Bà mẹ TP.HCM khoe tiết kiệm được 8 triệu/tháng, nói 1 câu về giáo viên nhận "gạch đá": Xin hãy bớt tiêu cực!

Hiểu Đan, Theo Thanh niên Việt 09:42 16/05/2025
Chia sẻ

Bạn có đồng tình với quan điểm của bà mẹ này?

Mới đây, một phụ huynh ở TP.HCM chia sẻ chuyện học của con thu hút sự chú ý. Theo chị, từ khi cho hai con, một học lớp 3, một học lớp 8 tại trường công nghỉ học thêm, gia đình chị tiết kiệm được gần 8 triệu đồng mỗi tháng. Trước đây, với lịch học thêm dày đặc cộng thêm tiền ăn và phí giữ trẻ buổi chiều, tổng chi phí hàng tháng cho việc học của hai con lên tới 11 triệu đồng. Nhưng từ khi dừng học thêm, chỉ còn khoản học tiếng Anh ở trung tâm và tiền ăn ca của con nhỏ, chi phí giảm xuống còn khoảng 3 triệu.

Tuy nhiên, một câu nói sau đó của chị đã khiến cả diễn đàn phụ huynh dậy sóng: "Nghe đồn các thầy cô sắp mở trung tâm dạy học trở lại, mình lại lo… Đi học thì tốn tiền, mà không đi thì sợ con bị trù dập".

Nỗi lo này không hề cá biệt. Nó chạm vào tâm lý giằng co của rất nhiều phụ huynh hiện nay: Không muốn con quá tải, không đủ điều kiện tài chính để chạy theo học thêm tràn lan, nhưng lại sợ con mình bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, không ít ý kiến nhận định bà mẹ này phiến diện, bởi không phải thầy cô nào cũng tạo áo lực cho học sinh. Đừng vì "con sâu làm rầu nồi canh" mà tổn thương các thầy cô chân chính.

Bà mẹ TP.HCM khoe tiết kiệm được 8 triệu/tháng, nói 1 câu về giáo viên nhận "gạch đá": Xin hãy bớt tiêu cực!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sự chia rẽ trong góc nhìn phụ huynh

Dưới phần bình luận, không ít phụ huynh thừa nhận, chính vì nỗi lo sợ "bị đì", mà họ không dám cho con nghỉ học thêm, dù kết quả học tập vẫn tốt, dù giáo viên không yêu cầu. "Không quan trọng điểm số của con, nhưng nhiều khi con bị đì thì sợ ảnh hưởng tâm lý thôi", một phụ huynh viết.

Dù vậy, trong số hàng trăm ý kiến, không ít cha mẹ khẳng định: Con không học thêm, vẫn học tốt và chưa từng bị giáo viên trù dập. Họ khuyên bà mẹ này nên nghĩ tích cực lên bởi cuộc đời này còn nhiều người tốt, không ai bắt mình phải cho con học thêm cả.

"Trộm vía, con mình chỉ học mỗi tiếng Anh trung tâm, không học thêm gì ở nhà cô mà các cô vẫn quan tâm, thương con. Có khi còn nhắn nhắc phụ huynh kèm thêm phần sai ở nhà, rất nhẹ nhàng", một nguời nói. Hay một người mẹ có hai con học trường công cũng chia sẻ: "Con lớn học lớp 10, con nhỏ lớp 5, chưa bao giờ phải học thêm ngoài trường mà vẫn học giỏi, thầy cô bạn bè đều quan tâm, yêu thương".

Khi "học thêm" bị đánh đồng với "bị ép học"

Trong dòng tranh luận sôi nổi này, điều đáng nói là sự nhầm lẫn giữa "học thêm vì tự nguyện" và "học thêm vì bị ép". Một phụ huynh phân tích: "Nếu phụ huynh hiểu rõ mục tiêu học của con, tìm được người thầy phù hợp, dạy dễ hiểu, thì học thêm hoàn toàn có ích. Giống như bạn đi may đồ, không cần may ở tiệm xịn, chỉ cần thợ hợp với mình là được. Đừng quá đặt nặng việc phải học đúng giáo viên đứng lớp vì sợ bị đì".

Thậm chí có phụ huynh còn đặt vấn đề: "Giờ đã cấm giáo viên dạy thêm trái quy định, thì sao còn chuyện trù dập? Nếu có bằng chứng con bị đối xử bất công, tôi có thể hỗ trợ để lên tiếng. Còn nếu chỉ sợ mơ hồ thì mãi mãi không dám hành động".

Có thể thấy, nỗi lo "bị đì" dù có thật hay không, chính là dấu hiệu cho thấy niềm tin giữa cha mẹ và nhà trường đang bị rạn nứt. Điều này không chỉ gây áp lực cho học sinh mà còn làm tổn thương chính giáo viên, đặc biệt những người tâm huyết và không dính dáng đến chuyện dạy thêm. Khi phụ huynh mặc định rằng "cứ không học thêm là bị trù", thì mọi nỗ lực xây dựng môi trường học tích cực của thầy cô đều có nguy cơ bị phủ nhận.

Điều mà phụ huynh thật sự cần không chỉ là cam kết từ nhà trường rằng "không ai bị đối xử bất công", mà còn là một cơ chế rõ ràng, minh bạch để nếu điều đó xảy ra, phụ huynh có thể lên tiếng, và được lắng nghe.

Nhưng trên hết, nếu đã quyết định không cho con đi học thêm, thì phụ huynh cũng cần đồng hành chủ động hơn, thay vì chỉ đặt kỳ vọng vào giáo viên hay chương trình học. Bởi lẽ, học thêm không phải là điều kiện tiên quyết để con học tốt – nhưng sự quan tâm, định hướng và hỗ trợ từ cha mẹ thì luôn cần thiết.

Không cho con học thêm, phụ huynh có thể làm gì?

Trước hết, cha mẹ cần tạo môi trường học tập tích cực ở nhà: Một góc học tập yên tĩnh, không gian sinh hoạt hợp lý, và thời gian biểu rõ ràng. Việc học ở nhà không nên biến thành "lớp học thứ hai" căng thẳng, mà nên là khoảng thời gian con được ôn lại kiến thức, luyện tập, và được hỏi, được giải thích một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.

Thứ hai, hãy dõi theo con không chỉ qua điểm số, mà qua thái độ học: Con có hiểu bài không, có sợ đi học không, có tự giác không? Nếu con thường xuyên "không hiểu bài", "không biết bắt đầu từ đâu", thì có thể cha mẹ cần tìm cách hỗ trợ từ các kênh học trực tuyến miễn phí, đến sách bài tập bổ trợ, hoặc tìm người kèm thêm nếu cần nhưng không nhất thiết phải quay lại lối mòn "học thêm cô giáo đứng lớp".

Thứ ba, hãy trao đổi cởi mở với giáo viên. Khi phụ huynh thể hiện sự hợp tác, cầu thị và tin tưởng, giáo viên thường cũng sẵn lòng hỗ trợ con mình. Nếu con bạn học tốt mà không học thêm, giáo viên sẽ ghi nhận. Nếu con học chưa tốt, bạn có thể hỏi cô: "Ở lớp con chưa theo kịp phần nào?" thay vì chỉ hỏi "có cần học thêm không?". Mục tiêu là hiểu rõ nhu cầu của con, chứ không phải tìm cách "làm hài lòng" người dạy.

Cuối cùng, hãy giúp con học kỹ năng tự học, một món quà theo con suốt đời. Thay vì trả lời giúp con mọi câu hỏi, hãy cùng con tìm kiếm, gợi mở, và dạy con biết cách tra cứu, đặt câu hỏi, ghi chép. Một đứa trẻ biết tự học sẽ ít bị lệ thuộc vào "thầy hay cô nào dạy giỏi", và sẽ không sợ khi phải học trong điều kiện thiếu kèm cặp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày