Chuẩn bị nghỉ Tết, sinh viên than trời vì... trộm

GDVN, Theo 09:05 19/01/2012

Thùy Linh, sinh viên ĐH Văn Hóa vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể lại chuyện bị trộm cạy cửa sổ, rọi đèn pin vào mặt và quát chủ nhà “như đúng rồi”.

“2 con ranh này. Chúng mày khôn hồn thì ngủ đi, kêu lên tao giết…” 

“Kinh khủng quá! Ai đời trộm lại ngang nhiên cạy cửa sổ rọi đèn pin vào mặt chủ nhà quát bắt đi ngủ. Không chỉ bắt bọn mình “câm mồm” đi ngủ, hắn còn dọa sẽ giết nếu bọn mình kêu lên… Lúc đó vì hoảng loạn quá nên bọn mình chỉ biết im bặt nằm bất động trên giường và không dám hô hào cho các phòng khác biết… Rất may là bọn mình cảnh giác, khóa trái cửa chính trước khi đi ngủ và không để đồ đạc gì gần cửa sổ ngoài cái chạn bát" - Linh kể lại mà vẫn chưa hết bàng hoàng sợ hãi.

Xóm trọ của Thùy Linh ở ngách 29/70/2 Khương Hạ - Thanh Xuân - Hà Nội mất cắp vặt như cơm bữa. 

Xóm trọ của Linh tách biệt với nhà chủ lại không có cổng che chắn bảo vệ nên an ninh rất nhũng nhiễu. Những người thuê trọ ở đây cứ hở ra cái gì là mất cắp cái đó. Thời điểm những ngày giáp Tết tệ nạn trộm cắp lại càng được thể hoành hành hơn nơi xóm trọ của Linh.

“Vì không có cổng lại ở tách biệt với chủ nhà nên xóm trọ của bọn mình nạn trộm cắp xảy ra liên tục. Bọn mình thường xuyên bị trộm cạy cửa hỏi thăm lúc nửa đêm và thậm chí cả lúc đang ngủ trưa nữa. Quần áo to, quần áo nhỏ phơi bên ngoài cứ mất liên tục. Đi học, đi làm quên không cất vào trong nhà là quần áo sẽ không cánh mà bay ngay. Thời điểm cận Tết này, khi chúng mình chuẩn bị về nghỉ, các vụ trộm cắp xảy ra nhiều hơn trước. Bọn mình không chỉ bị mất quần áo, giày dép, tiền, điện thoại, xe đạp... mà còn mất cả xe máy, laptop nữa. Do đó, trước khi về nghỉ Tết cả xóm lũ lượt kéo nhau lên nhà chủ gửi đồ đạc từ cái quạt điện, nồi cơm điện, xe đạp…”

Tiếp lời Linh, Hoài Thương, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGH cũng thuê trọ ở đây cho biết: “Chuyển đến đây được hơn 2 tháng nhưng mình không nhớ đã bao nhiêu lần bị mất trộm đồ đạc rồi. Mình cũng không nhớ bao nhiêu lần phải “thót tim” tỉnh dậy lúc nửa đêm vì tiếng cạy cửa của trộm. Mấy lần đầu vì sợ nên không dám hô hào nhưng sau đó thành quen thì phải cứ nghe tiếng động là cả phòng bảo nhau hô trộm thật to để cả xóm biết và để nó sợ mà bỏ đi…”

“Cũng muốn chuyển đến chỗ có an ninh tốt hơn nhưng giờ tìm nhà khó quá lại đắt đỏ nữa. Bọn mình đành bảo nhau cắn răng chịu đựng để Tết xong lên tính tiếp” - Hoài Thương tâm sự.

Xóm trọ của Hạnh những ngày gần Tết, trộm cũng ngang nhiên "vào ra như trốn không người".

Tương tự, tại xóm trọ mà Hạnh, sinh viên trường ĐH Xây Dựng đang thuê phòng tại phố Phương Mai - Hoàng Mai, kẻ trộm cũng “ra vào như trốn không người” để ăn cắp. Hạnh cho biết: “Chuyện trộm cạy cửa phòng gần đây xảy ra liên tục ở xóm trọ của bọn mình. Cứ cách 2 hoặc 3 ngày lại xảy ra một vụ như thế... Có khi kẻ trộm còn lấy đèn pin soi thẳng vào mặt từng người trong phòng, khi chúng mình hoảng sợ hô trộm chúng mới chịu bỏ đi”.

Theo quan sát của chúng tớ, xóm trọ này cũng không hề có cổng, chủ nhà thì chỉ cho sinh viên nữ thuê. Do đó, bọn trộm rất hay rình mò lui tới. “Quần áo mùa đông phơi ở ngoài chỉ cần quên không mang vào là mất ngay không kể cái xấu cái đẹp. Nhiều lần tìm thấy đồ của tụi mình ở thùng rác hoặc một xó nào đó” - Hạnh cho biết thêm.

Kí túc xá, trộm cũng đông như quân Nguyên

Không chỉ ở các xóm trọ sinh viên, chuyện mất cắp còn xảy ra thường xuyên ở kí túc xá của các trường ĐH, CĐ. Kí túc xá Mễ Trì thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội thời điểm này cũng đang nóng với nạn trộm cắp. Nhiều sinh viên bị mất tiền, mất điện thoại, máy tính... khi đang ngủ, thậm chí là trong cả lúc ngủ trưa.

Trần Mạnh Dũng, K55 Công nghệ sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN vừa bị mất điện thoại di động kể: “Ở kí túc xá đông người (8-10 người/phòng), người ra người vào nhiều, kẻ gian thường lợi dụng sơ hở vào ăn trộm đồ, chúng mình có cảnh giác không thể đề phòng hết được. Thời điểm khi chúng mình chuẩn bị về nghỉ Tết cũng hay tổ chức tất niên với nhau. Có khi sang phòng bên quây quần cùng các bạn quên không khóa cửa phòng vài phút nhớ ra chạy về đã bị mất đồ rồi”.


Sinh viên cần đặc biệt cảnh giác với nạn trộm cắp ngày giáp Tết ở các xóm trọ

Theo thống kê của Ban quản lý Ký túc xá Mễ Trì, trong tháng cuối năm này đã có hơn 10 trường hợp sinh viên báo mất tiền, điện thoại và laptop...

Cũng đang nội trú trong Ký túc xá của ĐH Giao thông vận tải, Lê Văn Hiếu, sinh viên năm thứ 3 ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đã 3 lần là nạn nhân của nạn trộm cắp. Hiếu kể: “Lần đầu tiên mình mất ví tiền. Xót tiền thì ít mà xót và mất công đi làm lại CMTND, thẻ sinh viên, thẻ thư viện, bằng láy xe… thì nhiều. Lần thứ 2 đi ăn cơm quên không cầm điện thoại lúc quay trở về phòng cũng không tìm thấy điện thoại của mình đâu nữa. Lần thứ 3 là mất máy ảnh. Ở trong môi trường đông, nhốn nháo, mỗi người một tính nên không biết đường nào mà cảnh giác nữa…”

Hầu hết các chủ nhà trọ, ban quản lý kí túc xá của các trường đều yêu cầu người thuê phòng và sinh viên cảnh giác về tệ nạn mất trộm những ngày cận Tết này. Tuy nhiên, nạn trộm cắp thì vẫn nằm ngoài khả năng kiểm soát của sinh viên thuê trọ.