Việc Trung Quốc dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế khiến hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp phải tìm địa điểm mới, tạo ra cơ hội kinh doanh cho hàng loạt những nước láng giềng. Trong khi một số nước như Bangladesh, Philippines hay Indonesia vẫn đang loay hoay tìm cách đón đầu làn sóng này thì Ấn Độ, quốc gia với 1,3 tỷ dân đã có chiến lược từ năm 2014.
Vào tháng 9/2014, chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng kế hoạch "Make in India" (không phải "Made in India") để chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Cụ thể, kế hoạch này nhắm tới thu hút đầu tư cho các cơ sở hạ tầng, sản xuất, thúc đẩy cải cách, tăng cường kỹ năng của người lao động, bảo vệ bản quyền trí tuệ cũng như xây dựng một hệ thống hoàn thiện cho ngành sản xuất.
Mục tiêu chính của kế hoạch là thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới cũng như đẩy mạnh ngành sản xuất Ấn Độ.
Dự án này được điều phối bởi Bộ Công thương Ấn Độ. "Make in India" bao trùm 25 lĩnh vực kinh tế Ân Độ, cho phép FDI tới 100% ở 22 lĩnh vực, chỉ ngoại trừ công nghiệp không gian vũ trụ (giới hạn FDI 74%), công nghiệp quốc phòng (49%), và truyền thông - media of India (26%).
Ngay sau khi kế hoạch được triển khai, Ấn Độ đã nhận được 230 tỷ USD cam kết đầu tư trong khoảng 2014-2016. Như một kết quả tất yếu vào năm 2015, Ấn Độ trở thành điểm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới với 60,1 tỷ USD, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc. Bước sang niên khóa 2016-2017, quốc gia này vẫn nhận được 60 tỷ USD FDI.
Cùng với nhiều chương trình thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất khác, tính đến cuối năm 2017 Ấn Độ đã tăng 42 bậc trong bảng xếp hạng môi trường làm ăn thuận lợi (Easing of doing Business Index), tăng 32 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới (GCI của WEF), tăng 19 bậc trong bảng xếp hạng về hậu cần Logistics (LPI).
Nếu tính trong khoảng 2016-2018, Ấn Độ đã nhảy 100 bậc trong bảng xếp hạng 190 nước về môi trường kinh doanh thuận lợi của Ngân hàng thế giới (World Bank).
Ngành sản xuất của Ấn Độ hiện chỉ đóng góp 15% vào tổng GDP cả nước và "Make in India" được xây dựng nhằm đưa con số này lên 25%. Theo nhiều dự báo, ngành sản xuất Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đóng góp 1 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2025.
Để đạt được thành tích như vậy, ngoài định hướng từ sớm của chính phủ Ấn Độ thì cả nước họ thật sự hành động chứ không phải chỉ hô hào, hô khẩu hiệu, nói suông. Cả nước cùng vào trận.
Hàng loạt các bang tại Ấn Độ đã thực hiện những dự án thu hút vốn đầu tư của riêng mình ngoài kế hoạch "Make in India" của chính phủ. Ví dụ như "Make in Odisha", "Happening Haryana", "Magnetic Maharashtra"…
Nói một cách đơn giản, toàn thể cơ quan, ban ngành, từ trung ương xuống địa phương của Ấn Độ đều nghiêm túc thi hành kế hoạch thu hút vốn đầu tư và cải cách kinh doanh. Chính điều này đã giúp kinh tế Ấn Độ tăng trưởng thần tốc chứ không phải chỉ là hô hào khẩu hiệu thành tích như nhiều kế hoạch cải cách ở các thị trường khác.
Trên thực tế, Ấn Độ đưa ra được một bản kế hoạch sớm như vậy bởi nền kinh tế này đã trở thành đối thủ với Trung Quốc từ rất sớm. Với sự tương đồng về dân số, cơ sở hạ tầng, trong khi Trung Quốc bùng nổ thì Ấn Độ luôn bị lép vế ở một số khía cạnh. Bởi vậy, kế hoạch "Make in India" ban đầu nhắm đến đối thủ Trung Quốc trong mảng sản xuất.
Trớ trêu thay, việc Trung Quốc dịch chuyển cơ cấu lại vô hình chung khiến Ấn Độ được hưởng lợi lớn khi đã chuẩn bị từ sớm việc đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài.
Về phía Trung Quốc, họ cũng có kế hoạch "Made in China 2025" của mình khi nhắm đến phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất, tập trung vào công nghệ cao, dịch vụ và những mảng sản xuất có giá trị lớn.
Rõ ràng, việc hoạch định một chiến lược toàn diện cho thu hút đầu tư là vô cùng quan trọng đối với một nền kinh tế. Quan trọng hơn, việc chung tay cả nước hoàn thành kế hoạch này mới có thể đem lại thành công rực rỡ chứ không để nó chết yểu như một khẩu hiệu suông.
Tuy nhiên, câu chuyện tập trung sản xuất đã quá xưa cũ. Việc tận dụng lao động giá rẻ và phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ thấp không còn là mục tiêu chính của Ấn Độ, thay vào đó chạy đua cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV mới là đích đến hiện nay.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 3 tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ là Apple, Microsoft, Amazon hiện tương đương với tổng GDP của toàn Ấn Độ. Ngay cả hãng thương mại điện tử Alibaba tại Trung Quốc cũng có tổng mức vốn hóa thị trường bằng 20% tổng GDP của Ấn Độ. Trong khi đó, quốc gia có nhiều kỹ sư công nghệ thứ 2 thế giới này lại gần như không được nhận diện mấy về mặt thương hiệu công nghệ thông tin.
Rõ ràng, để trở thành 1 trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 5 năm tới cạnh Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ sẽ phải phát triển công nghệ. Con đường tận dụng lao động giá rẻ để xuất khẩu không khả thi để vươn lên làm giàu, bởi vậy nước này phải chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung vào dịch vụ và tiêu thụ sang cách mạng công nghệ và kỹ thuật.
Tấm gương rõ ràng nhất cho mô hình này là Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi Mỹ luôn đầu tư lớn cho nghiên cứu và sáng tạo thì Trung Quốc mới tập trung đầu tư mạnh theo mô hình này từ 10 năm trở lại đây, đồng thời thu hoạch được nhiều thành quả. Hiện Trung Quốc đang đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng sáng tạo quốc tế (GII), trong khi Ấn Độ chỉ đứng thứ 57. Tỷ lệ sở hữu bằng sáng chế của Trung Quốc là 21% trong khi của Ấn Độ chỉ chưa đến 1%.
Hàng năm, Trung Quốc chi tới 2% GDP cho nghiên cứu và có 1.113 chuyên gia nghiên cứu trên mỗi 1 triệu người. Trong khi đó Ấn Độ chỉ dùng 0,7% GDP và chỉ có 218 chuyên viên khoa học trên mỗi 1 triệu người.
Tại Mỹ và Trung Quốc, chính phủ chỉ chiếm 30% tổng chi tiêu cho nghiên cứu khoa học thì con số này là 75% ở Ấn Độ.
Rõ ràng, Ấn Độ còn dư địa rất lớn trong vấn đề phát triển công nghệ. Với tiềm lực lớn và những ví dụ rõ ràng từ Trung Quốc, đất nước đông dân thứ 2 này sẽ có nhiều cơ hội để chạy đua trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV.
Nhận thức được tình hình, năm 2016 Ấn Độ đã phát triển chương trình Atal Innovation Mission, tập trung giúp đỡ những chương trình startup và phổ biến văn hóa sáng tạo ở các trường học với những dụng cụ học tập công nghệ cao. Nhờ đó, Ấn Độ đã thăng hạng trong GII từ 81 năm 2015 lên 57 năm 2018.
Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chỉ đạo thành lập quỹ nghiên cứu và phát triển sáng tạo công nghệ công nghiệp (IITIF) vào năm 2018 với tổng số vốn 40 tỷ USD hợp tác với Israel. Ấn Độ cũng đăng cai tổ chức Hội thảo nhà khởi nghiệp toàn cầu (GES) năm 2018 nhằm cho thấy mức độ quan tâm của chính phủ với startup.
Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tiếp tục có những khoản đầu tư lớn nhằm gia tăng chất lượng công nghệ cũng như hướng đến xây dựng 1 nền kinh tế kỹ thuật cao như Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi hiện nay.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…