Gần đây, có một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Progress in Biophysics and Molecular Biology cho rằng bạch tuộc là sinh vật đến từ ngoài Trái đất.
Chính xác hơn, công trình nghiên cứu của 33 nhà sinh vật học danh tiếng đã cho rằng bạch tuộc ra đời từ cuộc hôn phối giữa động vật thân mềm ở Trái đất và sinh vật do sao Chổi mang xuống từ vũ trụ.
Nghiên cứu đã đưa ra những luận điểm nghe hết sức hợp lý. Và hợp lý hơn nữa là khi nhìn vào vẻ ngoài... kỳ cục, cũng như trí thông minh đặc biệt của bạch tuộc. Chúng khiến tất cả phải đặt ra nghi ngờ, rằng phải chăng bạch tuộc đúng thực là đến từ vũ trụ?
Nhưng rốt cục thì mọi chuyện thực sự là thế nào? Mới đây, các chuyên gia sinh học tại Đức đã đưa ra bình luận về nghiên cứu này.
"Đây không thể là ý tưởng nghiêm túc được" - trích lời Karin Moelling từ Viện di truyền phân tử Max Planck (Đức).
Theo Moelling, có một vài lý do khiến lý thuyết của nghiên cứu trở nên thực sự thuyết phục, như giả thuyết về các vật liệu sinh học từ ngoài vũ trụ được đưa đến Trái đất nhờ thiên thạch. Nhưng quan trọng nhất là "chẳng có bằng chứng nào cả." - Moelling khẳng định.
Cụ thể thì nghiên cứu ấy đã ngược dòng thời gian về hơn 500 triệu năm trước, hướng đến lý giải cho cái gọi là "vụ nổ Cambrian". Vụ nổ này đã khiến sự sống trên Trái đất bắt đầu tiến hóa, trở nên phức tạp và đa dạng hơn giống như sinh vật ngày nay. Kèm theo đó là lý thuyết Panspermia - ý tưởng cho rằng sự sống trên Trái đất đến từ vũ trụ.
Bạch tuộc có quá nhiều đặc điểm nổi trội
Với riêng trường hợp của bạch tuộc, nghiên cứu cho rằng chúng đột nhiên xuất hiện, lại mang bộ gene hết sức đặc biệt, không "đụng" với các loài thân mềm khác. Chúng cũng cực kỳ thông minh, ưu việt hơn so với họ hàng của chúng.
Và nghiên cứu đưa ra kết luận rằng bạch tuộc chính là các loài thân mềm "mượn" được gene từ vũ trụ để tiến hóa.
Kết luận có vấn đề
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là theo lịch sử sinh học, các gene thần kinh của bạch tuộc mới chỉ tách ra khỏi họ hàng mực của chúng từ 135 triệu năm trước - tức là rất lâu sau vụ nổ Cambrian.
Về tổng thể, Moelling và nhiều nhà khoa học khác cho rằng bộ gene của bạch tuộc không có gì quá đặc biệt. "Chúng tôi tìm thấy một số chuỗi gene khá cơ bản, cho thấy các loài thân mềm cũng không cần thiết phải phát triển các chuỗi gene này."
Nói cách khác, quá trình tiến hóa của bạch tuộc không có gì đặc biệt. Bộ gene của nó có liên hệ với mực và cả ốc anh vũ nữa. Và thực tế thì bộ gene của bạch tuộc cũng đã xuất hiện trên bản đồ gene sinh vật sống của Trái đất từ ít nhất 3,77 tỉ năm trước rồi, nên chẳng cần đến một bước đột phá gì từ ngoài Trái đất cả.
Một vấn đề khác có liên quan đến ý tưởng các thiên thạch mang gene đến Trái đất, ấy là hiện tại chúng ta có những bảo tàng thiên thạch tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Số mẫu vật thu thập được không phải là ít, thế nhưng chẳng có bằng chứng nào cho thấy thiên thạch có dấu vết sinh học trên đó cả.
Và cuối cùng, vụ nổ Cambrian từ 500 triệu năm trước thực chất có nhiều cách lý giải đơn giản hơn rất nhiều so với chuyện thiên thạch mang vật liệu sinh học xuống cho chúng ta. Có thể lấy ví dụ: nhờ vụ nổ ấy mà động vật phải di chuyển từ biển vào đất liền, dần tiến hóa để thở bằng phổi chẳng hạn.
"Đó là một nghiên cứu khá thú vị. Nhưng ý tưởng vi khuẩn, tế bào và các loài sinh vật sống hiện nay đều đến từ vũ trụ thì cần phải xem xét lại." - Moelling kết luận.