để trao lại những điều thiết thực cho trẻ em, là bữa cơm ấm, là một cuốn sách hay, là cơ hội để lớn lên trong yêu thương và tử tế.
“Hôm nay, khi đứng livestream bán hàng, tôi không chỉ đang giới thiệu một sản phẩm, mà còn đang lan tỏa một câu chuyện, một thông điệp đầy ý nghĩa từ chiến dịch. Tôi thực sự hạnh phúc và vinh dự khi được góp một phần nhỏ vào hành trình đó.” - nhà sáng tạo nội dung trẻ chia sẻ.
“Công sức, mồ hôi của bố mẹ mình liệu có bao giờ được trả giá đúng?”
Trong số các creator có mặt tại vườn, Út Lanh, một nhà sáng tạo nội dung tham gia chiến dịch “Đơn hàng Hạnh phúc” cũng đã không giấu được sự xúc động khi lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến cảnh bà con tất bật thu hoạch vải từ tờ mờ sáng.
Lớn lên ở miền quê, tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng và những mùa vụ, hình ảnh quen thuộc ấy đã đưa cô gái trở lại với ký ức gia đình mình nơi từng trồng dưa hấu và nhiều lần phải bán “rẻ như cho”.
Út Lanh
“Tôi nhớ rõ cảm giác bất lực khi cả mùa vụ vun trồng mà đến vụ lại chẳng có ai mua.” Út Lanh chia sẻ. Chính vì thế, khoảnh khắc được trực tiếp tham gia phiên livestream bán vải - không chỉ đơn thuần là bán hàng, mà còn góp phần giúp bà con đưa nông sản đến tay người tiêu dùng với mức giá xứng đáng đã mang đến cho cô niềm hạnh phúc đặc biệt.
Điều khiến Út Lanh xúc động hơn cả là sự đón nhận nồng nhiệt từ cộng đồng. Những đơn hàng liên tục được chốt, những dòng bình luận động viên không ngớt – tất cả khiến cô tin rằng người Việt vẫn luôn yêu thương, trân trọng và ủng hộ nông sản do chính người nông dân Việt Nam làm ra.
“Những đơn hàng được chốt liên tục, những bình luận động viên liên tiếp, tất cả khiến tôi tin rằng, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển mình mạnh mẽ qua thương mại điện tử. Không chỉ có vải, mà bất cứ nông sản nào cũng xứng đáng được tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn.”
Nói về “Đơn hàng Hạnh phúc”, điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí Út Lanh không phải là sản phẩm, con số hay những buổi livestream mà là chính bản thân cô gái, với niềm hạnh phúc rất đỗi giản dị: được góp phần lan tỏa nông sản Việt, được làm điều tử tế một cách cụ thể và thiết thực.
Không chỉ là sự đồng cảm với người nông dân, “Đơn hàng Hạnh phúc” cũng gợi lại trong Út Lành ký ức không thể quên về năm lớp 9, khi bố cô gặp tai nạn nặng, mẹ phải theo chăm sóc, anh chị vắng nhà, mọi việc đồng áng dồn hết lên đôi vai nhỏ bé. Giữa những ngày cô đơn và kiệt sức, cô bạn thân lặng lẽ đến bên, ở lại, cùng san sẻ từng việc một cách vô điều kiện.
Tình bạn âm thầm ấy đã gieo vào Út Lành một bài học sâu sắc về sự cho đi đầy lặng lẽ, bền bỉ và không mong đáp lại. Từ đó, cô chọn sống như cách mình từng được yêu thương: chân thành và tử tế.
Chính vì thế, khi biết đến “Đơn hàng Hạnh phúc”, cô đã không ngần ngại gật đầu. Bởi với Út Lành, đó không chỉ là một buổi livestream bán hàng mà là cơ hội để hồi đáp cuộc đời bằng chính những điều tốt đẹp mà cô từng nhận được. Một cơ hội để yêu thương tiếp tục được nối dài, bằng cả hành động và tấm lòng.