Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 TP.HCM
Năm nay Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 TP.HCM có 900 chỉ tiêu và có 975 thí sinh đạt từ 22 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng). Năm ngoái, điểm trúng tuyển khối A là 24 và khối D là 23. Dự kiến điểm trúng tuyển năm nay sẽ tương đương năm trước.
Thủ khoa của trường đạt 29 điểm khối A là Nguyễn Huy Quốc (học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) thi ngành kinh tế.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM
Năm ngoái điểm trúng tuyển thấp nhất của Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM là 13 thì năm nay có 5.420 thí sinh đạt (đã cộng ưu tiên), trong khi chỉ tiêu 2.300.
Với mức điểm là 13 như năm trước thì năm nay dự kiến ngành khoa học hàng hải tăng 1 điểm; các ngành kỹ thuật điện-điện tử, kỹ thuật điện tử-truyền thông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, truyền thông và mạng máy tính sẽ tăng 2 điểm; ngành kỹ thuật cơ khí tăng 3 điểm…
Ngành khai thác vận tải là ngành tăng cao nhất lên 5 điểm so với 15 điểm của năm trước. Ngành kinh tế vận tải, kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng tăng 2 - 2,5 điểm so với năm ngoái. Ngành kỹ thuật công trình xây dựng tương đương 16 điểm như năm trước; ngành công nghệ thông tin tương đương 13 nhưng có thể xét tuyển thêm. Riêng ngành kỹ thuật tàu thủy số thí sinh dự thi chưa đủ chỉ tiêu nên phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Thủ khoa là hai thí sinh cùng đạt 25 điểm và cùng thi ngành kinh tế vận tải là Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và Nguyễn Thị Huyền Trang (học sinh Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng).
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Cơ sở 2 TP.HCM
Điểm trúng tuyển thấp nhất năm ngoái là 14 dành cho thí sinh tự túc học phí thì năm nay học viện chỉ có 459 thí sinh đạt được (đã cộng điểm ưu tiên). Còn điểm dành cho thí sinh đóng học phí theo quy định của Nhà nước là 20,5 thì có 43 thí sinh.
Ngoại trừ ngành công nghệ đa phương tiện tạm đủ thí sinh đạt 14 điểm trở lên (86 thí sinh/ 70 chỉ tiêu) thì các ngành còn lại đều có thí sinh từ 14 ít hơn chỉ tiêu. Trong đó, ngành công nghệ kỹ thuật điện-điện tử 80 chỉ tiêu chỉ có 12 thí sinh dự thi; ngành marketing có 70 chỉ tiêu thì có 18 thí sinh dự thi… Cùng với các ngành này còn có ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh sẽ phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Thủ khoa của học viện là Đặng Thị Liễu Trinh (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định), thi ngành kỹ thuật điện tử-truyền thông khối A đạt 25 điểm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Điểm thi vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không cao. Với 1.500 chỉ tiêu có 1.517 thí sinh đạt bằng điểm sàn năm ngoái theo từng khối thi. Nhiều ngành sẽ tuyển đủ chỉ tiêu như công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng, kế toán, ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh…
Nhiều ngành phải xét gần như 80% đến 100% chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung như công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật điện-điện tử, kỹ thuật xây dựng, ngôn ngữ Trung Quốc, thiết kế đồ họa…
Thí sinh có điểm thi cao nhất trường đạt 21 điểm (điểm thi thật, không cộng ưu tiên) là Văn Phước Sang (học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hóc Môn, TP.HCM) thi ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử khối A và Trần Công Danh (học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) thi ngành công nghệ thông tin khối A1.
Học viện Tài chính
Thí sinh dự thi vào Học viện Tài chính năm nay chỉ còn 3.656, trong khi năm ngoái có 6.612 thí sinh dự thi với chỉ tiêu 3.350. Thí sinh dự thi ít nên điểm sàn vào học viện năm ngoái là 19 thì năm nay chỉ có 2.650 thí sinh đạt (đã cộng ưu tiên). Như vậy, để tuyển đủ chỉ tiêu, điểm sàn vào học viện sẽ phải giảm. Ở mức 17 điểm có 3.022 thí sinh. Năm nay có thể học viện sẽ phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Học viện có bốn thủ khoa cùng đạt 27,5 điểm và cùng thi ngành kế toán là Kiều Thị Kim Thảo (học sinh Trường THPT Lạc Thủy B, Hòa Bình), Đỗ Văn Hoàn (học sinh Trường THPT Cẩm Thủy 3, Thanh Hóa), Đinh Thị Thu Hoài (học sinh Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình), Đào Thu Hường (học sinh Trường THPT Cổ Loa, Hà Nội).