Apple sợ mang tiếng thất hứa?

Nguyễn Nghĩa, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 12:00 22/05/2025
Chia sẻ

Sau hàng loạt lần công bố rồi trì hoãn, Apple dường như đã nhận ra rằng việc "nói trước bước không qua" có thể khiến người dùng quay lưng.

Một chi tiết đáng chú ý được hai phóng viên Mark Gurman và Drake Bennett (Bloomberg) tiết lộ ở cuối bản báo cáo dài về trí tuệ nhân tạo của Apple: Gã khổng lồ công nghệ đang âm thầm điều chỉnh chiến lược truyền thông. Cụ thể, Apple sẽ dừng việc công bố sớm các tính năng mới trước khi chúng thực sự sẵn sàng ra mắt. Thay vào đó, công ty sẽ giữ kín mọi thứ cho đến khi sản phẩm hoặc dịch vụ đã hoàn thiện và sẵn sàng triển khai đến tay người dùng.

Động thái này không phải ngẫu nhiên. Thời gian gần đây, Apple liên tục vướng vào tình huống “hứa rồi để đó”, đặc biệt là với các tính năng AI. Một ví dụ tiêu biểu là bản nâng cấp cá nhân hóa cho Siri – được quảng bá rầm rộ tại sự kiện WWDC 2024 như một bước đột phá trong trợ lý ảo. Siri mới được hứa hẹn sẽ hiểu ngữ cảnh cá nhân, ghi nhớ lịch sử người dùng và tương tác thông minh hơn nhờ nền tảng Apple Intelligence. Nhưng sau gần một năm, người dùng vẫn chưa thấy bóng dáng nâng cấp này đâu, trong khi các đối thủ như Google Gemini hay ChatGPT vẫn đang băng băng về phía trước.

Apple sợ mang tiếng thất hứa?- Ảnh 1.

Sau màn ra mắt thất bại của Apple Intelligence, Apple đã phải đổi chiến lược PR của mình. Ảnh: Apple

Ngoài ra, CarPlay thế hệ mới, từng được Apple giới thiệu hoành tráng từ năm 2022 cũng bị trễ hẹn không kèn không trống. Phải đến giữa tháng 5/2025, CarPlay Ultra mới chính thức được công bố, và chỉ dành cho các mẫu xe cao cấp như Aston Martin tại thị trường Mỹ và Canada.

Apple sợ mang tiếng thất hứa?- Ảnh 2.

CarPlay thế hệ mới phải mất đến 3 năm mới được đến tay số ít người dùng. Ảnh: Tom's Guide

Những lần “nhá hàng” rồi im ắng kéo dài như vậy không chỉ làm lu mờ sự hào hứng của cộng đồng người dùng trung thành mà còn ảnh hưởng đến uy tín của một thương hiệu luôn nổi tiếng với sự chỉn chu. Dù Apple chưa lên tiếng chính thức, nhưng nếu chiến lược mới này được áp dụng triệt để, người dùng có thể kỳ vọng rằng các tính năng được công bố trong tương lai sẽ thực sự gần kề chứ không còn là những lời hứa treo lơ lửng năm này sang năm khác.

Thay vì hứa hẹn rầm rộ rồi trễ hẹn như trước, Apple giờ chọn cách làm trước, nói sau. Trong thế giới công nghệ nơi lời nói có thể trở thành con dao hai lưỡi, sự thận trọng lần này biết đâu lại là cách để hãng giành lại thế chủ động. Liệu chiến lược “im lặng là vàng” có giúp Apple lấy lại niềm tin và tạo bất ngờ?

Theo Bloomberg

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày