Ngày 30/8 - 2 ngày sau vụ cháy kinh hoàng tại bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty Cổ phần bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã gửi công văn tới Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội về việc thiệt hại nhà xưởng và vấn đề môi trường, cuộc sống người dân. Theo đó, Rạng Đông cho biết "đã nghiên cứu sử dụng loại Amalgam thay thế thuỷ ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016".
Theo tìm hiểu, Amalgam là thuỷ ngân dạng viên, dùng để nạp vào trong bóng đèn compact, nhằm cố định lượng thuỷ ngân trong đèn và bảo vệ môi trường sản xuất.
Ngoài ra, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn gồm: bầu đèn CFL làm bằng nhựa PC - đạt hứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người kể cả khi cháy. Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thuỷ tinh không chì (không có các hàm lượng kim loại nặng), đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập không sử dụng thiếc hàn, dây tóc bằng wofram. Các khí thải không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Công ty Rạng Đông nơi xảy ra vụ cháy lớn đêm 28/8.
Trong thông báo nêu rõ, từ ngày 29/8, tất cả CBCNV tham gia chữa cháy ngày 28/8 đã đên công ty thu dọn và chuẩn bị cho sản xuất. Hôm nay, 30/8, các xưởng sản xuất của công ty đã bắt đầu trở lại sản xuất bình thường, công nhân lao động đảm bảo sức khoẻ.
"Công ty chúng tôi cam kết ngay sau khi cơ quan điều tra xong vụ việc này, chúng tôi sẽ mời các cơ quan chuyên môn đánh giá tác động môi trường và thuê xử lý môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho CBCNV và người dân sinh sống xung quanh công ty".
Ước tính thiệt hại ban đầu của Rạng Đông là vào khoảng 150 tỷ đồng.
Hiện, các cơ quan điều tra đang làm việc với Rạng Đông để điều tra về nguyên nhân vụ cháy.
Trước đó, ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình cảnh báo về tình trạng ô nhiễm, bác tin đồn rò rỉ thủy ngân sau vụ hỏa hoạn kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), không loại trừ khả năng có lượng thủy ngân bị thoát ra kèm theo khói bụi. Ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm, và một số hóa chất khác. Các chất này cũng có hại cho sức khỏe con người.
Trong sáng 30/8, tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã có 12 người tới khám và tiến hành làm các xét nghiệm về ngộ độc thuỷ ngân, trong đó có 10 phóng viên và 2 người dân. Tất cả các bệnh nhân hoặc đứng gần hiện trường vụ cháy hoặc trực tiếp tham gia dập lửa cùng cơ quan chức năng. Họ đều có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, còn các triệu chứng khác không rõ ràng.
Hiện trường vụ cháy tồn đọng nhiều khói bụi ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.
Sau khi hít phải hơi nóng qua đường hô hấp, trong vòng vài giờ, bệnh nhân sẽ có biểu chứng sớm, như: tức ngực, khó thở, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt, run, yếu mỏi, tê chân tay, thậm chí suy thận, đi tiểu ít dần, có thể bị xem là nhiễm độc cấp.
Những đối tượng sau cần đi kiểm tra:
- Lính cứu hoả
- Công nhân nhà máy Rạng Đông
- Phóng viên tác nghiệp
- Người dân tham gia chữa cháy
- Người dân sống xung quanh khu vực nhà kho