3 lý do vì sao không bao giờ nên cho mượn tai nghe: Nguyên nhân cuối nghe là sởn da gà!

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 08:06 07/05/2019
Chia sẻ

Tai nghe không phải chuyện để đùa, nhất là khi chúng ta chưa biết rõ thói quen cá nhân của người khác ra sao.

Nhiều người từng nói tai nghe có thể được coi như một chiếc bàn chải đánh răng của riêng mỗi người vậy, gần như không bao giờ đem cho người khác mượn cả. Dĩ nhiên, cũng vẫn có những ý kiến trái chiều được đưa ra, cho rằng đó chẳng có gì là tai hại. Thế nhưng, nếu đã xem qua series 10 hình ảnh kinh khủng về thực trạng cho người ở bẩn mượn tai nghe này, dám cá chắc rằng ngay cả những tinh thần sắt đá nhất cũng sẽ bị lung lay mà nghĩ lại đôi phần.

3 lý do vì sao không bao giờ nên cho mượn tai nghe: Nguyên nhân cuối nghe là sởn da gà! - Ảnh 1.

Vừa mở hộp ra đã trông thế này thì chắc... thôi nhỉ?

Trong trường hợp bạn bè chúng ta không có ai ở bẩn, hoặc chí ít thì... chưa chắc họ có ở bẩn mà thể hiện ra hay không, vẫn có nhiều nguyên nhân khiến cho các chuyên gia không hề ủng hộ việc mượn hoặc đem cho mượn tai nghe với ai khác. Dưới đây là 3 lý do đặc trưng nhất, đảm bảo biết xong bạn sẽ nổi da gà cũng nên.

1. Ve tai

Ve tai là từ chung để chỉ các loài động vật nhỏ bé ký sinh bên trong môi trường tai của vật chủ. Chúng thường xuất hiện ở các loài vật nuôi như chó, mèo... là nhiều hơn, nhưng cũng không ngoài khả năng lây sang con người, đặc biệt là người chủ nuôi của các "boss" đó. 

3 lý do vì sao không bao giờ nên cho mượn tai nghe: Nguyên nhân cuối nghe là sởn da gà! - Ảnh 2.

Ảnh phóng to hoàn chỉnh của ve tai.

Kể cả khi không có vật nuôi trong nhà, xác suất nhiễm ve tai từ một nguồn nào đó khác (vật nuôi của nhà họ hàng, hàng xóm...) cũng hoàn toàn khả thi. Với kích cỡ của ve tai hoặc trứng của ve tai, việc chúng vô tình bám dính lấy phần rìa trong của tai nghe và lây sang bạn cũng chẳng có gì khó hiểu. Những hậu quả có thể xảy ra khi nhiễm ve tai là ngứa, khó chịu, nặng hơn là viêm tai và nếu không chữa trị kịp thời có thể bị điếc, mất khả năng nhận biết thính giác.

2. Nấm tai

Khác với ve tai, nấm tai là một bệnh lý tai mũi họng rất phổ biến ở mọi lứa tuổi. Môi trường trong tai bị ẩm ướt lâu dài do cơ địa hoặc các yếu tố khí hậu, thời tiết... là những lý do dễ gặp nhất để gây nấm tai. Tại Việt Nam, đặc trưng nóng ẩm là một điều kiện thuận lợi để nấm phát triển, càng cần lưu ý và phòng ngừa vệ sinh nhiều hơn.

3 lý do vì sao không bao giờ nên cho mượn tai nghe: Nguyên nhân cuối nghe là sởn da gà! - Ảnh 3.

Việc lây nấm qua các dụng cụ dùng chung qua tai như tăm bông, que lấy ráy tai cũng đã được khuyến cáo từ lâu. Do đó, tai nghe cũng không phải một ngoại lệ, dễ dàng trở thành một nguồn cơn khó chịu khi phải mất công sức và thời gian điều trị, chưa kể tới việc khó phát hiện sớm vì dễ bị nhầm với các cơn ngứa tai thông thường.

3. Vi khuẩn, virus gây bệnh

Cũng giống như nhiều vị trí khác trên cơ thể con người, môi trường bên trong tai là tổng hợp của rất nhiều các loài vi khuẩn. Thậm chí, chẳng cần tới tất cả khoảng trống trong đó, ngay trên một mẩu ráy tai bé xíu cũng là nhà của hàng tá thứ không kể tên được rồi.

Tai nghe, đặc biệt là các loại earbud có mút cao su chặn tai nhằm cách âm tốt hơn, sẽ khiến cho cửa tai bị bít lại. Đường lưu thông khí sẽ không còn trong một khoảng thời gian tạm thời, nếu quá lâu và thường xuyên sẽ khiến nhiệt độ cũng như độ ẩm trong tai tăng lên, càng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Ngay cả việc nhét tai nghe vào tai cũng là hành động "tiêm nhiễm" thêm vi khuẩn rồi, vì ai mà rõ trước đó chủ nhân của chiếc tai nghe đã quăng quật nó ở những nơi nào. Không cần biết người mượn tai nghe ở sạch hay mất vệ sinh, hãy hiểu rằng khi cho mượn tai nghe, cả 2 đều đã chia sẻ hệ sinh thái vi khuẩn trong tai lẫn nhau, hại cả đôi đường.

3 lý do vì sao không bao giờ nên cho mượn tai nghe: Nguyên nhân cuối nghe là sởn da gà! - Ảnh 4.

Các loại tai nghe earbud có mút cao su sẽ đáng ngại nhất.

"Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi đeo tai nghe thường xuyên, số lượng vi khuẩn trung bình có mặt trong tai sẽ tăng nhiều gấp 11 lần," tiến sĩ Kelly Reynolds chuyên nghiên cứu về sức khỏe và môi trường tại Đại học Arizona cho biết. "Khi bạn cho mượn tai nghe, điều đó không khác gì việc trao đổi qua lại số vi khuẩn có sẵn trong tai nhau."

Rõ ràng, nếu cảm thấy không thể tránh né việc mượn hoặc cho mượn tai nghe, việc vệ sinh chúng trước và sau khi sử dụng là điều cực kỳ cần thiết. Dung dịch vệ sinh hoặc cồn là những thứ nên dùng, có thể tẩm vào giấy mềm và lau qua để diệt khuẩn. Còn không, cứ việc trở nên cứng đầu một chút, hạn chế cho mượn tai nghe là tốt nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày