Báo Mỹ: Việt Nam thành công phá vỡ "chiếc bẫy dịch bệnh", hồi sinh một ngành kinh tế quan trọng

Thu Ngọc, Theo Tổ quốc 22:24 09/06/2020

"Việc tuyên truyền thông tin rõ ràng, các bộ xét nghiệm với giá phải chăng và thiết bị bảo hộ y tế được sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng," Bloomberg viết.

Hồi sinh ngành du lịch

Việt Nam là một trong số các nước Đông Nam Á đang tái khởi động lĩnh vực du lịch trong mùa cao điểm. Lượng khách quốc tế trong tháng 5 đã giảm 98% so với con số kỉ lục của năm trước. Tuy nhiên, những thành công ấn tượng trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID đã giúp ngành du lịch trong nước khởi động lại.

Báo Mỹ: Việt Nam thành công phá vỡ chiếc bẫy dịch bệnh, hồi sinh một ngành kinh tế quan trọng - Ảnh 1.

Cường quốc du lịch của khu vực, Thái Lan vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, và các nước láng giềng khác có thế mạnh về du lịch chỉ mới đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Việc mở cửa từ từ sẽ giúp Việt Nam hồi phục nền kinh tế và có thể thúc đẩy việc xem xét các thứ tự ưu tiên của ngành du lịch.

Đối với một đất nước gần 100 triệu dân có chung biên giới với Trung Quốc, Việt Nam là một trường hợp chống dịch COVID hiệu quả đặc biệt. Thống kê chính thức cho thấy nước này chỉ có 329 trường hợp nhiễm COVID và không có trường hợp tử vong.

Đạt được thành tích ấn tượng này là nhờ quyết định đóng cửa biên giới nhanh chóng, cách ly hàng chục ngàn người, và các nỗ lực truy tìm lịch sử tiếp xúc và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.

Việc tuyên truyền thông tin rõ ràng, các bộ xét nghiệm với giá phải chăng và thiết bị bảo hộ y tế được sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng. Việc phong tỏa toàn quốc chỉ kéo dài chưa đến một tháng và kể từ giữa tháng 4, tất cả các trường hợp nhiễm mới đều từ nước ngoài trở về.

Báo Mỹ: Việt Nam thành công phá vỡ chiếc bẫy dịch bệnh, hồi sinh một ngành kinh tế quan trọng - Ảnh 2.

Ảnh: REUTERS/Kham

So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, Thái Lan có khoảng 3.100 trường hợp nhiễm, Philippines hơn 20.000 người và Singapore hơn 37.000 người, chủ yếu xảy ra ở các ký túc xá lao động nhập cư.

Kết quả là Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mà người dân lại có thể đi du lịch. Du lịch chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong nền kinh tế Việt Nam trị giá 260 tỷ USD. Tỉ lệ này rất nhỏ so với Thái Lan, nơi du lịch chiếm 1/5 GDP. Tuy vậy, hàng năm ngành "công nghiệp không khói" này vẫn phát sinh khoảng 5 triệu việc làm, trong số này nhiều công việc ở trình độ thấp.

Chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đã khởi động ngay khi ngành hàng không bắt đầu hoạt động trở lại theo lịch trình thông thường.

Năm ngoái, Việt Nam ghi nhận có 85 triệu khách du lịch nội địa, chiếm hơn 80% tổng số khách du lịch. Đây là một con số khổng lồ ngay cả khi họ chi tiêu ít hơn so với người nước ngoài.

Thực tế này sẽ cho chúng ta 1 cái nhìn tổng quan về tương lai thị trường du lịch tại Việt Nam thời hậu COVID. Có lẽ chính phủ sẽ áp dụng mở cửa từng bước một thay vì mở cửa ồ ạt để đón đầu lượng khách trong các tháng cao điểm mùa hè tại các quốc gia Châu Âu phụ thuộc nhiều vào du lịch.

Thay đổi xu hướng

Du khách nội địa hiện thích những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà, trên bãi biển hoặc tới những khu tự nhiên, do nhiều người vẫn có tâm lý lo ngại vấn đề lây bệnh trên máy bay. Mức chiết khấu và sự an toàn là những yếu tố thúc đẩy chính, mặc dù thực tế cho thấy các khách sạn đang ưu tiên cung cấp thêm các dịch vụ bổ sung cho khách thay vì giảm giá phòng.

Khi nào Việt Nam sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài? Điều này có thể chờ đợi vài tháng nữa, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam đã rục rịch khởi động lại các chuyến bay nước ngoài.

Trường hợp khởi động ngành du lịch của chính phủ Việt Nam sẽ là tham khảo cho các nước ước lượng được thời gian tái khởi động ngành du lịch toàn cầu trị giá 9 tỷ USD, trong bối cảnh các quốc gia đang kí kết các hiệp định song phương về du lịch, bắt đầu từ loại hình du lịch dành cho giới doanh nhân.

Cho dù hình thức hợp tác này không phải lúc nào cũng thuận lợi, và chịu nhiều hạn chế như hiệp định du lịch giữa Singapore và Trung Quốc, hoặc Trung Quốc và Hàn Quốc.

Phía trước có rất nhiều thách thức cho Việt Nam. Cơ quan quản lý du lịch sẽ cần quyết định mở cửa du lịch cho khách du lịch của nước nào trước và vào lúc nào?

Ông Ken Atkinson, một chuyên gia kì cựu và hiện là phó chủ tịch của Ban cố vấn du lịch Việt Nam, chỉ ra rằng Việt Nam nên đặt ra 1 số tiêu chuẩn chẳng hạn như chỉ tiếp nhận khách đến từ quốc gia mà trong suốt một tháng không xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Các quốc gia đã chống dịch hiệu quả như Hàn Quốc hoặc New Zealand nên là những nước ưu tiên đầu tiên. Khách du lịch Trung Quốc, quốc gia có lượng khách du lịch nhiều nhất trong tổng số du khách, và khách du lịch từ Đông Nam Á có lẽ nên tiếp nhận từ kỳ nghỉ Tuần lễ vàng vào đầu tháng 10.

Những nơi mở cửa du lịch nhanh hơn sẽ là những hòn đảo nghỉ mát riêng biệt như Phú Quốc hay các khu nghỉ dưỡng, ông Steven Schipani, chuyên viên quản lý du lịch tại khu vực sông Mê Kông của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết. Khách du lịch hiện không thích các kỳ nghỉ dài, nhưng nhà quản lý du lịch có thể áp dụng các hình thức thử nghiệm.

Điều bận tâm thứ hai là mở cửa cho thị trường du lịch nào trước. Du khách Trung Quốc chiếm một số lượng lớn trong tổng số khách du lịch. Lượng chi tiêu của riêng nhóm du khách này tại Thái Lan lên tới 17 tỷ USD hồi năm ngoái.

Việt Nam, cũng như tất cả các nước Đông Nam Á khác, đều tỏ ra khá thận trọng trong việc mở cửa ngành du lịch vì khu vực này đã là từng trả giá đắt cho việc du lịch phát triển ồ ạt. Sự kiện đóng cửa vịnh Maya ở Thái Lan, bối cảnh của bộ phim Mỹ nổi tiếng "The Beach" và bãi biển Boracay ở Philippines trong năm 2018 là minh chứng cho những thiệt hại to lớn từ những tour du lịch giá rẻ.

Việc tái khởi động ngành du lịch cần chú ý hơn tới du lịch nghỉ dưỡng, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sinh thái và tập trung phân khúc du khách lẻ có lợi nhuận cao hơn sẽ giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn.