Tiểu Mạch nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân đầu tiên ở Kashgar (Tân Cương, Trung Quốc) với các triệu chứng đau bụng liên tục, kèm theo sốt cao. Bác sĩ đã tiến hành siêu âm và phát hiện ở thùy phải của gan có vấn đề.
Theo suy luận ban đầu, các bác sĩ cho rằng Tiểu Mạch bị áp xe gan. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cân nhắc, phân tích cẩn thận hình ảnh siêu âm, tình trạng bệnh của cậu.
Siêu âm thông thường không thấy rõ được áp xe gan và cũng không thấy sỏi ở gan, một trong các nguyên nhân dẫn đến áp xe gan phổ biến nhất. Bên cạnh đó, vị trí đau bụng của Tiểu Mạch luôn thay đổi. Bởi vậy, chẩn đoán Tiểu Mạch bị áp xe gan là không thỏa đáng.
Ảnh chụp siêu âm của Tiểu Mạch.
Bác sĩ Ngô, Phó chủ nhiệm khoa siêu âm của bệnh viện dựa theo tiếng vang trên hình ảnh siêu âm nhận định rằng nó có thể là một dị vật bằng kim loại, gỗ, nhựa hoặc cao su. Tiểu Mạch buộc phải tiến hành nội soi.
"Giấy không bọc được lửa", Tiểu Mạch cuối cùng cũng thú nhận sự thật với bác sĩ và cha mẹ rằng mấy tháng trước, sau khi xem một chương trình ảo thuật trên tivi, cậu cảm thấy rất tò mò và bắt chước theo.
Cậu đã thử và tự nuốt một cây gậy nhỏ vào trong bụng. Đương nhiên, trải nghiệm này thật kinh khủng. Lúc cậu muốn nhổ nó ra thì không có cách nào cả. Lúc này, Tiểu Mạch vô cùng hoảng sợ nhưng cậu lại sợ bị cha mẹ mắng hơn.
Vì vậy, cậu không kể cho bất cứ ai. Trong 3 tháng liền, cậu luôn phải chịu đựng đau bụng và sốt cao. Sau khi biết được sự thật, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị và phẫu thuật, lấy ra thành công "thủ phạm" làm Tiểu Mạch đau bụng và sốt cao là một thanh gỗ nhỏ dài 7 cm. Dị vật được nuốt xuống bụng, xâm nhập thành ruột non, đâm thẳng vào gan.
Nội soi phát hiện ra dị vật trong bụng của cậu bé.
Thanh gỗ dài được lấy ra từ bụng của Tiểu Mạch.
Trong cuộc sống, rất nhiều trường hợp cha mẹ không chú ý đến con cái và đứa trẻ vô ý nuốt phải dị vật. Bác sĩ Ngô nhấn mạnh, dù người lớn hay trẻ em, nuốt phải bất cứ dị vật to hay nhỏ đều phải đi thăm khám kịp thời. Nếu không sẽ gây nên tổn thương nghiêm trọng cho nội tạng và sức khỏe tổng thể.
Các trường hợp sau đây cần phải nhanh chóng đi kiểm tra nội soi:
- Nuốt phải các vật như kim loại, dây sắt, hình dạng nhọn dễ làm tổn thương niêm mạc, mạch máu, có thể gây thủng nội tạng.
- Nuốt các chất có tính ăn mòn.
- Dị vật bị mắc kẹt trong thực quản khoảng 24 tiếng, không trôi xuống theo sự vận động của đường tiêu hóa; gây khó thở, tắc nghẽn khí quản, gây suy hô hấp, khó khăn trong việc nuốt nước bọt.
Nguồn: Sohu