Theo The Guardian và CNBC, Trung Quốc có thể đã bước vào "kỷ nguyên tăng trưởng dân số âm", sau khi các số liệu cho thấy số người lần đầu tiên giảm lịch sử kể từ năm 1961.
Quốc gia này có 1,41175 tỉ người vào cuối năm 2022, so với 1,41260 tỉ một năm trước đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết hôm 17-1. Số liệu này đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn suy giảm dân số được dự đoán là kéo dài, bất chấp những nỗ lực lớn của chính phủ nhằm đảo ngược xu hướng này.
Một em bé trong vòng tay cha mẹ ở Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Phát biểu trước ngày công bố dữ liệu, ông Cai Fang, Phó chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn của Hội đồng nhân dân Trung Quốc, cho biết dân số nước này đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2022, sớm hơn nhiều so với dự kiến.
"Các chuyên gia trong lĩnh vực dân số và kinh tế đã dự đoán rằng đến năm 2022 hoặc chậm nhất là năm 2023, đất nước chúng tôi sẽ bước vào kỷ nguyên tăng trưởng dân số âm" - ông Cai nói.
Chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm đã nỗ lực khuyến khích người dân sinh thêm con và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập do dân số già gây ra.
Các chính sách mới đã tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính và xã hội trong việc nuôi dạy con cái, hoặc tích cực khuyến khích sinh con thông qua trợ cấp và giảm thuế. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con vốn không khuyến khích việc sinh nhiều con và chi phí cuộc sống hiện đại ngày càng tăng, mức sinh vẫn thấp.
Tỉ lệ số ca sinh năm ngoái là 6,77 trẻ trên 1.000 người, giảm so với tỉ lệ 7,52/1.000 của năm 2021 và là tỉ lệ sinh thấp nhất được ghi nhận. Số ca sinh cũng thấp hơn năm trước khoảng 1 triệu ca.
Quốc gia này cũng ghi nhận tỉ lệ tử vong cao nhất kể từ năm 1976 với 7,37 người chết trên 1.000 người trong năm 2022.
Theo ông Cai, người đồng thời là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc và là chuyên gia về kinh tế lao động, cho biết các chính sách xã hội của Trung Quốc sẽ phải được điều chỉnh, bao gồm chính sách chăm sóc người già và lương hưu. Dân số già sẽ làm gánh nặng tài chính quốc gia sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu sản phụ khoa tại Trường Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) và là chuyên gia về sự thay đổi dân số của Trung Quốc, cho biết sự suy giảm dân số diễn ra sớm hơn gần một thập kỷ so với dự đoán của chính phủ nước này và Liên Hiệp Quốc.
"Có nghĩa là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học thực sự của Trung Quốc nằm ngoài sức tưởng tượng. Triển vọng kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc ảm đạm hơn nhiều so với dự kiến. Trung Quốc sẽ phải trải qua một cuộc thu hẹp chiến lược và điều chỉnh các chính sách xã hội, kinh tế, quốc phòng và đối ngoại của mình" - ông Yi viết trên Twitter.