Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới "sân chơi toàn cầu"

J.D, Theo Tổ Quốc 16:25 09/06/2020

Một bài viết về tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng, với kế hoạch đưa tập đoàn ra tầm cỡ quốc tế.

*Lược dịch từ bài viết của K Oanh Ha, Nguyen Kieu Giang, và John Boudreau trên Bloomberg

Tại Việt Nam, tình hình đại dịch Covid-19 đã có những bước chuyển biến hết sức tích cực, với chỉ 332 ca nhiễm, không có trường hợp tử vong và cũng không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tầm nhìn của ông hướng đến nhu cầu vượt qua cả biên giới. Vào tháng 4/2020, người đàn ông giàu nhất Việt Nam đưa ra quyết định: ông sẽ đầu tư vào máy trợ thở (ventilator).

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 1.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Covid-19 là một dịch bệnh nguy hiểm. Những trường hợp nặng nhất, virus sẽ tấn công vào phổi và ngăn cản nó hoạt động, khiến quá trình đưa oxy vào máu trở nên khó khăn, thậm chí là không tưởng. Những lúc như vậy, máy trợ thở là công cụ đắc lực để giành giật sự sống của bệnh nhân khỏi tay tử thần. Và thật bi kịch, nhân loại không có đủ máy thở. Ước tính sơ bộ, các bệnh viện trên thế giới đang thiếu hụt tới 800.000 máy.

Sự thiếu hụt máy trợ thở gây ảnh hưởng nặng nhất đến các nước đang phát triển. Như Nam Sudan, tỉ lệ máy trợ thở trên dân số chỉ là 4 trên 12 triệu người. Nhưng ngay cả các quốc gia giàu có cũng không khá hơn. Vào thời điểm đại dịch tấn công mạnh nhất, các bệnh viện tại thành phố New York phải sử dụng 1 máy trợ thở cho 2 người mà vẫn không đủ. Tổng thống Donald Trump thậm chí phải ép các doanh nghiệp ô tô đứng ra hỗ trợ sản xuất, với bản hợp đồng cung cấp 50.000 máy vào tháng 7/2020 trị giá 336 triệu đô do Ford và General Electric đứng ra đảm nhận.

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất máy trợ thở của Vingroup

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tin rằng tập đoàn Vingroup JSC do ông sở hữu có thể làm nhanh hơn và với chi phí rẻ hơn. Sử dụng thiết kế của Medtronic (tập đoàn sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới), Vingroup đã đệ trình một phiên bản máy thở vào tháng 4/2020. Trong khi chờ đợi chính phủ cấp phép, những chiếc máy thở của họ đang dần được hoàn thiện trên các dây chuyền lắp ráp.

Máy thở của tập đoàn Vingroup có giá chỉ là 7000 USD/chiếc (khoảng 150 triệu đồng), rẻ hơn 30% so với phiên bản của Medtronic. Công ty cho biết, họ có thể sản xuất 55.000 máy mỗi tháng sau khi được cấp phép, và dự tính sẽ xuất khẩu đến mọi thị trường đang cần. Ngoài ra, công ty sẵn sàng quyên tặng hàng ngàn máy cho Nga và Ukraine - nơi tỷ phú Vượng khởi đầu sự nghiệp kinh doanh của mình.

"Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất máy thở - và hiện đang được triển khai rất tốt," - trích lời tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong buổi phỏng vấn hiếm hoi tại Hà Nội vài tháng trước. "Chúng tôi muốn chung tay với chính phủ Việt Nam để giải quyết phần nào tác động của dịch bệnh."

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 3.

Các kỹ sư đang kiểm tra khả năng vận hành của máy trợ thở tại Hà Nội

Tham vọng giải cứu thế giới bị virus tàn phá và tầm nhìn toàn cầu

Dù Vingroup sở hữu một hệ thống bệnh viện, phòng khám rất lớn, việc sản xuất thiết bị y tế thực chất chưa từng nằm trong kế hoạch của tập đoàn. Nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thể hiện một dự định xa hơn, với những kế hoạch phù hợp với Việt Nam. Vậy nên khi quốc gia đang thúc đẩy sản xuất trong nước, Vingroup quyết định lựa chọn dấn thân vào mảng ô tô và smartphone.

Và giờ, người đàn ông giàu nhất quốc gia đang đưa máy thở vào một phần của kế hoạch tham vọng hơn, đó là đưa ô tô của Việt Nam ra thị trường thế giới bằng thương hiệu VinFast. Với người Mỹ, việc họ có quan tâm đến VinFast hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng máy thở thì khác, đó là một "món quà" không thể chối từ dành cho một thế giới đang bị virus tàn phá. "Trong khủng hoảng là những cơ hội, chúng ta phải nắm bắt và hành động thật nhanh," - tỷ phú Vượng chia sẻ với Bloomberg.

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 4.

Hệ sinh thái của Vingroup là rất lớn

Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Thu nhập trung bình của người dân đã tăng gấp 6 lần, và kể cả thời điểm trước đại dịch, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã định hướng xây dựng công ty phát triển đủ nhanh để bắt kịp tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh. Ngày nay, chiếc bóng của Vingroup đã chạm tới rất nhiều ngành nghề của Việt Nam và ở mọi độ tuổi, từ người già đến trẻ em.

Những chiếc máy thở có thể là bài giới thiệu chiến lược của Vingroup đến thị trường thế giới. Nếu tập đoàn có thể đạt được quy mô sản xuất như những gì tỷ phú Phạm Nhật Vượng ước đoán, họ sẽ đánh thẳng vào thị trường đang thiếu hụt mạnh của thế giới. Gánh nặng dành cho Medtronic cũng được gỡ bỏ, giống như nhiều tập đoàn sản xuất thiết bị y tế khác. Và nếu chiếc máy trợ thở của họ hoạt động tốt, Vingroup sẽ chứng minh được họ đủ khả năng cung cấp thiết bị cứu hộ phức tạp và đáng tin cậy - nước đi không tồi cho một nhà sản xuất ô tô đầy tham vọng.

Vingroup đã lắp đặt thành công dây chuyền sản xuất máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng, cải tiến từ 3 dây chuyền sản xuất smartphone của chính họ. Đội kỹ sư sản xuất ô tô của Vinfast đã đứng ra thiết kế, với sự trợ giúp của đại diện tập đoàn Medtronic.

"Có rất ít công ty trên thế giới làm được như vậy," - Mark Mobius, người sáng lập ra quỹ Mobius Capital Partners đã đầu tư vào Việt Nam trong thập kỷ qua cho biết. "Tham vọng của công ty là rất đáng kinh ngạc, có thể tạo ra thắng lợi lớn, đưa Việt Nam vào sân chơi toàn cầu."

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 5.

Dây chuyền sản xuất tự động tại nhà máy VinFast Hải Phòng

Ông Vượng cho biết kế hoạch mở rộng quy mô toàn cầu của tập đoàn chỉ mới nhen nhóm gần đây. Vingroup vẫn đang lên kế hoạch tuyển dụng vài trăm kỹ sư để mở rộng nghiên cứu và thiết kế tại Úc, nhằm phát triển những mẫu xe mới của VinFast và nâng cao giá trị thương hiệu của công ty. Có báo cáo cho rằng công ty đang muốn mua lại tài sản của nhà sản xuất ô tô sắp ngưng hoạt động tại Úc - công ty Holden.

"Khi các công ty xe điện chuyển hướng, ông ấy có những thay đổi," - theo Michael Dunne, giám đốc điều hành công ty tư vấn ô tô ZoZo Go tại châu Á. "Ông ấy có những khát vọng thật sự lớn, và đã được minh chứng bằng thực tế."

Theo Dunne, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thậm chí đã tạo ra tiếng vang với cả các ông lớn khác trong ngành sản xuất ô tô, như Li Shu Fu - giám đốc công ty sản xuất ô tô Geely Automotive Holding, người nổi tiếng với thương vụ mua lại Volvo từ Ford vào năm 2010 và đang chiếm lĩnh thị trường ô tô nội địa Trung Quốc. Cũng giống như ông Vượng, Li cũng tuyên bố tham vọng vươn mình tới Mỹ, chỉ khác là từ năm 2006. Và sau hơn 1 thập kỷ, Geely hay bất kỳ thương hiệu ô tô nào của Trung Quốc đều chưa làm được điều đó.

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 6.

Tỷ phú Vượng thì phải trải qua những giai đoạn khó khăn hơn, như thời điểm lạm phát tăng cao năm 2011 thậm chí khiến doanh thu công ty giảm tới 64%, và phải sát nhập 2 đơn vị bất động sản và du lịch để hình thành Vingroup. Cuộc sát nhập thành công, mang lại cho họ kỷ lục về doanh thu và khối tài sản tăng gấp 7 lần vào năm 2019, chạm mốc 130,8 nghìn tỷ đồng.

Kế hoạch dấn thân vào ngành sản xuất ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt đầu từ tháng 9/2017. 9 tháng sau đó, ông khai trương nhà máy sản xuất điện thoại - VinSmart. Sự tham vọng và tốc độ triển khai của công ty đã khiến những người chứng kiến - đặc biệt là các đối tác - phải choáng váng.

"Nếu làm việc với họ, bạn phải theo luật của họ," - Stephen Wyatt, trưởng đại diện công ty Jones Lang LaSalle Inc., từng định giá cho Vinhomes trước đợt lên sàn vào năm 2018. "Mọi thứ cần thực hiện trong một thời gian ngắn, bất kể phạm vi lớn đến thế nào. Tôi từng nhận nhiều cuộc gọi lúc nửa đêm về một bản báo cáo, hoặc có thứ gì đó chưa hoàn thành."

Những rủi ro được chấp nhận

Năm 2019, VinFast giới thiệu 3 phiên bản ô tô chạy xăng và nhận được 17.000 đơn hàng. Tháng 11/2019, họ dự tính sẽ trình làng phiên bản xe điện đầu tiên tại Auto Show Los Angeles (Mỹ), với những cải tiến về hiệu năng thậm chí còn vượt qua cả nhiều mẫu xe của Tesla.

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 7.

Mẫu xe điện chạy thử của VinFast

Theo Dunne, kế hoạch xuất khẩu xe điện sang Mỹ trong năm 2021 hoặc 2022 của VinFast là khá "phi thực tế". Thông thường, quy trình xin cấp chứng nhận môi trường và sản xuất tại Mỹ phải mất từ 2 - 3 năm, và chưa rõ công ty đã tiến hành hay chưa. Bản thân Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ từ chối đưa ra bình luận.

"Chỉ là, bạn không thể tiến vào thị trường Mỹ và làm mọi thứ quá nhanh được," - Dunne cho biết, bởi nhiều công ty xe điện của Trung Quốc "đã rơi vào tình cảnh tương tự."

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chối bỏ những rủi ro, cho rằng "mọi công ty đều có thể sụp đổ." Ông chia sẻ tập đoàn đã chuẩn bị kịch bản dự phòng cho trường hợp bất động sản lao dốc như năm 2019, và tiếp tục các kế hoạch thoái vốn trên toàn bộ tập đoàn. Còn với những người nghi ngờ tham vọng sản xuất xe điện, ông Vượng cho biết VinFast đã sở hữu một nhà máy sản xuất ô tô hiện đại bậc nhất, với các quy trình robot hoàn toàn tự động và có thể sản xuất ô tô trong vòng 21 tháng.

Quay trở lại với câu chuyện chiếc máy thở. Hiện tại, 2 mẫu máy trợ thở của Vingroup đã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản, và đang tiến hành thử nghiệm y tế - theo lời Vụ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn. Ông cho biết Vingroup sẽ nhận được cấp phép sản xuất hàng loạt sau khi có kết quả thử nghiệm y tế trong tháng 6/2020.

Bloomberg: Phạm Nhật Vượng - người đàn ông giàu nhất Việt Nam cùng khát vọng đưa đất nước tới sân chơi toàn cầu - Ảnh 8.

Các công nhân đang đóng gói máy thở

Theo tỷ phú Vượng, giá bán của chiếc máy thở hiện tại đang thấp hơn chi phí làm ra chúng. "Sản xuất máy thở là nhằm mục đích đóng góp cho xã hội trong thời buổi khó khăn," - ông cho biết. "Đây cũng chỉ là chiến dịch tạm thời. Chúng tôi không có kế hoạch mở rộng sản xuất mảng này."

Ông Vượng được đánh giá là một người yêu nước hơn ai hết, và ông muốn công ty của mình tiếp tục cống hiến vào danh sách những đóng góp đầu tiên đối với Việt Nam. "Tôi luôn bảo các đồng nghiệp: Đừng để cuộc sống trôi qua một cách vô nghĩa," - ông chia sẻ. "Đừng để đến cuối đời, bạn không để lại thứ gì đáng nhớ. Sẽ là một cái kết buồn khi suốt cuộc đời, bạn không mang lại giá trị gì cho đất nước mình."

Nguồn: Bloomberg