Liên quan đến vụ cháy công ty phích nước Rạng Đông ngày 31/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có báo cáo về việc triển khai khắc phục sự cố môi trường.
Hiện trường vụ cháy.
Theo báo cáo, kết quả kiểm tra nhanh ban đầu đối với thông số thủy ngân (Hg) lấy tại 5 vị trí: Mẫu đất vườn hoa nhà máy, mẫu đất ở rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy, cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0 microgram/m3.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra bên trong kho chứa hóa chất amalgam dùng để sản xuất bóng đèn.
Kết quả kiểm tra cho thấy hóa chất amalgam được chứa trong 3 tủ lạnh, các tủ lạnh này còn nguyên vẹn, khu vực chứa 3 tủ lạnh được phun nhiều bọt chữa cháy, không phát hiện hiện tượng cháy.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cùng đoàn công tác đã kiểm tra nơi cất giữ hóa chất amalgam của Công ty Rạng Đông, phát hiện các tủ chứa không bị cháy trong vụ hỏa hoạn.
Thời điểm kiểm tra, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường vẫn tiếp tục lấy mẫu môi trường xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông và trong khu dân cư để đánh giá chất lượng môi trường.
Theo kết quả phân tích môi trường không khí của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại 5 vị trí quanh Công ty Rạng Đông, các thông số vi khí hậu, NO2, Pb, Cd, Hg (trung bình 24 giờ), As, Zn và Hg bụi tổng nằm trong giới hạn cho phép.
Thông số SO2: Tại vị trí điểm giáp cổng công ty bóng động lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình = 357 µg/m3 (vượt 1,02 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT); điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy = 352 µg/m3 (1,0057 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT); các vị trí còn lại có kết quả cũng nằm trong giới hạn cho phép.
Người dân sinh sống cạnh hiện trường vụ cháy vẫn bất an, lo lắng.
Ngoài ra, kết quả quan trắc của Sở TN&MT thu nhận được vào thời điểm xảy ra vụ cháy ngày 28/8 cho thấy: Trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại Minh Khai là trạm duy nhất ghi nhận có nồng độ bụi (PM10 và PM2.5), khí CO và NOx tăng cao đột biến trong khoảng thời gian từ 20 giờ ngày 28/8 đến 1 giờ ngày 29/8/2019.
Cùng thời điểm đó, ngoài 9 trạm còn lại và tham khảo thêm các trạm cảm biến khác của một số tổ chức phi chính phủ đặt rải rác trên toàn thành phố, đều không ghi nhận được dữ liệu bất thường nào.
Đồng thời, căn cứ kết quả phân tích đầy đủ các mẫu môi trường tại phòng thí nghiệm, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tổ chức mời các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT, các sở ngành và chuyên gia có kinh nghiệp họp để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Amalgam còn được gọi là hỗn hống thủy ngân. Amalgam thu được khi hòa tan một số kim loại vào thủy ngân lỏng, do đó, về bản chất hóa học thì hỗn hống thủy ngân vẫn chứa thủy ngân ở dạng nguyên tố Hg.
Thủy ngân ở dạng Amalgam thường là thể rắn, do đó, khó phát tán, khó bay hơi và dễ thu hồi hơn dạng thủy ngân nguyên chất ở thể lỏng. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiệt độ của đám cháy ở nhà máy Rạng Đông xảy ra vừa qua, nhiệt độ lên rất cao nên khó tránh khỏi việc thủy ngân bay hơi từ Amalgam.
Theo Thông tư 58/2015 của liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, chất thải Amalgam cũng được coi là một chất thải y tế nguy hại cần phải xử lý và tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe.