Trong cuộc sống hiện nay, con người tất bật với công việc, những áp lực vô hình từ cuộc sống đè nặng thì việc có một người bạn là những chú cún, bé mèo bầu bạn dần trở thành xu hướng.
BÁC SĨ HUỲNH MINH NHỰT
Tác giả bài viết
Bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Bác sĩ khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức
Kinh nghiệm công tác:
Bác sĩ điều trị Hệ thống nhi khoa Dr.Phước.
Đại biểu Đại hội Liên Chi Hội Gan Mật TP.HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Bệnh nhiễm giun sán chó mèo là bệnh nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người với tác nhân gây bệnh là sán dãi chó (toxocara canis) hay giun đũa mèo (toxocara cati). Chúng là một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo, sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường. Sau 1-2 tuần lễ, các trứng này sẽ hoá phôi, đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng.
Hiện nay có khoảng 1,4 tỉ người bị nhiễm giun đũa chó trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, bệnh này tuy chưa được nghiên cứu nhiều nhưng tỉ lệ huyết thanh dương tính với giun đũa chó mèo là rất cao (20, 6 - 40%). Biểu hiện của bệnh từ nhiễm trùng không triệu chứng đến tổn thương những cơ quan nghiêm trọng như gan, mắt, não, phổi...
Biểu hiện của nhiễm giun sán từ chó mèo
Đa số trường hợp, nhiễm ấu trùng giun sán từ chó, mèo không gây triệu chứng và các ký sinh trùng thường chết trong vòng một vài tháng. Tuy nhiên, một số người trải qua các triệu chứng nhẹ như: ho, sốt vừa đôi khi là sốt cao, đau đầu, đau dạ dày.
Trong các trường hợp hiếm hoi, các ấu trùng giun lây nhiễm vào các cơ quan như gan, phổi, mắt hoặc não và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như: cảm giác uể oải mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân, da mẩn ngứa, nhìn mờ hoặc có mây, thường chỉ ảnh hưởng đến một mắt, v.v..
Bệnh giun sán chó mèo có thể gây tổn thương ở một số cơ quan như: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương hay mắt. Ngoài ra, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng như: sẩn ngứa, nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa và sốt kéo dài, động kinh, co giật, lác mắt, .v.v. Do đó, khi có biểu hiện bệnh cần thăm khám sớm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.
Một số phương pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh cần: ăn chín, uống sạch, rửa kỹ rau, quả trước khi ăn, thường xuyên rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống. Ngoài tiêm ngừa một số bệnh thông thường cho thú cưng, thì việc tẩy giun cho chúng đặc biệt quan trọng.
Chó con và mèo con cần được tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, sau đó nhắc lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Sau đó cần thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.
Không thả chó chạy rông, phóng uế bừa bãi, nhất là khu vực nhà trẻ, trường học, sân chơi, công viên.
Hàng tuần, cần dọn dẹp sạch sẽ nơi ở của thú cưng. Phân của chúng phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục về bệnh nhiễm giun sán từ chó mèo cũng rất quan trọng, góp phần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe, nhằm giảm tỉ lệ mắc bệnh và truyền bệnh trong cộng đồng.