Bài học về tiết kiệm: Tiêu tiền không sai, nhưng đúng nơi đúng cách

Cô Chang - Design: Thành Đạt, Theo 00:02 07/09/2022
Chia sẻ

Nhiều người kiên trì tiết kiệm cho biết họ đã có khoảng thời gian rất tệ mỗi khi phải tiêu tiền.

Khoảng năm 1995, cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước ở vùng Đông Bắc (Trung Quốc) đã dẫn đến tình trạng sa thải lao động trên diện rộng, rất nhiều công nhân bị cho thôi việc khiến cả gia đình không có thu nhập. Tôi không biết gia đình mình đã phải trải qua những ngày tháng đó như thế nào, nhưng khi ngồi nghe mấy bác hàng xóm kể lại mới biết, lúc đó, gia đình 3 người chúng tôi đã phải sống chỉ với 300 ngàn/ tháng.

Tôi nhớ khi tôi vừa trở thành học sinh cấp 2, mẹ tôi đã nhét 5 ngàn vào cặp sách của tôi, nói rằng tiền này để sử dụng khẩn cấp, không phải tiền tiêu vặt và nhiều lần nhắc tôi chỉ sử dụng khi cần thiết. Tôi đã giữ số tiền này cho đến khi tốt nghiệp cấp 2, bởi đối với một người chỉ đi học rồi về nhà như tôi, không có khoản tiêu nào được xếp vào mục khẩn cấp cả. Đến năm tôi lên cấp 3, mẹ tôi đã đưa cho tôi thêm 10 ngàn nữa và tôi đã giữ nó cho đến khi tốt nghiệp.

Thỉnh thoảng ông nội cũng cho một ít tiền tiêu vặt, chẳng là bao, nhưng dù mua gì đi chăng nữa thì về nhà tôi cũng vẫn bị mẹ mắng. Mẹ tôi không bao giờ chấp nhận những lý do muốn tiêu tiền của tôi bởi ở nhà thì ăn cơm nhà, đến trường ăn cơm trường. Lần bị mắng mà tôi nhớ rõ nhất chính là tôi đã tự mua một chiếc bút bi có giá 1 ngàn giống như các bạn trong lớp, trong khi chúng tôi bắt buộc phải dùng bút máy để ghi bài. Vậy nên, đến tận bây giờ, tôi vẫn tỏ ra khá lo lắng khi biết phản ứng của mẹ mỗi khi mua những món đồ theo xu hướng.

Bài học về tiết kiệm: Tiêu tiền không sai, nhưng đúng nơi đúng cách - Ảnh 1.

Thực tế, việc trau dồi các giá trị và quan điểm tiêu dùng đúng đắn của một người ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng, nhưng việc hình thành thói quen tiêu tiền bừa bãi là không tốt và hình thành thói quen không dám tiêu tiền cũng rất xấu. Bởi khi bạn bỏ tiền ra để đạt được điều mình muốn thì bạn rất vui và thỏa mãn về mặt tinh thần.

Khi mới bắt đầu đi làm, tôi không có nhiều tiền trong tay và với thói quen hạn chế chi tiêu khi còn nhỏ, về cơ bản tôi không tiêu tiền. Khi đó, đồng nghiệp của tôi đều thuê nhà ở gần công ty, còn tôi lại chọn một căn phòng nhỏ ở xa công ty khoảng 15km với giá tiền rẻ hơn khá nhiều. Buổi trưa, các đồng nghiệp đều đến những quán ăn nhỏ xung quanh công ty để ăn trưa, thì tôi lại đạp xe về nhà, ngày nào cũng làm cơm chiên trứng, tối ăn mì. Quần áo mà tôi cần cũng chỉ loanh quanh 3, 4 bộ đã mua dịp giảm giá cuối năm ngoái. Sau này, khi chuyển sang công ty khác gần nhà hơn với mức lương cao hơn, thực đơn mỗi ngày của tôi càng trở nên đơn giản hơn với buổi sáng là một chiếc bánh tiêu 2 ngàn, buổi trưa là 2 chiếc bánh bao 7 ngàn, buổi tối sẽ đi ăn bún miến tuỳ thích.

Lúc đầu, tôi đã tự nhủ với bản thân rằng khó có thể tiết kiệm tiền để mua nhà, nhà đất ở thành phố lớn đắt đỏ theo từng ngày, trong khi thu nhập của tôi phải dăm ba năm mới lên được một bậc. Cho nên, phương án chi tiêu của tôi quả thực là dồn tất cả lại để tiết kiệm. Nhờ vậy mà đến khi lấy vợ, tôi đã tự sửa sang được căn nhà ở quê cho bố mẹ, cũng như tự mua được căn nhà đầu tiên cho gia đình nhỏ của mình.

Bài học về tiết kiệm: Tiêu tiền không sai, nhưng đúng nơi đúng cách - Ảnh 2.

Bây giờ thu nhập hàng năm của gia đình tôi cũng không phải con số nhỏ, nhưng tôi vẫn đi xe buýt hàng ngày. Tôi tranh thủ dậy sớm, đi làm sớm vì nghĩ rằng tàu điện ngầm đắt tiền, hoặc tôi đi xe đạp một tiếng đồng hồ và tự nhủ bản thân phải tập thể dục. Thay vì ra nhà hàng thì tôi và vợ lại thích tự tìm tòi công thức trên internet để làm ngay tại nhà. Gia đình chúng tôi cũng không thường xuyên đi du lịch nghỉ dưỡng, bởi đơn giản là tranh thủ còn đi làm, kiếm tiền được, tôi không muốn bỏ lỡ một cơ hội nào để tăng thu nhập cả.

Tuy nhiên, đến một ngày, tôi cảm thấy bản thân bị mất thăng bằng. Trong khi nhiều người đang cố gắng kiếm tiền để tận hưởng cuộc sống thì tôi giống như là người duy nhất không hạnh phúc với cuộc sống bản thân hướng đến. Bố mẹ hai bên đều có lương hưu nên không phải lo lắng nhiều, hai vợ chồng cũng dành được một khoản tiền kha khá. Nhưng tình trạng hiện tại của tôi là, tôi không tiêu tiền, bởi vì tiếc. Nhưng khi tôi tiêu tiền, tôi không nghĩ nó mang lại giá trị gì nên tôi lại cảm thấy tệ.

Bài học về tiết kiệm: Tiêu tiền không sai, nhưng đúng nơi đúng cách - Ảnh 3.

Về điều này, tôi biết nguyên nhân chính là do cách tiếp cận tiền bạc từ khi còn nhỏ. Điều này đã để lại một sự ám ảnh rất lớn mỗi khi tôi tiêu tiền. Tuy nhiên, những ngày tháng đó cũng đã giúp tôi kiên trì tiết kiệm để sở hữu một số tài sản. Cho nên, sau này, tôi sẽ hướng dẫn con cái của mình khi chi tiêu, rằng tiêu tiền không phải là điều gì xấu, chỉ là nên tiêu tiền đúng nơi, đúng cách.

Nguồn: Zhihu

https://kenh14.vn/bai-hoc-ve-tiet-kiem-tieu-tien-khong-sai-nhung-dung-noi-dung-cach-2022090617293168.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày