Bao giờ về nước? Học xong chưa? - Những câu hỏi đầy ám ảnh mà không du học sinh nào muốn nghe!

Nano Kwon, Theo Helino 20:41 10/09/2019

Một năm học mới lại bắt đầu. Đối với một bộ phận du học sinh, đây nhiều khi lại không phải là một khởi đầu mới. Đó là điều báo hiệu một học kỳ nữa lại đang đến mà mình vẫn chưa học xong.

Bạn bè và người thân ở nhà sẽ lại hỏi: “Còn mấy năm nữa thì xong?”, “Bao giờ về nước?”,... Và du học sinh thì vẫn không biết phải trả lời thế nào.

Có một số lý do khiến nhiều du học sinh không thể hoàn thành việc học của mình đúng tiến độ và thường phải kéo dài thời gian ở lại nước ngoài.

Học khó, thi lại nhiều lần

Sinh viên đi học trong nước cũng còn phải thi lên thi xuống mãi mới qua môn. Đối với việc học bằng một loại ngôn ngữ khác thì độ khó được tăng lên gấp mấy lần. Nếu như quá trình học của sinh viên Việt Nam trải qua những giai đoạn nghe giảng - ôn lại bài - nhớ bài - làm bài kiểm tra, thì du học sinh phải đi qua hết thảy nghe giảng - cố gắng hiểu thầy cô nói gì - ôn lại bài - nhớ bài – làm bài kiểm tra phải dịch từ trí nhớ của mình sang một loại ngôn ngữ khác để viết vào bài. Bởi vậy trường hợp thi trượt, thi lại nhiều lần xảy ra cũng nhiều hơn.

Một phương pháp học để đảm bảo chất lượng hơn mà nhiều du học sinh cũng sử dụng đó là đăng ký ít môn trong một kỳ hơn để học cho chắc, thi cho tốt. Việc này cũng sẽ kéo dài thời gian học của mỗi người.

Bao giờ về nước? Học xong chưa? - Những câu hỏi đầy ám ảnh mà không du học sinh nào muốn nghe! - Ảnh 1.

Vừa học vừa làm

Học khó, thi thố vất vả, những du học sinh nào vừa phải đi học vừa phải đi làm còn phải chịu đựng áp lực công việc và áp lực thời gian. Phải sắp xếp thời gian đi học và đi làm sao cho hợp lý, không thể dành toàn bộ sự tập trung cho việc học hành. Một khi không thể đầu tư chu toàn cho một việc thì sẽ không thể làm việc đó nhanh được.

Bao giờ về nước? Học xong chưa? - Những câu hỏi đầy ám ảnh mà không du học sinh nào muốn nghe! - Ảnh 2.

Đã quen với việc sống ở nước ngoài

Có nhiều du học sinh luôn cảm thấy mình “không thuộc về nơi này” thì sẽ quyết tâm học xong nhanh để về nước. Nhưng có nhiều người lại xây dựng được một cuộc sống riêng ở trên nước bạn. Họ có bạn bè và tạo dựng được những mối quan hệ thân quen, đồng thời một công việc ổn định với một mức lương xứng đáng (thường thì đi làm việc gì ở nước ngoài cũng sẽ luôn đảm bảo được việc chi trả cho tất cả mọi loại chi phí và trang trải được mức sinh hoạt cơ bản của một người), lại quen với nếp sống, văn hóa và tư duy ở nơi đó.

Bao giờ về nước? Học xong chưa? - Những câu hỏi đầy ám ảnh mà không du học sinh nào muốn nghe! - Ảnh 3.

Vô hình chung những người này sẽ tự hỏi, từ bỏ mọi thứ mình đang có để trở về Việt Nam làm lại từ đầu liệu có đáng không? Thị trường việc làm không tương xứng, du học sinh bây giờ về nước cũng chỉ nhận được mức lương khởi điểm 7 - 9 triệu đồng, so với số tiền vài chục triệu đồng họ kiếm được ở nước ngoài thì quá chênh lệch. Mức độ văn minh, tư duy và nhận thức của người dân ở nước mình và nước bạn cũng rất khác nhau. Cân nhắc những lợi và hại, sẽ phải đánh đổi những gì, đạt được những gì,... cũng là một sự trăn trở của thế hệ du học sinh hiện nay.

Cho nên câu hỏi “bao giờ học xong”, “bao giờ về nước”,... đối với các du học sinh mà nói, thật sự không hề dễ trả lời. Chỉ mong bạn bè và người thân ở nhà có thể hiểu và thông cảm được cho những nỗi niềm này mà không phán xét, đánh giá hay thúc giục.