Bà mẹ ở TP.HCM khoe con xếp hạng nhất, nhiều phụ huynh chỉ ra 1 điểm cực vô lý: Vô tư hay cố ý thổi phồng?

Hiểu Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 20:18 21/05/2025
Chia sẻ

Phụ huynh này có sự nhầm lẫn hay vui quá nên hoá... bừa?

Mỗi dịp tổng kết năm học, mạng xã hội lại nhộn nhịp với những bài viết khoe bảng điểm, giấy khen, ảnh con nhận phần thưởng, kèm theo hàng loạt lời chúc mừng, "xin vía học giỏi" và không ít ánh mắt ngưỡng mộ. Nhưng cũng từ đây, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười nảy sinh, khi sự "khoe khéo" của một số phụ huynh vô tình chạm đến giới hạn giữa sự tự hào và ảo tưởng.

Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM chia sẻ trên mạng xã hội rằng con chị, đang học lớp 2, "được Nhất lớp" sau buổi họp phụ huynh cuối năm. Câu chuyện tưởng chừng rất đỗi bình thường trong mùa "khoe bảng điểm" bỗng nhận về không ít phản ứng trái chiều. 

Nhiều phụ huynh để lại bình luận thắc mắc: "Tiểu học bây giờ đã bỏ xếp hạng rồi, sao biết được con đứng Nhất lớp?", "giáo viên tiểu học đâu còn dùng thứ hạng để đánh giá học sinh?", "nhất lớp là do ai công nhận?"…

Sự việc này nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên các diễn đàn nuôi dạy con. Một số người cho rằng bà mẹ chỉ đang quá phấn khởi nên nói quá lên một chút, nhưng nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc phụ huynh ngày càng đặt nặng yếu tố thành tích lên vai con trẻ, thậm chí tự tạo ra các danh hiệu không tồn tại trong quy định giáo dục để "thỏa mãn" nhu cầu khẳng định bản thân qua con cái.

Bà mẹ ở TP.HCM khoe con xếp hạng nhất, nhiều phụ huynh chỉ ra 1 điểm cực vô lý: Vô tư hay cố ý thổi phồng?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thành tích – niềm vui hay áp lực?

Không thể phủ nhận cảm giác hạnh phúc của phụ huynh khi con được khen ngợi, có thành tích tốt sau một năm học. Đó là sự ghi nhận cho nỗ lực không chỉ của học sinh mà còn của cha mẹ trong hành trình đồng hành cùng con. Tuy nhiên, khi thành tích trở thành công cụ để so sánh, đánh giá giá trị con người, thậm chí dùng để "tranh đua ngầm" giữa các phụ huynh, thì niềm vui ấy lại trở thành áp lực vô hình đè nặng lên những đứa trẻ.

Một phụ huynh có con học lớp 3 chia sẻ: "Mình biết rõ năng lực của con, bé học tốt nhưng không phải xuất sắc vượt trội. Điểm Toán, Tiếng Việt đều 10, nhưng mình vẫn thường xuyên ôn bài với con nên hiểu rõ con chưa thực sự vững. Nếu chỉ nhìn vào bảng điểm, ai cũng nghĩ con mình giỏi, nhưng thật ra đó là mặt nổi của tảng băng mà thôi".

Không ít phụ huynh thừa nhận, việc các trường tiểu học hiện nay hầu hết đều đánh giá học sinh bằng nhận xét tích cực, điểm số cao, khiến nhiều người có cảm giác "ảo tưởng" về năng lực thực tế của con: "Tất cả đều giỏi, đều khá, không có xếp hạng đó là một bước tiến nhân văn trong giáo dục. Nhưng nếu phụ huynh không theo sát, chỉ nhìn vào lời nhận xét 'Hoàn thành xuất sắc' hay 'Tiến bộ tốt' để đánh giá con, sẽ dễ rơi vào trạng thái chủ quan, ỷ y".

"Nhất lớp" có còn ý nghĩa gì trong môi trường giáo dục hiện đại?

Theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2020–2021, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, không xếp loại bằng điểm số hay thứ hạng. Điều này nhằm tránh tạo ra áp lực thi đua không cần thiết và khuyến khích học sinh phát triển toàn diện theo năng lực riêng.

Tuy nhiên, trong thực tế, tâm lý "chuộng thành tích" vẫn còn đậm nét. Không ít phụ huynh "tỉnh táo" nhận ra rằng: Ở lớp điểm ngất ngưởng, về nhà hỏi lại bài thì con... không nhớ gì.

Điều này phản ánh một nghịch lý: Con nhận điểm cao, nhận xét tốt, cha mẹ vui mừng, nhưng năng lực thật sự lại không đồng nhất với biểu hiện trên giấy tờ. Vậy thành tích ấy còn ý nghĩa không, nếu nó không phản ánh đúng quá trình học tập và phát triển của đứa trẻ?

Nhu cầu được công nhận, được ngưỡng mộ, được so sánh thắng thua đôi khi khiến phụ huynh đánh đồng thành công của con là thành tựu cá nhân của chính mình. Câu chuyện "con Nhất lớp", "con được giải này, giải kia" dần trở thành một cách để phụ huynh... khẳng định vị thế trong cộng đồng.

Trong khi đó, mỗi đứa trẻ có một xuất phát điểm và hành trình phát triển riêng. Việc đem điểm số hay lời khen để đặt lên bàn cân so sánh chỉ khiến trẻ đánh mất niềm vui học tập, cảm thấy áp lực, thậm chí thu mình khi không đạt được kỳ vọng của cha mẹ.

Một chuyên gia giáo dục từng nói: "Điều quan trọng không phải là con được bao nhiêu điểm, mà là con có hiểu bài không, có cảm thấy hứng thú với việc học không, và quan trọng hơn cả là con có cảm nhận được sự tin tưởng và đồng hành từ cha mẹ".

Có thành tích là tốt, nhưng không nên tuyệt đối hóa thành tích. Một đứa trẻ học chưa tốt ở một thời điểm không có nghĩa là bé kém cỏi. Ngược lại, một bé điểm cao cũng chưa chắc đã hiểu bài sâu sắc. Điều cốt lõi là cha mẹ cần nhìn xa hơn điểm số, để khám phá năng lực thật sự, sở trường, cá tính và giá trị riêng của con mình.

Thay vì khoe thành tích theo kiểu "Nhất lớp", sẽ ý nghĩa hơn nếu mỗi phụ huynh khoe một điều con đã vượt qua: Biết tự học một chương trình khó, biết giúp bạn trong lớp, biết chịu trách nhiệm với việc mình làm. Những điều đó, dù không hiện diện trên giấy khen, mới thật sự là nền tảng cho sự trưởng thành bền vững.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày