Tôm là thực phẩm được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt tự nhiên, dễ chế biến lại giàu dưỡng chất. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy món tôm mình làm ra kém ngon, thớ thịt bở nhạt, mất mùi thơm hoặc không còn độ ngọt vốn có, rất có thể nguyên nhân nằm ở bước rã đông.
Bác sĩ Fu Yuxiang (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ rằng, không ít người nghĩ rằng chỉ cần nấu kỹ là được, nhưng rã đông sai cách có thể làm mất đến 30 - 40% chất dinh dưỡng của tôm. Chưa kể, còn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây hại sức khỏe.
Nếu bạn hay người thân đang có một trong số 5 kiểu rã đông dưới đây thì cần nhanh chóng thay đổi nhé:
Dùng nước nóng để rã đông tôm
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Fu, đây là lỗi thường thấy nhất khi rã đông tôm hay thực phẩm đông lạnh. Khi tôm tiếp xúc với nước nóng, bề mặt bên ngoài sẽ bị "chín giả" trong khi bên trong vẫn còn đá. Việc này không chỉ làm tôm bị dai và mất vị ngọt mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn như Listeria sinh sôi. Nếu không nấu kỹ lại, người ăn có nguy cơ bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Rã đông tôm rồi không chế biến ngay
Một sai lầm lớn là sau khi tôm đã rã đông, nhiều người không chế biến ngay mà để tôm ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh quá lâu. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, nhất là khi tôm đã tiếp xúc lâu với không khí. Thực phẩm tươi sống như tôm có thể bị mất đi hương vị và giá trị dinh dưỡng nếu không chế biến ngay sau khi rã đông.
Để tôm rã đông ở nhiệt độ phòng
Nhiều người vội hoặc không biết nên đặt luôn tôm đông lạnh lên bàn bếp hoặc ngoài chậu để tan đá. Tuy nhiên, bác sĩ Fu cảnh báo nhiệt độ phòng (25 - 30 độ C) chính là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là E. coli hay Salmonella. Chỉ sau 1-2 giờ, tôm có thể bị nhiễm khuẩn mà mắt thường không phát hiện được. Ngoài ra, việc tan băng tự nhiên còn khiến tôm tiết ra nước, mất độ giòn và vị tươi.
Ngâm tôm trực tiếp trong nước mà không bọc kín
Ảnh minh họa
Một số người chọn rã đông bằng nước thường hoặc ấm nhưng quên cho tôm vào túi kín. Kết quả là tôm tiếp xúc trực tiếp với nước, khiến nước ngấm vào trong, làm thịt bị mềm nhũn, nhạt vị, và mất chất khoáng tự nhiên. Không chỉ vậy, nếu nguồn nước không sạch, tôm còn dễ bị nhiễm khuẩn hơn, quá trình này cũng khiến bụi bẩn, vi khuẩn “trà trộn” dễ hơn.
Rã đông rồi lại cấp đông nhiều lần
Một sai lầm nghiêm trọng khác là rã đông xong không dùng hết, lại đem cấp đông lại. Theo bác sĩ Fu, mỗi lần rã đông - cấp đông sẽ làm phá vỡ cấu trúc tế bào tôm, khiến thịt mất chất, nhạt nhẽo, dễ bở và giảm độ tươi rõ rệt. Hơn nữa, vi khuẩn đã phát triển từ lần rã đông đầu tiên sẽ không chết, vẫn tồn tại và gây nguy hiểm nếu không nấu kỹ sau đó.
Có nhiều cách để rã đông tôm an toàn, ít thất thoát dinh dưỡng nhưng theo bác sĩ Fu có 2 cách đơn giản và tốt nhất. Đó là rã đông ở ngăn mát tủ lạnh hoặc rã đông bằng nước lạnh nhẹ pha muối và giấm.
Nếu không vội, rã đông tôm hay thịt cá với ngăn mát tủ lạnh là ưu tiên hàng đầu. Rất đơn giản, chỉ cần đặt tôm vào hộp kín hoặc túi kín rồi để ở ngăn mát qua đêm. Quá trình rã đông chậm trong môi trường lạnh giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và giữ nguyên độ tươi ngon của tôm.
Ảnh minh họa
Còn với cách thứ 2, cho tôm đông lạnh vào bát nước lạnh khoảng 10 - 20 độ C. Nhớ nhấc tôm ra vài lần để tách và loại bỏ đá, không nên ngâm lâu. Sau đó, vớt tôm ra, rắc muối và khuấy trong 2 phút để rã đông nhanh và khử trùng. Tiếp theo, thêm giấm trắng, khuấy thêm 2 phút để khử mùi tanh và làm mềm thịt tôm. Cuối cùng, rửa tôm dưới nước lạnh hai lần để loại bỏ muối và giấm, tôm sẽ giữ được hương vị tươi ngon.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, About What We Eat and Drink