Một câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc mới đây đã khiến dân tình không khỏi bức xúc. Theo đó bà mẹ nọ đã mua 6 con cua về cho 2 đứa con ăn uống tẩm bổ. Đến bữa tối, khi đứa con gái lớn chưa đi học về thì bà mẹ lấy cua ra cho con trai ăn trước và dặn: "Nhớ để phần cho chị".
Tuy nhiên, đứa con trai đã ăn hết cả 4 con cua mà bà mẹ này vẫn chẳng nói năng hay ngăn cản gì. Đến khi con trai ăn sang con thứ 5, người mẹ còn mỉm cười và vỗ nhẹ vào đầu: "Thằng bé này ăn giỏi quá. Ăn nhiều vào, ăn cho mau lớn". Đến lúc này, bà mẹ chỉ phần cô con gái đúng 1 con cua, bằng 1/5 so với cậu em.
Nhưng điều bức xúc hơn là khi thấy con trai vẫn còn thòm thèm, bà mẹ liền vặt thêm luôn 4 cái càng cua đưa con và bảo: "Ăn tiếp đi, chị con ăn cái mai là được rồi". Có lẽ khi bé gái đi học về, háo hức nhìn đĩa cua mà mẹ phần mình thì cũng chẳng buồn ăn nữa. Cô bé có thể rất tủi thân, gào khóc hoặc ấm ức trong lòng vì sự bất công của mẹ thể hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Câu chuyện này sau khi chia sẻ lên MXH đã thu hút nhiều bình luận, hầu hết là của các bậc cha mẹ. Hầu hết cư dân mạng đều chê trách bà mẹ này đã quá thiên vị con trai mà không quan tâm cảm nhận của con gái. "Một, hai con cua chẳng đáng là bao nhưng đứa trẻ sẽ tủi lắm khi thấy mẹ yêu thương em hơn mình. Đã là cha mẹ thì làm ơn đối xử công bằng với các con", một tài khoản MXH để lại bình luận.
Thực tế, không chỉ bà mẹ trên mà còn rất nhiều bậc cha mẹ khác vẫn đang thiên vị con cái hoặc so sánh điểm mạnh yếu giữa trẻ với các anh chị, em của mình. Những điều này sẽ trở thành mũi kim đâm vào lòng trẻ. Để lâu dần, vết thương càng lan rộng, kéo mối quan hệ của cha mẹ - con cái xa cách, khó lòng hàn gắn.
Bên cạnh đó, việc bị thiên vị còn khiến những đứa trẻ ganh đua với nhau, cảm thấy bị bỏ rơi, cô lập, không hòa nhập và thù ghét gia đình. Trẻ có thể cố tình nổi loạn để được chú ý ở nhà cũng như ở trường. Trong nhiều trường hợp, trẻ gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Hãy nhớ, nếu muốn nuôi dưỡng những đứa trẻ xuất sắc, cha mẹ phải dựa trên nguyên tắc cảm hóa và duy trì sự công bằng giữa các con. Đồng thời còn phải làm gương tốt cho con trẻ.