Bạo lực học đường ở Hàn Quốc: Sự thật đen tối đằng sau thế giới phim ảnh long lanh

Bơ Spiderum, Theo Thời Đại 11:27 13/09/2017

Ngoài việc phô diễn sự hồn nhiên, trong sáng của các em học sinh trong bộ đồng phục khoẻ khoắn, một số bộ phim truyền hình “ăn khách" của Hàn Quốc như Vườn Sao Băng, Cao Thủ Học Đường... còn phản ánh thực trạng đáng buồn khi nhiều nữ sinh lẫn nam sinh ngang nhiên tụ tập để bắt nạt một người bạn cùng trang lứa.

Công nghệ "láng mịn" qua những bộ phim học đường

Mặc dù những bộ phim học đường Hàn Quốc đã biến tấu đi khá nhiều so với sự thật; tuy nhiên một nửa của chiếc bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa của sự thật, chắc chắn là dối trá. Suy cho cùng, phim ảnh chỉ là phim ảnh. 

Sau khi dũng cảm đứng lên để bảo vệ cái yếu, Jandi trong phim "Vườn Sao Băng" đã phải nhận thẻ đỏ của nhóm F4 quyền lực. Cô liên tục phải chịu đựng những hình phạt khốc liệt từ những bạn bè cùng trường như bị ném bột mì, trứng gà...

Vậy nhưng, bộ phim "Vườn Sao Băng" đã tô màu hồng cho những cô nàng tốt bụng với ngoại hình bình thường bằng thông điệp rằng chỉ cần làm nữ anh hùng, bạn sẽ yêu được một anh chàng đẹp trai, con nhà giàu. 

Bạo lực học đường ở Hàn Quốc: Sự thật đen tối đằng sau thế giới phim ảnh long lanh - Ảnh 1.

Jandi trong phim "Vườn Sao Băng" bị ném bột mỳ loại xịn và trứng gà lên người để "làm bánh".

Vài năm sau đó, bộ phim "Dream High" (Bay Cao Ước Mơ) nói về tình trạng thực tập sinh nhập học muộn bị cả giáo viên lẫn các bạn tẩy chay. Nhân vật chính Hye Mi bị ép vào lớp thực nghiệm - địa ngục của trường Kirin. Nhưng vì Hye Mi xinh đẹp, sở hữu tài năng âm nhạc thiên bẩm nên cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng. 

Vậy đâu là chỗ cho những cô nàng bình thường sống an phận, không làm hại đến ai, cũng chẳng giúp đỡ ai quá nhiệt tình? Đâu là nơi để những cô bé đam mê âm nhạc nhưng ngoại hình xấu xí có thể trở nên nổi tiếng? Đâu là vị trí cho những người bình thường nhưng chẳng may bị ghét, bị bắt nạt, bị đánh - và không phải là diễn viên chính trong những bộ phim truyền hình?

Liên tiếp các vụ bạo hành chấn động dư luận

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc vào tháng 11 và 12 năm 2009, 22% trong số 4.073 học sinh ở 64 trường tiểu học và trung học cho biết, các em từng bị bắt nạt ở trường. 

Bảy năm sau, khi kênh truyền hình KBS (Hàn Quốc) công bố khảo sát của mình, người ta mới bất ngờ khi biết rằng, bạo lực học đường ngày càng lan rộng ở những độ tuổi còn rất nhỏ. Theo thống kê của kênh KBS, vào năm 2016, số học sinh tiểu học chiếm 67% số lượng học sinh bị bạo lực học đường. 

Bị bắt nạt tại trường học, nhiều học sinh tỏ ra chán nản, ghét các bạn, rồi quay sang cảm thấy mệt mỏi với bản thân. Cuối cùng, nhiều em thậm chí còn tự tìm đến cái chết như một sự giải thoát. 

Năm 2012, trường hợp của nam sinh 17 tuổi, Park Han-wool gây chấn động giới truyền thông toàn thế giới vì cậu bị bắt nạt suốt nhiều năm ở trường học, bị cô lập hàng ngày, bị đánh đập chửi rủa, bị khóa trái cửa nhốt trong lớp học. 

Mặc dù không ai đề cập đến lý do, nhưng lời chia sẻ của Han-wool đã cảnh tỉnh các lãnh đạo cấp cao tại Hàn Quốc về tình trạng bạo lực học đường, mà đau lòng nhất là những năm tháng cấp III - nơi các em vẫn đang trong giai đoạn hình thành nhân cách: "Tôi muốn nói với mọi người về những điều khủng khiếp đó. Tôi đã kể với cha mẹ mình nhưng họ không nghiêm túc suy nghĩ về điều đó. Họ cho rằng, đó chỉ là trò trẻ con."

Năm 2015, trang P.E của Hàn Quốc lại khiến người dân nước này bàng hoàng khi đưa tin, một nghiên cứu sinh đã bị quát mắng thậm tệ chỉ vì ngủ gật trong quá trình học việc. Ba năm liên tiếp ở trường đại học, nghiên cứu sinh này liên tục bị một nam sinh khoá trên ép uống nước bồn cầu và bị hắn dùng gậy bóng chày đánh khiến cơ thể anh đầy vết thương. 

Mặc dù, đối tượng hành hung đã bị cảnh sát bắt giữ nhưng anh nghiên cứu sinh kia đã rơi vào trạng thái trầm cảm và luôn cần đến sự chăm sóc của bác sĩ.

Bạo lực học đường ở Hàn Quốc: Sự thật đen tối đằng sau thế giới phim ảnh long lanh - Ảnh 2.

Ba năm liên tiếp ở trường đại học, nghiên cứu sinh này liên tục bị một nam sinh khoá trên ép uống nước bồn cầu và bị hắn dùng gậy bóng chày đánh khiến cơ thể anh đầy vết thương.

Và gần đây  nhất, vào lúc 20h30 ngày 1/9 vừa qua, cảnh sát tỉnh Busan (Hàn Quốc) cũng nhận được một tin báo chấn động về vụ việc bắt nạt học đường man rợ ngoài sức tưởng tượng. Nạn nhân của vụ đánh người mất hết nhân tính này mới chỉ 14 tuổi. Mặt mũi biến dạng, thân thể thâm tím và sự tổn thương tinh thần suốt đời là những gì cô bạn 14 tuổi nhận được từ chính những người cùng trang lứa với mình.

Một trong số những nữ sinh tham gia vụ bạo hành trả lời thẩm vấn của cảnh sát rằng: "Chúng cháu đánh bạn ấy vì không thích cách bạn ấy nói chuyện và thái độ của bạn ấy nữa.".

Bạo lực học đường ở Hàn Quốc: Sự thật đen tối đằng sau thế giới phim ảnh long lanh - Ảnh 3.

Mặt mũi biến dạng, thân thể thâm tím và sự tổn thương tinh thần suốt đời là những gì cô bạn 14 tuổi nhận được từ chính những người cùng trang lứa với mình.

Hoá ra lý do nạn nhân phải "hứng đòn" không phải vì họ đã làm gì việc gì sai trái mà chỉ đơn giản là nữ sinh đó hay nam sinh đó khiến "đàn anh, đàn chị" không ưa. Và chỉ vì là đối tượng gây "nhức mắt" nên các em đã bị nhóm du côn lao vào đánh tới tấp, đánh cho "thừa sống thiếu chết", cách đối xử không chút tính người, vô cùng bệnh hoạn và hung ác. 

Các cơ quan chức năng Hàn Quốc vào cuộc

Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik từng lên tiếng xin lỗi người dân về các vụ bạo lực trong học đường và bày tỏ chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân. Thủ tướng Kim tuyên bố: "Kể từ bây giờ, chỉ huy các đồn cảnh sát địa phương sẽ chịu trách nhiệm theo dõi vấn đề này. Chúng tôi sẽ phát triển một hệ thống cảnh báo để ngăn chặn băng nhóm học sinh quấy rối nhà trường".

Ông cũng công bố một số giải pháp nhằm chấm dứt bạo lực học đường. Cụ thể như, hiệu trưởng có thể đình chỉ ngay lập tức việc học của những học sinh gây bạo lực, giáo viên nào che giấu các vụ bắt nạt sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Mỗi lớp học bậc trung học cơ sở và phổ thông sẽ có thêm một giáo viên để giám sát học sinh. Các giáo viên cũng phải có trách nhiệm tư vấn cho từng học sinh ít nhất 1 lần/học kỳ và gửi báo cáo cho phụ huynh. Nhà trường sẽ lưu hồ sơ xử lý hành vi bạo lực 5 năm đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và 10 năm đối với học sinh trung học phổ thông kể từ khi tốt nghiệp.

Bạo lực học đường ở Hàn Quốc: Sự thật đen tối đằng sau thế giới phim ảnh long lanh - Ảnh 4.

Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik từng lên tiếng xin lỗi người dân về các vụ bạo lực trong học đường và bày tỏ chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ mở rộng một chương trình tư vấn cho các nạn nhân của bạo lực học đường. Nhiều cảnh sát sẽ được điều tới tuần tra các trường học nhằm ngăn chặn kịp thời, hỗ trợ nạn nhân và thu thập thông tin về các băng nhóm học sinh có tổ chức. Bộ cũng sẽ đưa ra các chương trình huấn luyện hiệu quả cho giáo viên cũng như phụ huynh để họ có thể xử lý các vụ bắt nạt một cách hợp lý và bảo vệ nạn nhân.

Cùng với Thủ tướng Kim Hwang-sik, trong bài phát biểu thường kỳ trên đài phát thanh KBS, cựu Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh, không chỉ Chính phủ, các trường học mà cả các hộ gia đình cũng cần phải chịu trách nhiệm để nhổ tận gốc nạn bạo lực học đường. "Bây giờ là lúc cho tất cả chúng ta cùng tham gia và hành động để bảo vệ chính con em của mình trước tình trạng bạo lực học đường," cựu Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh.

Kết

Quỳnh in Seoul, cô nàng "trùm" du học Hàn Quốc, biên tập chính của cuốn sách nổi tiếng Hàn Quốc Đi Về Phía Bình Minh, sau khi "bóc phốt" những điều lầm tưởng của chúng ta về đời sống học sinh Hàn Quốc, đã kết luận rằng: 

"Quỳnh không đồng ý với cái chuyện các bộ phim Hàn Quốc tô vẽ cuộc sống cấp 3 quá ư là khác biệt so với sự thật và làm cho mọi người cảm thấy bức xúc về chuyện học cấp 3 ở Việt Nam. Ở nhà, tỷ lệ tự tử cấp 3 phải nói là thấp hơn hẳn so với Hàn Quốc và cấp 3 ở Việt Nam thật sự là rất vui. Hãy cảm thấy may mắn vì bạn đang học cấp 3 ở Việt Nam đi nhé!"