Bất kể giới tính hay độ tuổi, thấy đau 3 vị trí này dai dẳng phải đi tầm soát ung thư sớm

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 00:00 17/05/2024
Chia sẻ

Cảm giác đau dai dẳng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư. Vì vậy, bạn đừng bao giờ xem nhẹ nó.

Tất cả các bệnh ung thư đều gây ra cảm giác đau, mặc dù ở giai đoạn đầu có thể chưa xuất hiện. Thời điểm xuất hiện triệu chứng đau và mức độ đau, vị trí đau phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn tiến triển, khả năng chịu đau và hệ miễn dịch ở từng người, các bệnh lý kèm theo…

Có nhiều nguyên nhân khiến những người có ung thư trong người phải chịu đựng cảm giác đau đớn. Phổ biến nhất là đau ở chính khối u khi phát triển và đau do khối u chép hoặc thậm chí là xâm lấn các dây thần kinh cũng như các cơ quan khác. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau không rõ nguyên nhân ở một số bộ phận trên cơ thể tốt nhất là nên đi thăm khám. Đặc biệt là nếu đau khó hiểu, dai dẳng ở 3 bộ phận này thì cần hết sức cảnh giác với ung thư dù bạn ở giới tính, lứa tuổi nào:

1. Đau vai

Đương nhiên, đau vai có thể xuất hiện khi mang vác vật nặng hay chấn thương. Tuy nhiên, nếu đã loại bỏ các yếu tố thường gặp này mà vai đau dai dẳng một cách bất thường thì rất có thể là do ung thư tác động.

Bất kể giới tính hay độ tuổi, thấy đau 3 vị trí này dai dẳng phải đi tầm soát ung thư sớm - Ảnh 1.

Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến gây đau vai sau các khối u tại chỗ ở vị trí này (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, đau vai bất thường sẽ thường liên quan nhiều nhất tới các khối u ác tính ở phổi. Nguyên nhân chủ yếu là do khối u xâm lấn màng phổi hoặc dẫn lưu bạch huyết cục bộ bất thường. Bên cạnh đó, ung thư vú, ung thư gan cũng có triệu chứng đau vai phổ biến. Đây cũng có thể là dấu hiệu ung thư xương, thường là xương bả vai nhưng dễ dàng phát hiện khi đi thăm khám hơn các bệnh ung thư ở vị trí khác có cùng dấu hiệu đau bả vai.

Đau ở bả vai do ung thư mà không phải do khối u tại chỗ (liên quan tới vai) thì thường có các khác biệt như: không tìm thấy tổn thương tại chỗ, thường đau ở một bên, đau thành cơn và đau nhiều hơn về đêm. Khi uống thuốc giảm đau không có nhiều tác dụng hoặc thời gian hiệu quả rất ngắn.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng đau vai bất thường không phải là "triệu chứng riêng" của bệnh ung thư. Một số bệnh khác không liên quan tới cơ xương khớp cũng có thể gây đau vai. Ví dụ như đau vai phải do viêm túi mật, sỏi mật và các bệnh khác. Hay đau vai trái do đau thắt ngực, bệnh tim mạch.

2. Đau bụng

Lâm sàng chỉ ra đau ở vùng bụng là một trong những kiểu đau phổ biến nhất khi mắc ung thư. Lý do liên quan tới việc ổ bụng chứa nhiều cơ quan nội tạng quan trọng nhưng lại dễ tổn thương, mắc ung thư.

Các thống kê cho thấy đau bụng có thể là biểu hiện của hầu hết các loại ung thư vùng bụng, bất kể chúng phổ biến hay hiếm gặp. Trong đó phổ biến nhất là ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày nếu có cảm giác đau bụng chung chung hoặc đau bụng vùng giữa. Đau bụng dưới thường liên quan tới ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vùng chậu, ung thư bàng quan hay khối u cơ quan sinh dục chèn ép tới…

Bất kể giới tính hay độ tuổi, thấy đau 3 vị trí này dai dẳng phải đi tầm soát ung thư sớm - Ảnh 2.

Rất nhiều bệnh ung thư có thể gây ra cơn đau bụng do ổ bụng chứa nhiều cơ quan nội tạng (Ảnh minh họa)

Trong đó có một vài kiểu đau bụng cần hết sức lưu ý là đau do ung thư gan và đau do ung thư thận. Bởi vì gan là cơ quan không có dây thần kinh cảm giác đau, không gây ra cơn đau tại chỗ một cách rõ ràng như các cơ quan khác. Nó thường gây ra cơn đau ở vùng bụng phía hạ sườn phải dai dẳng. Còn ung thư thận thường gây đau ở một bên bụng, lan dần sang sườn và thắt lưng.

Lưu ý là đau bụng dai dẳng do ung thư thường đi kèm nhiều triệu chứng khác như mệt mỏi, tăng hoặc giảm cân bất thường, rối loạn tiêu hóa, hay sốt, vùng bụng có khối u hoặc/và tăng kích thước khó hiểu…

3. Đau lưng

Nếu bạn bị đau lưng, nhất là vùng thắt lưng dai dẳng mà không liên quan tới chấn thương, bệnh thông thường về cơ xương khớp thì tốt nhất nên đi tầm soát ung thư. Đặc biệt nếu xoa bóp, châm cứu và các phương pháp giảm đau thông thường khác không thấy đỡ. Hay cơn đau giảm xuống khi nằm xuống hoặc ở trạng thái nghỉ ngơi.

Trên thực tế, có rất nhiều loại ung thư gây ra cảm giác đau lưng. Đau vùng lưng trên một cách khó chỉ ra đúng vị trí chính xác thường liên quan tới ung thư phổi, chiếm khoảng 25% bệnh nhân lâm sàng. Điều này là do một khối u trong phổi có thể chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh thành ngực và cột sống. Sẽ thường đi kèm dấu hiệu ho nhiều kéo dài, ho ra máu, khó thở…

Ung thư gan cũng gây đau vùng lưng trên bên phải, gần với vai. Ung thư tuyến tụy thì thường gây đau vùng lưng giữa nhiều nhất và thuyên giảm khi nằm nghiêng. Còn nếu đau vùng cột sống thường liên quan tới ung thư cột sống, bất cứ khối u ở cơ quan nào gần đó có thể di căn tới xương. Trong một số trường hợp, đây cũng là triệu chứng của ung thư máu, ung thư não.

Bất kể giới tính hay độ tuổi, thấy đau 3 vị trí này dai dẳng phải đi tầm soát ung thư sớm - Ảnh 3.

Đau thắt lưng dữ dội không liên quan tới chấn thương rất có thể là dấu hiệu ung thư (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, đau thắt lưng bất thường có thể “che giấu” rất nhiều loại bệnh ung thư. Ví dụ như ung thư bàng quang, ung thư thận gây đau thắt lưng đi kèm rối loạn tiểu tiện, tiểu ra máu. Hay ung thư dạ dày, ruột kết và trực tràng đều có thể gây ra đau thắt lưng nhưng phải đi kèm triệu chứng đau bụng và tiêu hóa khác thường. Ung thư buồng trứng, cổ tử cung, vùng chậu ở nữ giới cũng gây đau thắt lưng. Điểm khác biệt là cơn đau thường rõ ràng hơn vào thời điểm rụng trứng, hành kinh, quan hệ tình dục và đi kèm nhiều bất thường đặc hiệu khác về kinh nguyệt, vùng kín.

Tóm lại, khi cơ thể có những cơn đau không rõ nguyên nhân và kéo dài dù không phải ung thư cũng thường là bệnh lý nghiêm trọng. Tốt nhất nên tìm tới bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt để biết nguyên nhân, tránh làm trì hoãn, giảm hiệu quả điều trị bệnh.

Nguồn và ảnh: QQ, Cancer123

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày