Sau buổi sáng ngày 25/6, đề thi Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019 của nước ta đã chiếm trọn spotlight cộng đồng mạng. Dù chẳng phải là thí sinh, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự thích thú và cũng không quên tranh luận về đề thi. Đặc biệt, câu cuối cùng về sông Hương nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn tán xôn xao cả ngày hôm đó.
Kỳ thi Đại học ở Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng 6 năm nay cũng vậy. Ngay khi được công bố, cả cộng đồng mạng nước này đã phải "khóc thét" trước đề thi của tỉnh Giang Tô. Theo một cuộc điều tra trên một trang web ở Trung Quốc, trong tất cả các đề thi Văn khắp cả nước, thật không bất ngờ khi đề của Giang Tô lại một lần nữa được xếp hạng là khó nhằn nhất.
Kỳ thi đại học ở Trung Quốc luôn nhận được sự chú ý từ cư dân mạng vì độ khó và độc đáo trong nhiều đề thi. (Ảnh minh họa)
Độ "khó nhằn" của đề thi tỉnh Giang Tô đứng ở vị trí cao nhất với 43,76% bình chọn.
Đề: Dựa theo tài liệu bên dưới, chọn góc độ, tự nghĩ đề bài, viết bài văn trên 800 chữ, không hạn chế thể văn (trừ thơ).
"Mỗi vật đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua ngọt cay nhạt mặn, năm vị điều hoà, cùng tồn tại hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế."
Tại Trung Quốc, đề thi văn toàn quốc và đề các tỉnh thường lấy những vấn đề liên quan đến hiện trạng xã hội, tình yêu Tổ Quốc, con người, ý nghĩ tốt đẹp về cuộc sống. Riêng tỉnh Giang Tô thì luôn có một phong cách ra đề khác biệt với độ khó luôn xếp hạng cao nhất cả nước trong suốt nhiều năm qua.
Đọc xong đề Văn Đại học tỉnh Giang Tô, đã có không ít thí sinh dự thi phải "vò đầu bứt tóc" vì khó hiểu. Tuy nhiên, nhiều người cũng khen đề thi này rất có phong cách văn nghệ và triết lý. Nhiều thí sinh còn nói đùa rằng, "đọc đề Văn của Giang Tô thì một là không hiểu đề, hai là không lạc đề nhiều lần!"
Nguyên văn đề thi đại học môn Văn ở Trung Quốc.
Đề thi Văn của tỉnh Giang Tô khiến nhiều thí sinh "vò đầu bứt tóc" vì khó hiểu. (Ảnh minh họa)
Trọng tâm của đề bài nằm ở những chi tiết như "mỗi vật đều có một tính", "cùng tồn tại hòa trộn". Đúng vậy, mỗi sự vật hay con người đều có một bản chất riêng, không thể thay đổi (nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối). Quan trọng nhất vẫn là chính bản thân mỗi người chúng ta cần phải tôn trọng bản chất, thuộc tính riêng của mọi sự vật, sự việc, con người. Tuy nhiên, cái gì độc lập quá cũng không tốt, nên chúng ta phải biết điều hoà, cân bằng để cùng tồn tại "hoà trộn" với nhau giữa xã hội, trong tự nhiên để tạo ra "trăm ngàn vị khác nhau".
Lấy một khía cạnh khai thác và cách truyền tải rất hay, đề thi văn của tỉnh Giang Tô năm nay quả là sáng tạo và khiến nhiều thí sinh thích thú, dù cũng phải vật vã không ít để làm! (Ảnh minh họa)
Dưới đây chính là bài văn đạt điểm tuyệt đối 150/150 trong kì thi Đại học Trung Quốc năm 2019 (nguồn dịch: Lost Bird):
"Củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác
Tom là một cậu bé chăn cừu, cậu có một đàn cừu thuần màu trắng như một đám mây cực lớn. Chính vì thế Tom cực kì ghét con cừu đen duy nhất trong đàn, câu luôn hăm he làm thịt nó.
Vào một ngày mùa đông nọ, trời đổ tuyết lớn, đàn cừu màu trắng lẫn trong nền tuyết làm Tom không cách nào tìm được. Cuối cùng nhờ con cừu đen duy nhất đó mà Tom tìm về được đàn cừu của mình.
Từ đây Tom hiểu được một đạo lý, thuần tuý cố nhiên rất đẹp, thế nhưng cộng sinh hài hoà lại càng tốt hơn.
Trên thực tế, mỗi vật đều có tính chất khác nhau, có vẻ đẹp khác nhau. Hổ dễ nổi nóng, khỉ hấp tấp, cừu hiền lành, động vật đã vậy, thực vật lại càng thú vị hơn, trên đời này không bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, cả những thứ cùng loại cũng không phải nhất thành bất biến huống chi là những vật khác nhau hoàn toàn
Vật đã thế, con người càng thế...
Tả Truyền từng viết, tư tưởng con người không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Mà tư tưởng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của người đó. Nếu muốn tôn trọng cái gọi là tư tưởng đó thì cần học cách khoan dung, đừng bao giờ vọng tưởng thống nhất tư tưởng, nó là điều phi lý.
Nhưng vấn đề là đã không cách nào thống nhất tư tưởng, vậy phải chung sống thế nào?
Có hai cách, một là tập hợp những người cùng chung chí hướng, những người cùng chung sở thích tập hợp với nhau, hình thành nên một quần thể có quan niệm chung.
Nhưng tiếc là chuyện này rất hiếm có, như củ cải nấu lên vẫn là củ cải, củ cải nướng thịt thì đã khác, làm sao có tư tưởng nào giống tư tưởng nào hoàn toàn.
Sự tham gia của nhiều tư tưởng giống mà khác nhau này còn phá vỡ sự cân bằng sản sinh ra biến hoá. Cát rơi vào miệng trai, thành trân châu quý giá, bụi trong hơi nước hoà thành mưa. Chính vì thế có một câu nói rất đúng rằng: "Người với người khác nhau, chưa chắc là chuyện xấu, chim diều không cần phải biến thành quạ mới có thể chung sống hoà bình."
Nói cách khác là mỗi người một vẻ, tức là hoà hợp.
Từ bản thể triết học mà nói, hoà hợp là quy luật vận hành của vạn vật. Lão Tử nói: "Vạn vật đều có âm có dương, cân bằng âm dương chính là hoà hợp."
Từ góc độ triết học mà nói, hoà hợp là cảnh giới cuối cùng mà con người theo đuổi. Lễ ký viết: "Những kẻ biết hoà hợp mới là kẻ làm chủ và đạt được cái đạo của thiên hạ". Hoà hợp tạo ra sự xây dựng, sản sinh, thuận tiện, thành công và thịnh vượng.
Từ góc độ phương pháp luận triết học thì hoà hợp là quy tắc làm người cơ bản. Luận ngữ viết: "Quân tử hoà hợp nhưng cũng khác nhau." Chỉ khi thuận theo quy tắc hoà hợp để diễn sinh phát triển thì mới có thể tồn tại lâu dài.
Từ góc độ sinh học thì cộng sinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Hai loại sinh vật cùng giúp nhau tồn tại, thiếu một bên, bên còn lại cũng khó sống nổi. Như tảo và nấm cộng sinh, cá sấu cộng sinh với chim bắt sâu, bò tót cộng sinh với chim ăn ruồi bọ.
Hoà hợp mà khác biệt, cái quan trọng nhất là phải chấp nhận và dung nhập vạn vật, thứ hai là biết chọn lựa và sử dụng những thứ phù hợp với đặc tính tự thân để hoàn thiện chính mình. Cuối cùng là đặt mình trong nhiều hoàn cảnh, tập cho bản thân tính phóng khoáng lạc quan.
Dù là một chỉnh thể bền chắc như thép cũng phải có một thứ khác biệt để điều hoà. Không ít những công ty quốc tế luôn giữ vài người có ý kiến trái ngược nhau trong hội đồng quản trị, những người này sẽ luôn soi mói làm khó dễ các quyết định được hội đồng đưa ra, thế nhưng chỉ có vậy mới có thể thúc đẩy hội đồng đưa ra những quyết sách chính xác và đúng đắn nhất."
Từ Tiểu Bình từng nói: "Với những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trong nhóm có 3-4 người trung thành và 1 người luôn làm trái lại, chính là tổ hợp tuyệt vời nhất."
Đạo lý này rất đơn giản, kẻ làm trái lại ấy đóng vai người điều hoà, anh ta phản bác, đánh thức, thúc tiến người lãnh đạo, như chim gõ kiến trên cây, vừa là bác sĩ vừa là kẻ gây tai hoạ. Nhưng nó sẽ luôn luôn tồn tại song hành với bạn.
Vậy vấn đề mới lại sinh ra, dung hợp có làm mất đi bản chất của mình không? Hoà hợp, chỉ là điều hoà, không phải hoà tan rồi làm mất bản thân. Bạn có thể đứng ở Trung Quốc nhìn ra thế giới, cũng có thể đứng ngoài thế giới nhìn vào Trung Quốc, nhưng đầu tiên bạn phải là người Trung Quốc là dân tộc Trung Hoa, sau mới là thế giới.
Muối bỏ vào nước sinh thành nước muối. Nước muối bỏ thêm vịt cũng chỉ là nước muối vịt. Mặc cho bạn dung hoà vào quần thể thế nào, bạn cũng phải biết mình luôn là muối, mỗi thứ mỗi vẻ, trăm vẻ dung hoà!
Bài văn đạt điểm tuyệt đối 150/150 khiến nhiều người vừa thán phục, vừa phải suy ngẫm rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Bình luận bên dưới một bài đăng về đề thi trên Facebook, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã bày tỏ sự thích thú xen lẫn thán phục dành cho đề thi và bài văn đạt điểm tuyệt đối này:
- Giang Nguyen: "Sao mới 18 tuổi lại có thể suy nghĩ sâu sắc như vậy nhỉ? Khâm phục thật sự, bài viết xuất sắc!"
- Trang Vũ: "Trời ơi người ra đề đã không phải bình thường rồi, đứa làm được điểm tuyệt đối thì lại còn phi thường hơn nữa! Đúng là cường quốc ngôn tình có khác!"
- Đóa Nhi: "Hay kinh khủng, đọc xong bài văn mà như được giác ngộ, không được 150/150 cũng uổng!"
- Hoàng T. Huyền Trang: "Tuyệt, thâm thúy trên từng câu chữ, không cần quá dài dòng nhưng ai đọc cũng thấm."
- Hưng Đỗ Minh: "Gì chứ 18 tuổi đã đem dẫn chứng góc độ triết học và góc độ sinh học nhuần nhuyễn, rồi phương pháp nghịch biện thực sự bám sát đề, cứ 1 đoạn người đọc lại mất 1 đống thời gian để suy ngẫm. Thực sự quá giỏi, giờ tò mò không biết bài 149/150 như thế nào? Muốn đọc thử coi cùng đề này góc nhìn có khác nhau không?"
- Nhung Nguyễn: "Văn học là phải cảm thụ, chứ cứ gạch ý, học thuộc như con vẹt thì đâu còn là văn học? Tác giả ra một bài thơ nhưng ứng với từng độc giả, từng thời kì lại có một cách cảm nhận khác nhau. Vậy nên đừng bắt học sinh cảm thụ văn học theo ý các thầy cô nữa…"
Nguồn: Zhihu