Liên tục những ngày qua, mưa lớn kéo dài từ địa phận Quảng Bình đến Bình Định đã gây ngập lụt trên diện rộng. Mặc dù đến sáng ngày 9/11, mưa đã ngớt nhưng nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất mạnh nên nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình vẫn bị ngập sâu. Đặc biệt, nước lũ đã băng tràn qua QL1A khiến giao thông tắc nghẽn, hàng ngàn chiếc xe ô tô lưu thông Bắc Nam phải nằm chờ. Theo thống kê ban đầu, đến nay đã có 7 người chết (Đà Nẵng: 2 người, Quảng Nam: 5 người) và 3 người mất tích (Thừa Thiên Huế: 1 người, Quảng Nam: 2 người). Gần 10.000 ngôi nhà và trường học bị chìm trong nước.
Người dân thành phố Đà Nẵng nhận định: đây là lần đầu tiên, Đà Nẵng có mưa lớn và ngập lụt nhiều tuyến đường đến như thế. Nhiều người dân ở 2 ven bờ sông của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ nhà cửa bị ngập đã phải sơ tán đi nới khác.
Học sinh thành phố Huế lội nước đến trường.
Trên 23 ngàn học sinh huyện cũng phải nghỉ học do mưa lớn ngây ngập lụt trên toàn huyện. Ông Lê Văn Phước, trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: “So với đợt mưa lụt trước, đợt này nhiều địa phương trên địa bàn huyện bị ngập sâu hơn. Phòng GD&ĐT đã thông báo các trường cho học sinh nghỉ học từ chiều hôm qua. Sáng nay, nước lụt vẫn chưa có dấu hiệu rút, học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học”.
Tại trung tâm thành phố Đà Nẵng nhiều trường bị ngập nước, một số tuyến đường (Hàm Nghi, Phan Thanh, Văn Cao, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập...) bị ngập sâu. Hiện tại học sinh 10 trường trên địa bàn quận Thanh Khê không thể đi học. Gồm có: trường THPT Thái Phiên, Trung tâm GDTX-HN, 4 trường THCS (Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng), 3 trường tiểu học (Huỳnh Ngọc Huệ, Hàm Nghi, Đoàn Thị Điểm) và 1 trường mầm non tư thục Đức Minh. Ông Vĩ Sách, trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết: “Đây là những trường đóng trên khu vực có tuyến đường thấp và nằm gần các vùng ao, hồ. Sau khi nước rút, phòng sẽ chỉ đạo các trường lên kế hoạch dạy bù kịp thời, nhằm đảm bảo dạy và học theo đúng chương trình”.
Quảng Nam: Ngập lụt ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Các xã dọc sông Thu Bồn bị ngập nặng, có nơi ngập sâu trên 1,5m. Thầy Nguyễn Văn Thiên, hiệu trưởng trường THCS Lê Quang Sung (xã Duy Hòa, Đại Lộc) cho biết: “Ngày qua và sáng nay, học sinh của trường buộc phải nghỉ học. Mưa lớn kèm nước sông Thu Bồn dâng cao khiến nhiều vùng bị ngập sâu. Vì an toàn của học sinh nên nhà trường cũng như nhiều đơn vị trường học khác trên địa bàn huyện đã chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học để kịp thời phòng tránh lũ lụt. Nhiều xã ven sông bị nước bao vây, trong ngày tới học sinh vẫn chưa thể tới trường”.
Trường THPT Nguyễn Huệ -TP.Huế phải đóng cổng vì bị ngập nước.
Các địa phương giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng bị chia cắt do mưa lụt. Tại vùng Điện Nam, Điện Ngọc, Hòa Quý nhiều tuyến đường bị ngập. Đoạn đường Lưu Quang Vũ dẫn đến cơ sở mới của trường Cao đẳng CNTT ở khu quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng thuộc phường Hòa Quý-Q.Ngũ Hành Sơn dài cả cây số còn chưa được cải tạo, rất khó khăn cho giao thông mùa mưa, nay lại ngập nước, khiến GV-SV của trường CĐ CNTT khá chật vật. Đã có 2 bạn học sinh bị lũ cuốn trôi vì cố tình băng lũ đến trường. Một bạn may mắn được người dân cứu sống, tên Nguyễn Phi Định (học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi), Nguyễn Quốc Vương (cùng học với Định) đã bị mất tích hiện chưa tìm thấy thi thể.
Quảng Bình: Mưa lớn kéo dài làm cho nhiều vùng bị chia cắt. Học sinh 2 xã Tân Hoá, Minh Hoá phải nghỉ học. Cô Đinh Thị Thanh Hương, trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, nhiều địa phương trong huyện bị chia cắt, vì vậy giáo viên không thể tới trường dạy học được. “Với điều kiện địa phương bị mưa lũ bất thường nên trước mùa mưa lũ, phòng GD&ĐT đã thông báo cho các trường chủ động kế hoạch dạy học theo nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” - cô Hương cho biết thêm.
Thừa Thiên Huế: Gần 5.000 ngôi nhà ở toàn tỉnh bị ngập, trong đó có hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 1 – 1,5m đặc biệt là khu vực xung quanh Đại nội Huế.
Giao thông ở đây bị tê liệt, chỉ có thể dùng thuyền, đò đi lại. Nhiều du khách nước ngoài lưu trú trong các khách sạn phải di chuyển đến các khách sạn ở bờ Nam sông Hương.
Cuộc sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn do lương thực thực phẩm, các mặt hàng nhu yếu phẩm khan hiếm, chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa… đóng cửa do nước ngập sâu.
Hiện trên địa bàn Thừa Thiên – Huế vẫn đang có mưa, nhiều nơi mưa rất to. Lượng mưa lớn ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, có nơi đạt gần 900mm như trạm Thượng Nhật (trên sông Tả Trạch) 773mm, trạm Khe Tre 885mm... Mực nước các sông Hương, sông Bồ… đạt gần báo động 3. Năm hộ dân của thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà đã được di dời an toàn ra khỏi vùng sạt lở ven sông Hương. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, lực lượng công an, bộ đội… túc trực 24/24 giờ tiến hành ứng cứu kịp thời khi có tình huống.
Nhiều trường học trên toàn tỉnh đã bị ngập nặng, học sinh phải nghỉ học, đặc biệt nghỉ học kéo dài trong nhiều ngày là nhiều trường học ở vùng trũng của các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền. Học sinh Nguyễn Hữu Khang - lớp 8 trường THCS Long Quảng, huyện Nam Đông bị lũ cuốn trôi trên đường đi học ngày 5/11, thi thể đã được tìm thấy ở chân cầu Nhất Đông, phường An Đông, TP.Huế.
Bình Định: Nước lũ tràn qua tỉnh lộ DT 640 đã cô lập nhiều xã khu đông của tỉnh Bình Định như Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận (huyện Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (huyện Phù Cát), nhiều tuyến đường xã An Toàn, An Quang (huyện An Lão) bị sạt lở nghiêm trọng… Hàng loạt khu dân cư tại các địa phương này bị ngập sâu trong nước, nhiều tuyến giao thông trọng yếu như các tỉnh lộ 640, 636B… bị ngập sâu 0,7m - 1m, các phương tiện không thể qua lại. Trong 2 ngày 7 và 8/11, đã có hơn 25.000 học sinh ở huyện Tuy Phước phải nghỉ học.