Áp chỉ tiêu xét tuyển sớm dưới 20%: Trường than khó, tuyển sinh sẽ biến động?

Đỗ Hợp, Theo Tiền Phong 14:06 26/11/2024
Chia sẻ

Theo các giáo viên, chuyên gia tuyển sinh, dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT công bố cuối tuần trước nhiều điểm mới về xét tuyển có thể gây ra nhiều rào cản với các trường.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 yêu cầu các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, điểm chuẩn không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ GD&ĐT công bố.

Theo một trưởng phòng tuyển sinh của một trường đại học ở Hà Nội, hầu hết đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm. Trong khi đó, thực tế hàng năm, thí sinh đăng ký thường nộp vào nhiều trường, kể cả những em thuộc diện tuyển thẳng nên có tỷ lệ ảo nhất định.

Nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung. Vô hình chung sẽ gây hỗn loạn, dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt, hoặc tuyển thiếu so với nhu cầu.

Vị đại diện này cho rằng, khi các trường không được gọi trúng tuyển sớm nhiều như trước, điểm chuẩn và tỷ lệ chọi ở các phương thức xét tuyển sớm sẽ cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn. Điều này ảnh hưởng đến cả các trường có thương hiệu cũng như các trường ở top dưới.

Theo thạc sỹ Phạm Thái Sơn, giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường Đại học Công Thương TPHCM: "Bộ GD&ĐT không nên bắt buộc áp cứng 20% chỉ tiêu với xét tuyển sớm mà chỉ nên khuyến khích các trường".

Các trường đại học bây giờ đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ THPT, bằng điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Bây giờ bắt buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm là 20% thì cực kỳ khó cho các trường.

"Nếu có thì chỉ nên khuyến khích các trường đại học. Luật giáo dục đã quy định về tự chủ tuyển sinh mà. Tỷ lệ nhập học ở trường mình là khoảng từ 20% - 30% số lượng trúng tuyển, kể cả xét tuyển bằng học bạ THPT, đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng. Nếu dự đoán sai, tỷ lệ nhập học tăng lên là cũng không được, còn nếu tỷ lệ nhập học lại giảm thì nhà trường cũng chết", ông Sơn nói.

Dự kiến thứ hai khiến nhiều người thắc mắc là yêu cầu điểm trúng tuyển xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ. Điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp được quy đổi về thang chung và thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm này, không phân biệt phương thức.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, điều này đồng nghĩa điểm chuẩn xét theo học bạ, thi đánh giá năng lực hay xét kết hợp chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS...) ở đợt sớm phải bằng hoặc cao hơn điểm dựa vào kết quả thi tốt nghiệp của Bộ.

Ông Sơn cho rằng, không thể phủ nhận quy định này của Bộ Giáo dục là ý tốt hơn cho các trường đại học, nhưng nó có một chút vấn đề.

"Điểm chuẩn cao hơn hoặc bằng với điểm thi tốt nghiệp THPT là điều không thể, do các cách thức có cách đánh giá khác đâu có giống hệt như nhau. Nếu quy đổi thì nó cũng chỉ là 'gượng ép' mà thôi"- ông Sơn nói.

Tuyển sinh sẽ biến động?

Thầy Đinh Đức Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT FPT Bắc Giang cho rằng, theo Dự thảo tuyển sinh 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, việc quy định chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các phương thức tuyển sinh sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh của tất cả các trường, bức tranh tuyển sinh bao gồm phương thức tuyển sinh, điểm chuẩn, kết hợp với sự thay đổi về đề thi tốt nghiệp THPT theo xu hướng mới, sẽ rất biến động.

Thầy Hiền cho rằng, trước hết cần hiểu rằng, đào tạo đại học là đào tạo ngành nghề, theo nhu cầu xã hội, không phải đào tạo đại trà, do đó các trường đại học sẽ phải chọn lựa được những học sinh phù hợp nhất đối với trường mình. Chất lượng học sinh đầu vào tuy rằng không phải là yếu tố duy nhất nhưng lại liên quan rất lớn đến chất lượng sinh viên.

Cũng theo thầy Hiền, việc tuyển sinh là yếu tố sống còn với các trường ĐH, điều này phụ thuộc vào danh tiếng, chất lượng đào tạo, học phí, cơ hội việc làm khi ra trường.

Trong những năm gần đây, việc trăm hoa đua nở các phương thức tuyển sinh dẫn đến gây hoang mang, gây dư luận không tốt trong xã hội, nhiều trường đại học tuyển sinh bất chấp. Các trường đại học sẽ phải tìm mọi cách để tuyển được đủ, đúng với nhu cầu. Việc này vừa mang tính thị trường, nhưng lại cần sự điều tiết từ Bộ GD&ĐT.

"Tuy nhiên đã mang yếu tố thị trường thì sẽ có sự phân cấp, do đó quy định về tỉ lệ tuyển sinh bằng phương thức sớm là điều cần thiết nhưng quy định cứng 20% với tất cả các trường cần xem xét và cần linh hoạt, hài hòa hơn dựa vào bảng xếp hạng các trường đại học, tùy khối ngành và cần có sự công bằng giữa khối công lập và tư thục, đảm bảo công bằng và đáp ứng đúng nhu cầu xã hội", thầy Hiền chia sẻ.

Với các trường top trên, thầy Hiền cho rằng: "Bản chất họ không thiếu nguồn đầu vào, vấn đề là làm sao họ tuyển được thí sinh phù hợp thì việc tổ chức các kì thi riêng, đáp ứng tiêu chí của trường là điều cần thiết, điều cần thiết ở đây là Bộ Giáo dục cần có động thái rõ ràng với các trường tổ chức thi tuyển riêng, để làm sao đảm bảo được sự công bằng, tránh lợi ích nhóm, gây tốn kém, lãng phí trong xã hội".

"Với các trường top dưới, hiện nay hầu hết các trường tuyển bằng học bạ, việc quy định cứng dưới 20% xét tuyển sớm, buộc các trường sẽ phải quay lại dùng điểm thi tốt nghiệp THPT đến 80%, và với việc chúng ta đã bỏ điểm sàn đại học thì nguy cơ 10 điểm 3 môn cũng vào đại học ở ngay trước mắt, vậy thì chất lượng sinh viên có thực sự được đảm bảo?", thầy Hiền nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày