Người Phương Tây tin rằng, vạn vật trên đời được tạo thành từ bốn nguyên tố chính, ấy là “Đất - Nước - Lửa - Khí”. Những fan cứng của Robert Langdon, hay nói chính xác hơn là nhà văn gạo cội Dan Brown có lẽ đã không còn quá xa lạ gì với lý thuyết này, và ngay cả trong các tác phẩm của Dan, việc nhân loại sùng bái bộ tứ nguyên tố cơ bản này đã không còn là điều quá xa lạ. Đài phun nước tuyệt đẹp, những bức tượng hoàn mỹ, điện thờ và nhà nguyện - văn hóa cổ đại hết lần này tới lần khác chọn vinh danh Đất - Nước - Lửa - Khí, và cho tới tận thời điểm hiện tại, họ vẫn đang cần mẫn làm việc này dưới danh xưng khoa học - dạng thức hiện đại của tôn giáo.
Tinker Hatfield và thiết kế lịch sử “Air Max 1”
Và, thế kỷ 20 đã chứng kiến một sự kiện lạ thường, một “tiểu tiết” công nghệ nhỏ tạo thành một “giáo phái” làm đắm say hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Đó là vào năm 1987, khi giấc mơ Mỹ lần đầu thành hình: Chiến tranh Lạnh tuy còn dai dẳng, nhưng các cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ đã thành công, và xứ Cờ Hoa đang mở rộng hết cỡ vòng tay của mình để đón nhận những nhân tài chói lọi trên toàn thế giới. Tháng Ba năm ấy, một góc nhỏ của lịch sử nhân loại - nhưng lại là một mảnh vinh quang của nền văn hóa sneaker đã chính thức ra đời, dưới bàn tay của “vị kỹ sư thiên tài” mang tên: Tinker Hatfield - kẻ vinh danh “Nguyên tố Khí” tại NIKE.
Nhưng trước hết, hãy vặn kim đồng hồ về khoảng một thập kỷ trước, khi cựu kỹ sư hàng không vũ trụ Marion Franklin Rudy lần đầu trình bày ý tưởng với ngài Phil Knight về “Airbags” (túi khí, hay bộ đệm khí cho giày) vào năm 1977. Ý tưởng này thực sự rất đơn giản: Thay vì tập trung vào nâng cấp đế giày, bạn sẽ khoét rỗng nó và đặt vào trong một túi khí nhỏ để giảm bớt tác động qua lại giữa mỗi lần bàn chân chạm đất. Ý tưởng này nhanh chóng được Phil Knight đánh giá cao, với thành quả là mẫu thử mang tên Nike Tailwind Runner nhanh chóng được ra mắt trong năm 1978.
Tailwind Runner - đôi giày đầu tiên được tích hợp bộ đế có đệm khí từ NIKE
Là một thương hiệu thể thao, mọi thành công cho các mẫu giày của NIKE đều được đánh giá dưới cơ sở khoa học thực tiễn. Cho tới giữa những năm 80, thế giới đã không thể làm ngơ khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Tennessee đưa ra kết luận rằng quả thực, các vận động viên đã tiêu tốn ít năng lượng hơn khi chạy bộ với mẫu NIKE Tailwind so với các mẫu giày chạy thông thường khác.
Nhưng, có nằm mơ đi nữa thì các ông lớn tại NIKE cũng sẽ không thể tưởng tượng được rằng, ứng dụng về công nghệ “Airmax” sẽ vĩnh viễn thay đổi vị thế của thương hiệu khổng lồ này mãi mãi về sau...
Nếu Marion Franklin Rudy là người đưa ra ý tưởng về công nghệ Airmax, thì chính Tinker Hatfield là người đã khiến nó thăng hoa. Ngày nay, dưới sức ảnh hưởng của văn hóa Air Jordan, người ta thường nhớ tới Tinker Hatfield qua các thiết kế huyền thoại như Air Jordan 3, Air Jordan 6 hay Air Jordan 11, nhưng không một đầu giày nào dám cả gan phủ nhận tính lịch sử của Air Max 1 - vốn cũng là thiết kế đầu tiên đưa danh tiếng của ngài Tinker đến với thế giới.
Bản phác thảo thiết kế Air Max 1 của Tinker Hatfield
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Tinker Hatfield là “Kiến trúc sư” của NIKE, bởi nghề nghiệp gốc của ông vốn cũng là kiến trúc sư. Tinker đến với NIKE vào năm 1981 với vai trò thiết kế văn phòng và cửa hàng, nhưng chỉ 4 năm sau đó đã chuyển sang hạng mục thiết kế sneaker khi nhận ra những kỹ năng của mình có thể được áp dụng với giày.
Vào khoảng thời gian giữa những năm 80, Tinker bắt đầu nhận ra các vận động viên tại phòng gym của mình tại Oregon đang phải mang theo quá nhiều loại giày cho mỗi mục đích thể thao ở thời điểm ấy: Giày riêng cho bóng rổ, giày riêng cho cử tạ, chạy bộ và cả thể dục nhịp điệu. Từ đó, Tinker Hatfield nung nấu ý tưởng tạo ra một đôi giày phù hợp cho tất cả, và công nghệ “Airmax” đã là điểm dừng chân đầu tiên của vị công thần nhà NIKE này.
Năm 1987, dòng sản phẩm NIKE Air Max chính thức được ra đời, với sản phẩm đầu tiên là NIKE Air Max 1.
Lật ngược lại thành công của Tailwind: NIKE đã nhận ra sức mạnh của “Air bags”, nhưng (điểm sáng giá của doanh nghiệp này chính là) sự cầu toàn và luôn hướng về phía trước đã thôi thúc họ cải tiến công nghệ này sao cho “nhẹ hơn và hiệu quả hơn”. “Air bags” ở thời điểm đó là con dao hai lưỡi: Túi khí êm ái ấy lại khiến cho phần đế của đôi giày (vốn không còn là một thể thống nhất cứng cáp) nhanh chóng bị rạn nứt và hủy hoại hoàn toàn sau một khoảng thời gian hoạt động với cường độ cao.
Varsity Red và Varsity Blue là hai phối màu đầu tiên của dòng Air Max 1, cũng đồng thời là hai phiên bản OG nổi tiếng nhất
Mong muốn của NIKE khi cải tiến công nghệ này chính là “đặt được túi khí càng lớn càng tốt vào giày”, bởi nếu làm được như vậy, đôi giày sẽ vừa êm ái hơn, lại nhẹ nhàng hơn người tiền nhiệm Tailwind. Nhưng túi khí to hơn, đồng nghĩa với đế giày sẽ không thể bọc được chúng lại, và kể cả nếu có bọc được thì dấu hiệu rạn nứt đế sẽ đến rất nhanh - như những gì đã đề cập ở trên.
Đế giày Tailwind bị nứt vỡ sau một thời gian sử dụng do tính không đồng bộ chất liệu “túi khí - cao su”
Và giữa lúc ấy, Tinker Hatfield đã có bước đi đột phá đầu tiên: Thay vì cố gắng bọc kín túi khí lại, tại sao không để mở nó, và cho người sử dụng có cơ hội được trực tiếp chứng kiến công nghệ “tối tân” ấy?
Ý tưởng của Tinker Hatfield đến từ một chuyến thăm Paris và dừng chân tại công trình Pompidou Center, với phần khung thép ngoài của tòa nhà bọc quanh các cửa kính thay vì ẩn vào trong tầng tầng lớp lớp bê tông. Sự nổi loạn và tính “phản công trình” ấy đã đánh mạnh vào trí não sáng tạo của Tinker Hatfield, giúp ông cùng người đồng nghiệp Dave Forland cho ra mắt bản thiết kế Air Max 1 với đệm khi được để lộ, giúp cho túi khí đạt được kích cỡ lớn nhất, khả thi nhất có thể.
Pompidou Center - công trình kiến trúc đã gián tiếp thay đổi bộ mặt của thể thao thế giới, hay ít nhất là với các sneakerhead
Upper (phần trên) của đôi giày được làm từ da lộn thay vì da thật truyền thống, phối hợp cùng vải mesh khiến trọng lượng đôi giày cũng được làm nhẹ đi đáng kể trong khi vẫn đảm bảo tính bền bỉ.
(Cần phải biết thêm rằng, ý tưởng để lộ túi khí vốn bắt nguồn từ Dave Forland, nhưng phải tới khi Tinker Hatfield cùng tham gia vào thực hiện, nó mới thực sự thành hình.)
Nhiều người đã bày tỏ lo ngại, rằng khi không được giấu kín trong đế giày cao su, liệu các túi khí có dễ bị “nổ” hay không? Câu trả lời là không. Air Max 1 là một đôi giày bền bỉ tới ngạc nhiên, và chính điều ấy đã làm nên doanh thu khổng lồ của đôi giày này tới tận ngày nay. NIKE hiểu và chấp nhận ngay lập tức ý tưởng táo bạo này và cho phép Tinker Hatfield lặp lại nó trên các phiên bản tiếp theo, từ đó cũng thay đổi luôn cả bộ mặt của công ty - một doanh nghiệp “tới từ tương lai”. Thử tưởng tượng mà xem, trong khi các doanh nghiệp khác dường như vẫn đang loay hoay với “Lửa”, thì NIKE đã lướt phăng phăng tới ngày mai bằng “Khí” rồi.
Và giờ, chúng ta hãy cùng bàn về cái tên “Air Max”. Tại sao lại là “Tối Đa Khí”?
Câu trả lời nằm ở định hướng “tham lam hợp lý” của NIKE, khi họ biết rằng một túi khí đặt ở gót chân không bao giờ là đủ. Tham vọng của NIKE là những túi khí càng to càng tốt, thậm chí có thể bao gọn cả phần đế giày cũng được. Từ trước khi Air Max 1 ra đời, túi khí thô sơ ban đầu trên dòng Tailwind cũng đã dần được cải tiến thành nhiều túi khí mỏng được chia tách bằng khung nhựa, tối ưu hóa khả năng bơm khí và dàn trải áp lực bàn chân ra nhiều điểm thay vì kháng cự lại các định luật Newton bằng một điểm ngoan cố. Việc chia tách khung này cũng giúp tối đa hóa lượng khí đặt vào trong đế giày, và thế là cái tên “Air Max” ra đời.
Nhưng, NIKE không muốn dừng lại tại đó.
Công nghệ “Airmax” chắp cánh bởi Tinker Hatfield tiếp tục được “nhân bản” trong các phiên bản Air Max nổi tiếng tiếp theo, mà thành công nhất phải kể tới Air Max 90(dòng giày cổ điển vẫn liên tục được làm mới mỗi năm cho tới tận ngày nay.) Nhưng về cơ bản, nó vẫn bao gồm túi khí được bọc “trên và dưới” bởi cao su. NIKE bắt đầu nhận ra: Để “tối đa hóa” hơn nữa lượng khí có thể bơm vào đế giày, họ hoàn toàn có thể tạo ra một túi khí to ngoại cỡ chạm đất, bảo vệ nó khỏi mặt đường bằng một mặt đế đủ cứng, hay nói dễ hiểu là làm ra một túi khí dày hơn. Và thế là, Air Max 180 được ra đời, với khẩu hiệu “Nhiều khí hơn nữa, và bạn vẫn nhìn thấy nó được đấy!”. Ở phiên bản này, túi khí đã không còn bị bọc “dọc” trong đế giày nữa, đánh dấu lần đầu tiên dòng Air Max đạt tới trình độ tạo ra những “túi khí vượt khung”.
Đã đạt được “độ dày”, NIKE tiếp tục lấn sân sang “độ phủ”. Các phiên bản Air Max kế tiếp chứng kiến sự bành trướng của túi khí Air, với kích cỡ gần như tối đa đạt được ở phiên bản Air Max 97 vinh quang. Lúc này, túi khí đã gần như đã chiếm trọn cả đế giày, tạo cho phiên bản Air Max 97 sự êm ái vượt trội so với gần như tất cả các mẫu sneaker đương thời, chấp luôn cả các thiết kế khác ngay tại NIKE. Để đạt được điều đó, ngay từ năm 1997, NIKE đã sử dụng công nghệ đổ khuôn và tạo hình khối 3D còn cực kỳ xa lạ vào thời điểm ấy. Tròn 10 năm phát triển dòng Air Max, NIKE đã hiện thực hóa ước mơ của thương hiệu từ ngày đầu tiên: Giúp cho nhân loại có thể “bước đi trên không khí”, hệt như cách năm xưa Chúa Cứu Thế bước đi trên mặt nước.
(Một điều thú vị: dòng Air Max của NIKE từng chứng kiến một phiên bản có bộ đệm khí được đổ thêm 60cc nước thánh lấy từ dòng sông Jordan huyền thoại để mô phỏng kỳ tích bước trên mặt đất của chúa Jesus. Và bạn có đoán được, dòng Air Max nào đã được chọn để vinh danh thánh tích ấy không? Chính là Air Max 97, với tên thiết kế là SCHF x INRI Jesus Shoes.)
Công nghệ mãi chỉ là công nghệ, nó được tạo ra, và nó sẽ bị thay thế khi lỗi thời. Hãy nhìn vào những ví dụ nhãn tiền trong cộng đồng những người yêu Smartphone, khi chàng trai Trung Quốc năm nào bán thận mua iPhone 4 giờ đây chắc hẳn đang phải tốn những khoản tiền bằng nhiều lần chiếc 12XS Max Pro để duy trì sinh mệnh hàng ngày. Vậy nhưng, đã 34 năm kể từ lần đầu tiên NIKE cho ra mắt Air Max, và tới thời điểm này nó vẫn đang chiếm một hạng mục quan trọng trong danh sách sản phẩm chủ lực của NIKE. Tại sao, một công nghệ tưởng chừng “không quá phức tạp” như vậy lại trở nên không thể thay thế, ở một thương hiệu đã và đang thành công trong việc chế ra giày tự buộc dây theo yêu cầu của người dùng?
Sự thay đổi của dòng Air Max cổ điển qua các thế hệ
Câu trả lời nằm ở tính “sáng tạo cầu toàn” và hệ quả của nó: “Sự tiến hóa”.
NIKE tạo ra các túi khí, và họ chưa bao giờ tỏ ra thực sự hài lòng với những túi khí ấy, mặc cho doanh số bán ra đã luôn rất thành công. Họ không hài lòng với phiên bản Air Max 97 hoàn hảo, họ không dừng lại ở Air Max “plus” 98 thậm chí còn được cải tiến thêm. Các túi khí của dòng Air Max cứ thế lớn dần lên, tới mức nó còn được vinh danh trong nhiều năm liền khi đóng góp vào thành công của dòng NIKE LeBron - dòng giày bóng rổ đắt tiền nhất, hiện đại nhất, xuất sắc nhất từng được thiết kế cho một cá nhân. Công nghệ cao niên này được tuyển thủ vĩ đại LeBron James yêu thích tới mức anh đã yêu cầu sử dụng nó trong hầu hết các phiên bản giày của mình, và mới đây nhất, với dòng LeBron 18, James đã cùng NIKE trình làng một đôi Air Max đẹp mắt không tưởng, với bộ đệm khí đã bành trước tới mức khó mà tưởng tượng nổi. Nhưng, cá nhân người viết tin rằng, Air Max LeBron 19 sẽ lại một lần nữa xô đổ định kiến này, như cái cách mà dòng 18 đã làm với người tiền nhiệm 17 mà thôi.
Lebron James là tuyển thủ bóng rổ yêu thích Airmax bậc nhất, khi mà những đôi giày của anh đều được yêu cầu thiết kế với công nghệ này
Không chỉ liên tục được cập nhật và phát triển, Air Max còn truyền cảm hứng để NIKE tạo ra những tuyệt phẩm khác. Cần phải biết rằng ngay sau khi công nghệ Airmax ra đời, NIKE đã tạo ra thêm một nhánh mang tên NIKE Zoom khi phát triển Airmax với các sợi đàn hồi được kéo căng để hấp thụ và phản hồi tức thì các chấn động, giúp giảm khả năng lệch bước chân khi chạy. Chính công nghệ này đã tạo ra đôi giày “bị cấm” thứ 2 của thương hiệu (sau NIKE Air Ship của Michael Jordan vào năm 1985): Alphafly “Zoom” NEXT% - đôi giày đã khiến vận động viên marathon Eliud Kipchoge phá vỡ kỷ lục tưởng chừng không thể vượt qua của người đồng hương Dennis Kimetto khi hoàn thành chặng marathon tiêu chuẩn tại công viên Prater, Vienna (Áo).
Khoảnh khắc chiến thắng của Eliud Kipchoge với đôi giày gây tranh cãi bậc nhất lịch sử bộ môn Marathon
4 nhẫn vô địch NBA danh giá của LeBron James, dưới sự hỗ trợ của Air Max. Bước chạy phá vỡ giới hạn của nhân loại bởi Aliud Kipchoge, nhờ vào hậu duệ Zoom của Air Max. Trong lịch sử thể thao, Air Max chính là dòng giày đã tạo ra những bước ngoặt lịch sử vinh quang nhất, giúp cho NIKE trở thành kẻ tiên phong trong việc chinh phục mọi thử thách.
Ngày 26/3 hàng năm giờ đây được NIKE ghi nhận là Air Max Day, để kỷ niệm ngày ra mắt của đôi giày đã thay đổi lịch sử thể thao thế giới. Những hậu duệ của công nghệ Airmax giờ đây được NIKE kỳ vọng sẽ là tương lai mới của thương hiệu, bằng chứng là NIKE đã đem tới công nghệ Vapormax cao cấp hơn và đang dần hoàn thiện nó qua từng năm - hệt như những gì họ đã từng làm với Air Max.
Vapormax Evo Collector Set - đôi giày vinh danh những người tiền nhiệm Airmax
Không quên nguồn cội, vào dịp Air Max Day năm 2021, NIKE đã cho ra mắt một phiên bản giày kỷ niệm cực kỳ ý nghĩa: NIKE Vapormax EVO “Collector Set”, với EVO là viết tắt của “Evolution” - “Phát triển”. Trên đôi giày sử dụng công nghệ thuộc hàng “hậu bối” của Air Max này, 14 chi tiết thiết kế của 14 đôi Air Max nổi tiếng nhất đã được tổng hợp lại và hòa trộn trên phần upper bắt mắt để vinh danh một công nghệ hoàng kim tới từ quá khứ, thứ đã tỏa sáng ở thập niên vàng bằng thể thao và khuấy đảo văn hóa đường phố ở thời điểm hiện tại bởi khía cạnh thời trang. Cũng xứng đáng thôi, bởi nếu không có Air Max, có lẽ lịch sử thể thao thế giới đã thiếu đi thật nhiều những cột mốc tuyệt vời. Con người sẽ không thể bước đi trên không khí, không thể bật nhảy thật cao, chạy thật nhanh với đôi tay khao khát nắm lấy thành tựu chói lọi. Cơ bắp hòa quyện cùng trí óc, công nghệ hỗ trợ cho đôi chân, có thể bạn sẽ thấy ý tứ này là bình thường, nhưng với bất cứ người yêu giày nào, đây chính là điều truyền cảm hứng cao quý, lãng mạn và công (nhận là) nghệ bậc nhất!