Anh designer sử dụng AI để tái tạo và phục chế hình ảnh các vị hoàng đế La Mã cổ đại 1 cách siêu chân thực

DG, Theo Pháp luật và bạn đọc 23:31 26/08/2020

Chỉ sau khoảng 3 tuần, các tác phẩm phục chế chân dung những vị hoàng đế La Mã của designer này đã lập tức "cháy hàng" vì sự kỳ công và chất lượng quá tốt.

Machine learning là 1 công cụ tuyệt vời trong việc phục chế các tác phẩm, hình ảnh và video xưa cũ. Công nghệ này, nếu được sử dụng đúng cách, thậm chí có thể tái tạo lại hình ảnh của các vị hoàng đế La Mã cổ đại một cách siêu chân thực.

Đây thực chất là dự án cá nhân của designer Daniel Voshart, được thực hiện trong thời gian cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19. Từng là 1 chuyên gia trong lĩnh vực VR trước khi phải ngừng toàn bộ công việc của mình lại vì ảnh hưởng của dịch bệnh, Daniel đã quyết định tìm hiểu 1 lĩnh vực mới: tái tạo và phục chế màu cho ảnh chụp các bức tượng cổ đại. Anh đã lựa chọn những bức tượng hoàng đế La Mã để mở màn cho dự án của mình, và đã thực hiện tổng cộng 54 sản phẩm tính đến tháng 7 vừa qua.

Anh designer sử dụng AI để tái tạo và phục chế hình ảnh các vị hoàng đế La Mã cổ đại 1 cách siêu chân thực - Ảnh 1.

Khoảng thời gian cách ly tại nhà hóa ra lại là 1 cơ hội tốt để Daniel tạo ra 1 dự án siêu ấn tượng như thế này.

Chia sẻ với The Verge, Daniel cho biết ban đầu anh dự tính sẽ thực hiện khoảng 300 mẫu ảnh khác nhau, với hy vọng có thể bán hết trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 tuần, sản phẩm kì công của chàng designer tài ba này đã cháy hàng, khiến anh bỗng nổi như cồn trên Internet. Daniel chia sẻ: “Tôi biết lịch sử La Mã cực kì hấp dẫn và nổi tiếng, sở hữu 1 lượng fan hâm mộ cũng như người quan tâm đông đảo. Tuy nhiên, chứng kiến tốc độ đặt mua sản phẩm của tôi, chính tôi cũng phải bất ngờ vì nó lại có sức hút khủng khiếp đến vậy”.

Để tạo ra những tác phẩm chân dung của mình, Daniel đã sử dụng kết hợp rất nhiều phần mềm cũng như mã nguồn khác nhau. Công cụ chính của anh là 1 chương trình online có tên ArtBreeder, sử dụng 1 phương pháp machine learning chuyên biệt được biết đến với tên gọi Generative Adversarial Network (GAN) để dễ dàng can thiệp vào những tác phẩm chân dung, phong cảnh. Trên trang chủ của ArtBreeder cũng cung cấp rất nhiều khuôn mặt mẫu theo phong cách khác nhau. Người dùng có thể tự mình điều chỉnh (bằng hệ thống thanh trượt) để thay đổi từng chi tiết trên những khuôn mặt đó, giống như trong các tựa game mô phỏng hay nhập vai vậy.

Anh designer sử dụng AI để tái tạo và phục chế hình ảnh các vị hoàng đế La Mã cổ đại 1 cách siêu chân thực - Ảnh 2.

Daniel đã phải nghiên cứu rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau cho mỗi dự án của mình.

Daniel đã “nạp” cho ArtBreeder cơ sở dữ liệu bao gồm hình cảnh của các vị hoàng đế cổ đại mà anh thu thập từ tượng, đồng xu, tranh vẽ, Sau đó, anh tự mình điều chỉnh hệ thống thanh trượt nêu trên 1 cách thủ công dựa vào những ghi chép của sử sách. Anh cho biết: “Quy trình làm việc thông thường của tôi bao gồm chỉnh sửa trong photoshop rồi chuyển sang ArtBreeder để tiếp tục chỉnh sửa, rồi lại đưa về photoshop, và cứ thế lặp lại. Điều này sẽ giúp sản phẩm cuối cùng của tôi trở nên chân thực như ảnh chụp, và tránh phải trường hợp làm không đến nơi đến chốn”.

Daniel cũng cho biết mục tiêu của anh không chỉ đơn thuần là sao chép lại từ mẫu vật, mà phải tạo ra những bức chân dung có hồn, có thần thái thuyết phục nhất. Vì vậy, anh thường dành trọn 1 ngày chỉ để xử lý 1 tác phẩm duy nhất.

Để giúp quá trình phục chế diễn ra dễ dàng hơn, đôi khi Daniel cũng sử dụng cả hình ảnh của người nổi tiếng làm cơ sở dữ liệu cho GAN nhằm tối đa hóa mức độ chân thực của sản phẩm. Ví dụ, anh đã dùng ảnh của Daniel Craig khi đang hoàn thiện bức chân dung Augustus; hay sử dụng hình ảnh đô vật André the Giant cho Maximius Thrax.

Anh designer sử dụng AI để tái tạo và phục chế hình ảnh các vị hoàng đế La Mã cổ đại 1 cách siêu chân thực - Ảnh 3.

Daniel thậm chí còn sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng để làm dữ liệu khuôn mặt cho các hoàng đế La Mã cổ đại.

Thú vị hơn nữa, Daniel cho biết anh không thực sự quá hứng thú với lịch sử La Mã cổ đại khi bắt tay vào thực hiện dự án này. Tuy nhiên, càng tìm kiếm tư liệu để phục vụ cho quá trình tạo hình chân dung các vị hoàng đế, anh lại càng tỏ ra thích thú. Trước đây, anh chưa từng nghĩ đến việc sẽ đi du lịch tại Rome vì cho rằng đó chỉ là 1 nơi nhạt nhẽo, “có tiếng mà không có miếng”. Nhưng giờ đây, Daniel lại thực sự muốn ghé thăm 1 số bảo tàng tại đó.

Bên cạnh đó, dự án của Daniel cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá tích cực và cho rằng những bức chân dung hoàng đế do anh tạo ra rất chân thực và có chiều sâu. Daniel chia sẻ rằng anh đã liên tục liên lạc với 1 nhóm các giáo sư, tiến sĩ lịch sử để lấy thêm tư liệu về 1 số nhân vật nhất định. Trong đó, màu da là 1 trong những vấn đề khiến anh đau đầu nhất, cũng như vấp phải nhiều tranh cãi từ các giáo sư nhất.

Để cảm ơn những người đã hết lòng giúp đỡ mình, Daniel đã sử dụng hình ảnh của 1 trợ lý giáo sư tại USC, người sở hữu 1 vài nét ngoại hình giống như hoàng đế Numerian. Và biết đâu đấy, bức chân dung này có thể sẽ là 1 nguồn tài liệu quý giá dành cho giới họa sĩ, những nhà nghiên cứu lịch sử trong nhiều năm tới.

Theo TheVerge