Không đứa trẻ nào sinh ra đã yêu thích học, nhưng nếu con bạn đang ham chơi hơn học, vẫn có cách để thay đổi điều đó. Đó là bài học chị Phạm Thị Phương Thanh (Long Hồ, Vĩnh Long) rút ra từ hành trình cùng con trai Nguyễn Đức Phú, tên thân mật Cà Rốt, sinh năm 2015.
Trước đây, Cà Rốt không mấy hứng thú với các hoạt động như vẽ tranh, lắp Lego, đàn hát, hay học tiếng Anh. Tuy nhiên, nhờ vào phương pháp "gieo hạt" dần dần qua những trải nghiệm vui vẻ, những chiến thắng nhỏ và cảm giác được công nhận, chị Thanh đã giúp con thay đổi hoàn toàn.
Với cách đồng hành này, Cà Rốt đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ.
Cà Rốt biết vẽ, biết chơi đàn organ và đặc biệt là có một số thành tích nổi bật trong tiếng Anh.
• Năm 2023 (lớp 3), con đạt giải "Trình bày ấn tượng nhất" tại Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp huyện, sau đó đội tuyển trường con thi vòng Tỉnh và đạt giải Khuyến khích.
• Năm 2024 (lớp 4), đội tuyển trường con đạt giải Nhì cấp tỉnh trong hội thi tiếng Anh.
Về chứng chỉ quốc tế:
o KET (A2) thi ngày 12/5: Đạt 143 điểm, Speaking 150/150.
o PET (B1) thi ngày 8/12: Đạt 155 điểm, Speaking 165/170.
Từ lúc còn mang thai con trai, chị Thanh đã có thói quen đọc sách cho con nghe mỗi ngày. Sau này, chị vẫn giữ thói quen đó – đọc sách mỗi tối, kể chuyện mỗi ngày. Đó như một phần không thể thiếu trong hành trình lớn lên của con vậy.
Từ khi con biết cầm nắm, chị Thanh chọn những cuốn sách có hình ảnh sinh động để con "chơi" với sách. Có những lúc, con xé sách, nhưng chị không trách móc mà chỉ nhẹ nhàng dán lại, để con tiếp tục khám phá.
Lúc con lớn hơn, chị kể lại chuyện xé sách ngày xưa để con hiểu: Nếu biết giữ gìn thì sẽ còn đọc được lâu hơn hoặc có thể tặng bạn khác. Nhờ vậy mà con dần học được cách trân trọng sách và cứ duy trì hàng ngày, sách vở là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của con.
Cà Rốt đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ
Khi Cà Rốt 18 tháng, chị mua cho con một bộ bàn ghế nhỏ bằng gỗ và bắt đầu rèn thói quen ngồi vào bàn mỗi tối. Những hoạt động ban đầu rất giản đơn: Xếp hình, cắt dán, vẽ ngoạch ngoạc, đọc sách. Mục tiêu của chị khi ấy chỉ là rèn luyện cho con khả năng tập trung, giúp con ngồi yên để hoàn thành một việc nhỏ.
Thời gian đầu, chị chỉ đặt mục tiêu 5-10 phút mỗi ngày, rồi từ từ nâng dần theo độ tuổi và sự phát triển của con. Khi con đã quen với việc ngồi bàn, chị mới bắt đầu giới thiệu dần các âm vần tiếng Việt và từng bước đưa tiếng Anh vào thói quen học buổi tối.
"Do con đã quen ngồi bàn mỗi tối nên khi mình muốn thêm môn học mới cũng dễ hơn. Lúc đầu, dù con không thích tiếng Anh, mình chỉ lồng ghép 5-10 phút học, chiếm khoảng 10% thời gian so với các hoạt động con thích. Dần dần, thời lượng và độ khó được nâng lên, nhưng luôn trong khả năng con có thể chinh phục", chị Thanh kể.
Cứ duy trì hàng ngày các hoạt động ấy, đến cuối năm lớp chồi là Rốt tự đọc được các truyện ngắn. Lúc này chị mới bắt đầu cho con học các âm vần tiếng Việt và bắt đầu học tiếng Anh.
Bước ngoặt lớn đến khi chị Thanh áp dụng một phương pháp mà chị gọi vui là "thao túng tâm lý" tích cực. Chị nhận ra rằng trẻ con chỉ có động lực học khi cảm nhận được niềm vui và lợi ích từ đó. Ngược lại, nếu việc học đi kèm với ký ức tiêu cực, trẻ sẽ buông xuôi ngay từ đầu. Vì vậy, chị luôn tìm cách giúp con "lầm tưởng" rằng học tập là một trải nghiệm vui vẻ.
Khi rèn con học, chị Thanh luôn cố gắng dùng các ngôn từ tích cực để tạo không khí vui vẻ , đi từ nội dung dễ đến khó, rồi dễ dần, duy trì từ 5 phút lên 10 phút rồi ngày càng tăng theo sự phát triển của con. Dần dần, chị tăng thời gian học lên, xen kẽ giữa những điều con thích và những môn học mà con không hứng thú.
Chị Thanh đặc biệt chú trọng đến việc khen ngợi đúng lúc, khi con vượt qua một thử thách nhỏ. Mỗi chiến thắng nhỏ của con đều được chị ghi nhận và khích lệ, tạo ra niềm vui và sự tự tin cho con.
Vì vậy, khi đến giờ học, con sẽ cảm thấy hào hứng hơn, biết mình sẽ học vui như thế nào, biết được cái cảm giác khi vượt qua "thử thách" thì tuyệt như thế nào, cứ như thế, con rất tự giác học tập và ngày càng yêu thích việc học hơn.
Bằng việc tạo cho con có những trải nghiệm vui vẻ, chị đã giúp con "lầm tưởng" là mình yêu thích việc học và đọc sách, để rồi cứ duy trì học hàng ngày, những việc này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con. Cứ như thế, con dần tự chủ trên con đường của mình.
"Trước đây con là kiểu dễ bỏ cuộc – nghĩ đến học là đã thấy mệt, chưa học đã muốn nghỉ, chỉ muốn đọc truyện và chơi. Nhưng sau một thời gian, con bắt đầu biết cảm giác vượt qua thử thách là như thế nào. Con trải nghiệm được niềm vui trong việc hiểu một bài học, giải được một câu khó, đọc được một quyển sách đến cuối cùng.
Giờ thì con tự giác đọc sách mỗi ngày, tự lên kế hoạch học, biết đặt mục tiêu cho bản thân. Quan trọng nhất là con cảm thấy mình có khả năng học – Khi con thấy mình làm được, con sẽ muốn làm tiếp. Và mình luôn bên cạnh để khích lệ những bước tiến nhỏ nhất của con", chị Thanh nói.
Từ một cậu bé từng chỉ thích chơi, ngại học, Cà Rốt giờ đây đã yêu thích việc đọc sách, tự giác học tập và từng bước khám phá năng lực bản thân.
Chặng đường gần 10 năm đồng hành cùng con đã giúp chị nhận ra: Để con siêng học, trước hết phải thỏa mãn được những nhu cầu tâm lý cơ bản.
Thứ nhất, là nhu cầu được công nhận. Mỗi khi con cố gắng, dù chỉ là bước nhỏ, chị đều thể hiện niềm vui và sự tự hào. Thứ hai, là nhu cầu được khen tặng chân thành. Chị luôn tìm cách khen ngợi trung thực, giúp con cảm nhận được giá trị từ chính nỗ lực của mình. Thứ ba, là nhu cầu cảm thấy bản thân quan trọng. Chị và chồng thường cố tình kể lại những thành tích nhỏ của con trong các cuộc trò chuyện, để con nghe thấy và tự hào về chính mình.
Đặc biệt, chị Thanh chú trọng tạo ra các thử thách vừa sức để con cảm thấy được chinh phục, mà không bị quá tải. Những thử thách nhỏ ấy giúp con không chỉ phát triển tư duy mà còn giữ được niềm vui trong học tập. Không gian học của con luôn được chị giữ cho thoải mái, không áp lực. Chị không bao giờ ép buộc, mà chỉ gợi ý nhẹ nhàng: "Con sắp đến giờ học rồi, con cần mẹ giúp gì không?". Chính cách đồng hành này khiến con cảm thấy việc học là quyền lợi, là niềm vui, chứ không phải là gánh nặng.
Không đứa trẻ nào sinh ra đã yêu thích học, nhưng nếu con bạn đang ham chơi hơn học, vẫn có cách để thay đổi điều đó.
"Mình không đặt áp lực bắt con giỏi đều các môn. Mình giúp con tập trung vào cái con thích, hỗ trợ con vượt qua cái con ngại. Nói vui thì là 'giúp con lầm tưởng là mình thích học', để dần dần nó thành thói quen, đi vào tiềm thức", chị Thanh nói.
Với chị, mỗi đứa trẻ đều có khả năng học, chỉ cần cha mẹ đủ kiên trì, hiểu con và đồng hành đúng cách. "Nguyên lý chỉ có vậy thôi. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi trẻ mỗi tính. Chỉ cha mẹ mới giúp con mình phát triển tốt nhất. Hạn chế lời tiêu cực, đừng để con ám ảnh với việc học, đừng để con 'lầm tưởng' rằng mình ghét học, không có khả năng học", chị đúc kết.
Từ một cậu bé từng chỉ thích chơi, ngại học, Cà Rốt giờ đây đã yêu thích việc đọc sách, tự giác học tập và từng bước khám phá năng lực bản thân.
Hành trình ấy không có phép màu, chỉ có sự kiên trì, thấu hiểu và tình yêu thương bền bỉ của người mẹ. Và hơn tất cả những thành tích trên giấy, điều chị Thanh trân trọng nhất là: Con trai chị đã tìm được niềm vui trong việc học, một niềm vui đủ lớn để đồng hành cùng con suốt cuộc đời.