Miranda không phải người duy nhất đang “sống trong sợ hãi”, bởi tổng tỷ lệ được tuyển dụng năm nay giảm 15% so với năm 2012. Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế Trung Quốc nhiều triển vọng, các doanh nghiệp được mở rộng, công ty mới nổi lên, nên cần tuyển thêm nhiều nhân viên mới. Tuy nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại còn 7,5% trong năm nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có dấu hiệu thu hẹp lại.
Cộng đồng trực tuyến Trung Quốc gần đây tràn ngập những lời than vãn, thái độ bất bình về sự thiếu minh bạch, hoặc không công bằng trong tuyển dụng, đặc biệt là ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước (vốn được đánh giá là có thu nhập tốt và ổn định).
Giáo sư đại học Ding Dajian nhận định, mở rộng tuyển sinh đại học càng tạo thêm nhiều áp lực cho chuyện tìm việc làm, nhất là vào thời buổi kinh tế khó khăn.
Mỉa mai thay, trong lúc sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm thì thị trường lao động vẫn thiếu người đáp ứng được yêu cầu và lực lượng lao động của Trung Quốc cũng đang báo động vì đang bị già đi và thu hẹp lại.
Thực trạng giới trẻ tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp đang buộc chính phủ Trung Quốc phải giải quyết rốt ráo. Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ các sinh viên tốt nghiệp. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng chủ trì một cuộc họp nội các liên quan vấn đề này. Sau cuộc họp, một kế hoạch hành động nhằm giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp được giới truyền thông nước này đưa tin rộng rãi. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các biện pháp nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp đại học như: sinh viên đã tốt nghiệp có thể tham gia các trung tâm đào tạo trong thời hạn lâu hơn, giảm chi phí cho những sinh viên khởi động kinh doanh riêng, cung cấp các khoản trợ cấp một lần.