Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, gã khổng lồ công nghệ Apple rõ ràng cần phải nỗ lực hơn nữa để tăng tính cạnh của iPhone, iPad trước các đối thủ. Quan trọng hơn cả là việc hãng cần sớm chuẩn bị cho một tương lai hậu iPhone.
Hồi đầu tháng 1/2019, Apple hạ dự báo doanh thu iPhone trong Q4/2018 xuống khoảng 9 tỷ USD. Sau đó có nguồn tin, Apple đã tiếp tục cắt giảm 10% sản lượng iPhone trong Q1/2019. Những thông tin đầy bất lợi đó cho thấy, iPhone giờ đây đã không còn là "cỗ máy in tiền" tốt nhất của Apple.
Cho dù có đổ lỗi cho những nguyên nhân như sự suy giảm nền kinh tế Trung Quốc, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay chương trình thay pin giá rẻ thì có một điều phải thẳng thắn nhìn nhận, Apple đã trượt một bước dài kể từ khi "phất lên" nhờ những chiếc iPhone đầu tiên ra mắt cách đây hơn 1 thập kỷ.
Theo thống kê của nhiều hãng phân tích như Counterpoint , IDC, IHS Markit, Apple đã tụt xuống vị trí thứ ba trên thị trường smartphone và phải nhường vị trí thứ hai cho Huawei suốt nhiều quý vừa qua. Nếu Apple không thể bán được đủ số lượng iPhone giá ngàn đô như dự báo và không chịu hạ giá bán, rất có thể các hãng smartphone Trung Quốc khác sẽ sớm vượt Apple về doanh số trong tương lai gần.
iPhone không phải là "mỏ vàng" vô tận để Apple cứ vô tư khai thác mãi
Chỉ mình iPhone thành công là không đủ để giúp Apple có một trạng thái cân bằng nhất. Năm ngoái, doanh số Apple Watch đứng đầu thế giới, nhưng có một vấn đề, đó là thiết bị phụ thuộc khá nhiều vào iPhone.
Điều này cũng đồng nghĩa, Apple sẽ khó có cửa cạnh tranh với các đối thủ bán smartwatch hỗ trợ đầy đủ iPhone lẫn smartphone Android. Đó là lý do tại sao dù ra mắt muộn hơn nhưng dịch vụ thanh toán Walmart Pay lại có thị phần lớn hơn cả Apple Pay trong thanh toán di động và qua smartwatch.
Nếu iPhone không còn là công cụ tăng trưởng đáng tin cậy của Apple và khi lượng người dùng iPhone trung thành dần thu hẹp, Tim Cook và ban lãnh đạo Apple sẽ phải rất nỗ lực duy trì sự hiện diện và bắt kịp các đối thủ khác.
Giá iPhone quá đắt đỏ là trở ngại hàng đầu khiến doanh số iPhone đi xuống
Nhưng để làm được điều này không đơn giản. Apple sẽ cần thay đổi cách tư duy sản phẩm khi tiếp cận thị trường. Hơn hết, hãng nên dũng cảm rũ bỏ tư duy sản phẩm phải thật "đắt đỏ" và biết cách lắng nghe người tiêu dùng hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa, Apple cần học cách định giá sao cho "cạnh tranh" nhất trước các đối thủ. Đồng thời, hãng cần không ngừng nâng cấp chất lượng sản phẩm tốt nhất để làm hài lòng người tiêu dùng.
Sẽ thật bất ngờ nếu Apple có những sản phẩm tai nghe, loa thông minh, MacBook với mức giá hấp dẫn hơn. Nhưng quan trọng không kém, Apple sẽ phải làm cách nào đó để giải phóng sự ràng buộc giữa các thiết bị, dịch vụ liên kết với iPhone.
Chỉ có cách phá đi sự độc quyền, các thiết bị khác của Apple mới có cơ hội cất cánh và tiếp cận thêm nhóm người dùng từ các nền tảng khác. Đó cũng là cách Samsung đã từng áp dụng để tăng doanh số cho smartwatch Gear.
Trước đây, ứng dụng quản lý smartwatch Samsung Gear đời đầu chỉ hỗ trợ điện thoại Samsung. Nhưng từ các đời Gear gần đây, người dùng smartphone Android của các hãng khác đã có thể sử dụng ứng dụng này để quản lý Samsung Gear dễ dàng.
Chỉ có đa dạng hóa các cực tăng trưởng mới giúp Apple thoát khỏi cái bóng của iPhone
Có một thực tế mà Apple đang phải đối mặt, có rất ít các sản phẩm của Apple đủ mạnh để cạnh tranh và thu hút được nhóm khách hàng không dùng iPhone.
Có lẽ ví dụ tốt nhất về việc Apple có thể cạnh tranh mà không cần sự trợ giúp của iPhone là ở thị trường tai nghe. AirPods của Apple chiếm 83% doanh số "tai nghe không dây hoàn toàn", và những chiếc tai nghe đắt tiền mang thương hiệu Beats cũng đem về cho Apple doanh thu không nhỏ. Kết hợp lại, Apple đã trở thành nhà sản xuất tai nghe top đầu thế giới, bên cạnh Sony và Harman.
Trong khi đó, ở những mảng kinh doanh khác, những sản phẩm và dịch vụ không cần đến iPhone để hoạt động, doanh số của chúng đều không như kỳ vọng. Chẳng hạn, dù có sự trợ giúp rất lớn từ lượng người dùng iPhone trung thành và chiến lược tiếp thị thành công tại Mỹ nhưng dịch vụ âm nhạc Apple Music vẫn không thể cạnh tranh được với Spotify.
Trên thị trường loa thông minh, Apple HomePod của hãng cũng thua xa doanh số loa thông minh Amazon Alexa và Google Home. Theo thống kê của hãng phân tích Strategy Analytics, tính riêng trong Q1/2018, doanh số HomePod chỉ đạt 600 ngàn chiếc, thấp hơn cả Alibaba là 700 ngàn chiếc. Nguyên nhân được chỉ ra do giá bán HomePod (349 USD) quá cao so với các đối thủ.
Trên thị trường laptop, doanh số bán MacBook của Apple cũng chẳng khá hơn khi chỉ xếp thứ 5 với 7,9%, xếp sau Asus với khoản 8,4% và cách xa hãng dẫn đầu là HP với 25,3% thị phần.
Còn trên thị trường nội dung video, Apple đã mắc kẹt với mô hình bán và cho thuê lỗi thời, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh streaming đang tăng trưởng chóng mặt.
Apple đang dần thức thời hơn?
Trong năm 2019, Apple đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho một tương lai hậu iPhone. Dự kiến cửa hàng iTunes sẽ có mặt trên dòng smartTV của Samsung trong năm nay. Ngoài ra, nhiều hãng TV khác cũng sẽ bắt đầu hỗ trợ AirPlay và HomeKit, giúp người dùng iPhone có thể truyền phát nội dung trực tuyến lên TV và điều khiển thiết bị nhà thông minh.
Nhưng ngay cả khi hợp tác và đưa dịch vụ, nội dung lên các nền tảng khác, đó cũng chưa phải là cách hay nhất vì Apple không nắm được thế chủ động. Hãng sẽ cần phải trở thành một công ty dịch vụ trước hết, giống như Spotify hay Netflix.
Việc phải từ bỏ sự phụ thuộc vào iPhone chắc chắn sẽ gây ra khó khăn lớn cho Apple. Nhưng đó là đều cần thiết để khiến Apple trở nên tỉnh táo hơn. Bởi nếu mãi u mê cho rằng iPhone là mỏ vàng không đáy thì sẽ có ngày, Apple sẽ phải trả giá đắt vì sự lạc quan quá mức của mình.
Cái bóng khổng lồ của iPhone không thể nào che chở mãi được cho Apple. Do đó, việc phải đối mặt với các đối thủ có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà Apple không có lợi thế sẽ là trải nghiệm quý báu và cần thiết với hãng trước khi tính đến một tương lai hậu iPhone.
Chỉ có điều, Tim Cook và ban lãnh đạo có dám thoát khỏi "cái bóng an toàn" của iPhone để tìm kiếm một thứ gì đó đột phá hơn hay không?