"Ba giờ sáng, nghe tiếng khóc của trẻ con vang vọng ngoài cửa chùa, tôi chột dạ vội ra ngoài xem thì y như những lần trước, một đứa bé kháu khỉnh mở mắt tròn xoe nhìn chằm chằm vào tôi từ bên trong lớp vải quấn mỏng manh, vậy là tôi lại được làm cha", thầy Thích Thiện Chiếu kể về xuất thân của những đứa trẻ trong mái ấm tình thương ở chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Những đứa trẻ thiếu đi tình thương của cha, mẹ ruột may mắn được chùa nuôi dưỡng từ nhỏ.
Thầy Thích Thiện Chiếu tới thăm, các em nhỏ liền lao vào đòi bú, một hình ảnh để lại nhiều cảm xúc cho những người mới thấy lần đầu.
Những ánh mắt thánh thiện của các em nhỏ mỗi khi có người lạ tới thăm.
Bước vào cổng chùa, tiếng cười nói, nô đùa, đôi khi là những tiếng khóc thất thanh của trẻ em vang lên khiến người lạ tò mò. Nhưng với người đã thân quen, ai cũng biết đó chính là mái ấm của những đứa trẻ bị bỏ rơi và được các thầy tại chùa Kỳ Quang II nuôi dưỡng nhiều năm nay.
Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II cho biết, từ năm 1994, chùa đã bắt đầu nhận nuôi các bé, đến nay chùa đã có duyên nuôi dưỡng 232 trẻ, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi, lớn nhất gần 30.
Trong số đó, hơn một nửa là các em nhỏ khi sinh ra đã không lành lặn, có đứa bị bại não, đứa thì bị down, chậm phát trển, nhiều em khuyết tật từ khi mới lọt lòng mẹ.
Những đứa trẻ thiếu may mắn khi sinh ra đã mang trong mình bệnh down, chậm phát triển được chăm sóc ở một phòng riêng.
Trụ trì Thích Thiện Chiếu cùng bé Ngọc Kiều Mỹ bị khuyết tật, từ khi sinh ra đã không có đôi bàn tay lành lặn.
Phòng của các em từ 1-3 tuổi phải chắn song sắt ngoài cửa để các em không thể đi ra ngoài.
Phía sau chùa, một hành lang nhỏ bên chính điện dẫn vào dãy nhà 3 lầu là nơi trú ngụ của các em. 232 em được chia ra ở nhiều phòng và nhiều khu vực được phân chia theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe khác nhau.
Những số phận có nhân duyên nơi cửa Phật
Thầy Thích Thiện Chiếu cho hay, có khi 2-3h sáng lại giật mình vì nghe tiếng trẻ nhỏ khóc trước cửa chùa, có khi trong chánh điện, lúc thì ở nhà xe, hoặc ngay cửa phòng của các thầy.
"Không phải những người mẹ đã vứt bỏ con mình, mà thầy nghĩ đó là nhân duyên. Thầy rất tôn trọng tấm lòng của những người mẹ đó, vì họ biết rằng ngoài kia họ không thể đủ khả năng nuôi những đứa trẻ này lớn khôn nên mới đưa tới chùa để con mình tiếp tục được sống. Vậy nên những đứa trẻ ở đây thầy luôn coi như con mình", thầy Thích Thiện Chiếu chia sẻ.
Hai anh em Thiện (3 tuổi) và Tri Ân (2 tuổi) đang đùa nghịch nhau.
Những số phận đáng thương có duyên với cửa Phật được thầy Chiếu xem như con mình.
Bé Hoa Đào (2 tuổi) được trụ trì nhặt được trước hiên chùa lúc mới vài ngày tuổi.
Sư trụ trì nhớ lại, có lần đi ra khuôn viên chùa sáng sớm thì thấy một đống vải bên hiên chánh điện, lại mở ra xem thì bất ngờ khi thấy bên trong có một cặp mắt to tròn nhìn chằm chằm mình, hóa ra đó là một bé gái sơ sinh, có lẽ mới vài ngày tuổi.
"Cảm giác đó vui đến lạ, như một người cha có thêm một đứa con vậy. Nhìn vẻ mặt con trong trẻo, thánh thiện nên đặt tên là Hoa Đào, cứ như vậy rồi bế con vào nuôi dưỡng thôi, mới đó mà giờ con đã 2 tuổi rồi", thầy Chiếu vui vẻ nói.
Hàng ngày, các em được các cô bảo mẫu là các phật tử ở bên ngoài vào chăm sóc từ việc ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ. Nhiều tình nguyện viên người nước ngoài cũng thường xuyên tới để giúp các em khuyết tật và bị down tập vật lý trị liệu, chơi đùa cùng các em.
Những đứa trẻ hồn nhiên nằm vào áo cà sa của thầy rồi chơi đùa.
Trò chơi "thuyền áo cà sa" của thầy trụ trì khiến các em nhỏ thích thú.
Thầy Chiếu phát kẹo cho các con.
Những đứa trẻ ở đây rất thích kẹo và chơi trò chơi, mỗi ngày sư trụ trì đều chơi cùng các con vài lần, mỗi lần đi phải mang theo một túi kẹo để phát cho các con.
Mỗi khi vào phòng thăm các con, sư trụ trì đều thả vạt áo cà sa và buộc chặt sau lưng, kéo vạt áo phía trước rộng ra để tạo thành con thuyền lớn, gần chục đứa trẻ lao vào lăn lốc, ngồi lên "thuyền" chờ được kéo đi. Thầy Chiếu vừa kéo, vừa hát, rồi lại đọc thơ, các em thì vỗ tay, miệng cười nức nở.
Nụ cười ngây dại và những ánh mắt cầu cứu
Ngay bên cạnh phòng trẻ sơ sinh là căn phòng rộng nhất, cũng là nơi khiến nhiều người đọng lại cảm xúc nhất khi tới thăm. Đây là nơi dành riêng cho các em bị bệnh tâm thần, bệnh down và chậm phát triển.
Ánh mắt cầu cứu của một đứa trẻ bị bại não.
Mỗi ngày thầy Chiếu đều tới chơi với các con vài lần.
Ánh mắt vô định nhìn vào khoảng không của một em bé bị khuyết tật.
Căn phòng lúc nào cũng ồn ào hơn, trên những chiếc xe lăn, đôi khi là những nụ cười ngây dại của những đứa trẻ bị down, nhưng có lúc là những tiếng khóc nghẹn, la hét, giẫy giụa mà không cần lý do nào cả, số khác thì nằm vật vờ dưới sàn với những ánh mắt cầu cứu khiến ai thấy cũng xót xa.
Ngay bên trong là giường của em Trần Lê Thanh Phong, từ khi sinh ra em đã mắc bệnh bại não, trở thành một đứa trẻ vô tri, bất động nhiều năm qua. Nằm trên giường, đôi tay yếu ớt của em như bị co rút lại, ánh mắt em chỉ nhìn chầm vào khoảng không vô định trước mặt một cách vô thức như đang muốn nói điều gì đó.
Với các thầy ở đây, việc những đứa trẻ đau ốm được chở đi viện ngay trong đêm khuya diễn ra như cơm bữa và quá đỗi quen thuộc.
Hình ảnh dễ thương diễn ra hàng ngày tại chùa.
Bé Trần Lê Thanh Phong (3 tuổi) bị bại não, nằm một chỗ từ khi sinh ra.
Những đứa trẻ kém may mắn.
Nụ cười ngây dại của một em bé bị down.
Cảm ơn người cha già của 232 đứa trẻ.
Cũng đã 25 năm kể từ ngày những đứa trẻ đầu tiên có duyên với chùa, biết bao tấm lòng hảo tâm, từ những phật tử gần chùa thường xuyên tới chăm lo cho các em, đến những Việt kiều cách xa hàng nghìn km cũng thường xuyên tới giúp đỡ.
Trong số hàng nghìn người đó, đôi khi người ta vô tình bắt gặp những ánh mắt, những nụ cười lén lút từ xa của một người phụ nữ lạ mặt, một cô gái tuổi đôi mươi dành cho một đứa trẻ nào đó rồi họ nhanh lau nước mắt, dấu đi nụ cười của mình và vội vã bước đi.