Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều thấy quen mắt với những đường kẻ sọc màu mè vắt vẻo bên nhau trên đôi giày mang tên Onitsuka Tiger. Ấy thế nhưng, câu chuyện thú vị ẩn sau đôi giày này thì lại rất nhiều người chưa rõ.

Tuổi thơ học đường hay trên mọi ngóc ngách đường phố của thế hệ Millennials, hẳn ai cũng đã một lần được thấy những đôi giày bata dân dã quen thuộc. Kiểu giày mềm, nhẹ, ôm chân gọn gàng xoay quanh 3 tone màu trắng, đen hay xanh cửu long này từng là sự lựa chọn bất di bất dịch cho một thế hệ người lao động và học sinh, sinh viên ít tiền, cần thứ che chân cho các hoạt động thể chất mạnh, và nó luôn làm hài lòng người dùng bởi sự bền bỉ đến bất ngờ cũng như giá thành “con muỗi”, có thể thoải mái thay đổi khi cũ rách.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 1.

Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà ngày nay, giày bata chẳng bao giờ được đánh giá cao về tính thời trang ngang với công năng tiện dụng. Nhất là khi đem so sánh với nào Air Force 1, giày Stan Smith hay Puma Suede - vốn là những đôi “basic entry” của các hãng đồ thể thao danh tiếng thì giày bata trong tiềm thức của giới trẻ Việt bao giờ đủ tuổi sánh vai?

Câu hỏi này thật ra đến là vô lý, khi bạn chưa nghe tới một dòng giày có thể được đánh giá là “bất tử” tới từ đất nước của các Samurai. Onitsuka Tiger, phải, chính là ông lớn với bộ nhận diện thương hiệu ba vạch màu đan xen bất hủ, từ lâu đã trở thành một trong những thương hiệu giày lifestyle/ running nổi danh toàn cầu.

Thậm chí, những mẫu giày của Onitsuka còn vượt xa cả quy chuẩn của giày thể thao khi đang đứng ngang hàng với loạt mẫu sneakers đình đám, xuất hiện không hề ít trong street style của các bạn trẻ sành mặc khắp thế giới.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 2.

Onitsuka Tiger vẫn luôn phổ biến ở Nhật, điều này quá hiển nhiên. Nhưng nếu bạn đã từng tới Hàn Quốc, Thượng Hải hay Thái Lan… thì bạn sẽ thấy đôi giày “rất Nhật" này đang được các bạn trẻ nơi đây đi nhiều vô kể. Mà chưa hết, điều khiến bạn ngạc nhiên hơn cả chính là những đường kẻ sọc màu mè đậm chất vintage của đôi Onitsuka Tiger mới chính là điểm nhấn bắt mắt nhất trong các set đồ. Đi với street style của Nhật trông sẽ rất Nhật, với street style của Hàn thì lại siêu Hàn - thế mới thấy khả năng thích ứng với mọi phong cách của mẫu giày này cao tới mức nào. 

img
img
img

Không dừng lại ở mẫu giày bata, giày vải kẻ sọc màu đình đám, những ngày này, nếu có dịp vào cửa hàng của Onitsuka Tiger, hẳn bạn sẽ bất ngờ khi thấy hãng đã thiết kế tới cả những đôi giày chunky hợp mốt với đế bánh mì dày cộp phủ bẩn nhân tạo - vốn là điểm đặc trưng tạo nên vẻ đẹp của những giày bánh mì KENZO, Balenciaga Triple S hay Reebok x Vetements. Tinh thần Nhật Bản vẫn được thể hiện rõ ràng qua nét thiết kế độc đáo đậm chất đô thị Shibuya được tích hợp vào các mẫu giày chunky mới ra lò. Và chừng ấy điều cộng với dòng sản phẩm ready-to-wear (may đo sẵn) của hãng đang khiến Onitsuka chuyển mình khỏi một thương hiệu giày chạy đơn thuần để trở thành nhà mốt thứ thiệt.

img
img
img
img
img
img
img

Những đôi giày chạy với ba vạch logo đan xen - giá trị nguyên bản của Onitsuka Tiger.

Vậy nhưng, dù có thay đổi ra sao thì các gian kệ giày được bày trang trọng chính giữa cửa hàng vẫn luôn được ưu tiên cho những đôi giày chạy với ba vạch logo đan xen. Bởi lẽ, đó mới chính là giá trị nguyên bản rực rỡ của thương hiệu Onitsuka Tiger, một hành trình tuyệt đẹp bắt nguồn từ nhu cầu tối thiểu nhất trong việc ăn - mặc - hoạt động của con người đan xen với cái cách mà người Nhật biến một đôi giày chạy trở thành điều đáng tự hào bậc nhất của đảo quốc Anh Đào.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 5.

Thiên nhiên là một người mẹ, cũng là một người thầy vĩ đại. Thế nên chúng ta có thể hiểu rằng phần lớn các bài học từ người thầy Thiên nhiên đều không tốn một xu. Vấn đề nằm ở chỗ bạn có muốn học hay không (?!).

Như bao vĩ nhân với tâm trí cởi mở, một cựu binh mang tên Kihachiro Onitsuka đã dắt lưng cho mình dăm trải nghiệm không mấy thú vị ban đầu khi triển khai nhào nặn một phát kiến mà theo ngài ta – sẽ là động lực thúc đẩy người Nhật ló mặt đến các sân tập thể thao. 

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 6.

Xin ngắt quãng một chút về cái phát kiến vĩ đại đó, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao lại là sân thể thao chứ không phải nơi nào khác kỳ thú hơn như… thẩm mỹ viện chẳng hạn?

Được biết, nguyên cớ vốn nảy nòi từ cuộc chiến trước đó của nước Nhật trước phe Đồng Minh. Sau thất bại ê chề cũng vô vàn thiệt hại nặng nề, truyền thống của dân tộc mang trong mình dòng máu Samurai khiến tự bản thân họ phải thúc đẩy tới mục tiêu mới mang tên “cải tạo nòi giống”. Cụ thể, số liệu từ Thời báo New York ghi nhận rằng đàn ông Nhật chỉ vỏn vẹn 1m50, phụ nữ Nhật thì ở mức 1m49 trong khoảng những năm 50 của thế kỷ trước. Bởi thế không quá lạ khi toàn thế giới từng gọi họ là “Nhật lùn”, một biệt danh nghe sặc mùi châm biếm mỉa mai.

Cơ mà là chuyện thời xưa thôi, chứ người Nhật nay cao ngút ngàn. Ngót có 60 năm mà chiều cao trung bình của mấy anh Nhật vọt lên tận 1m72 – thành ra chúng ta bị thua kém đến 7cm chiều cao trung bình và… 80 năm về chỉ số phát triển!

Cái sự thay đổi thần kỳ này nếu mà để phân tích rõ thì đến từ rất lắm yếu tố: một chế độ dinh dưỡng tốt, sự chăm sóc tận tình của bậc trưởng thành đối với trẻ nhỏ và đặc biệt là chí hướng rèn luyện không ngừng ở mảng thể dục thể thao. Thử nhớ xem, hình ảnh cậu chàng Nobita từng bất chấp dầm mưa dãi nắng để tập bóng chày hay tới chục đầu manga như Touch, Slam Dunk, Captain Tsubasa của quá khứ và Kuroko no Basket, Haikyuu… của hiện tại; chẳng khó để cảm nhận cái mãnh lực của thể thao ở xứ này.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 7.

Thôi thì quay về với diễn biến của ngài Kihachiro Onitsuka. Nhận thấy tiềm năng của sự tăng trưởng vượt bậc các môn thể thao Mỹ trên đất Nhật, năm 1949, ngài ta bắt đầu ấp ủ về một đôi giày toàn năng. Hãy lưu ý rằng đây cũng chính là năm ra đời của adidas. Mỗi tội “con đầu lòng” của Onitsuka có ngoại hình giống dép rơm hơn là giày, nhìn thì xấu mà công năng cũng tệ. May thay, trong khi đang nhấm nháp món salad bạch tuộc tươi giòn sần sật, ngài Onitsuka đã giác ngộ được một bài học từ thiên nhiên và vận dụng ngay  nó cho thành phẩm kế tiếp – cũng là mẫu giày hoàn chỉnh đầu tiên của thương hiệu Onitsuka Tiger.

Chả là từ loài sinh vật dị hợm thường được ca tụng là “bậc thầy tiến hóa”, ngài Onitsuka đã khám phá ra nguyên tắc của chân không và áp suất không khí trên mỗi giác mút của xúc tu bạch tuộc. Nguyên tắc này cũng chính là tiền đề cho cấu tạo đặc biệt trên đôi giày thể thao Onitsuka Tiger với tính năng bám chắc vào bề mặt địa hình. Chính nhờ tính năng này mà cục diện làng thể thao quốc tế thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là với những bộ môn như bóng rổ hay điền kinh. Onitsuka Tiger cũng từ đó mà mang danh “đôi giày quốc dân”, đồng hành cùng giới học sinh sinh viên trên khắp nước Nhật.

Thế nên, hãy cảm ơn loài bạch tuộc trước đã!

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 8.

Sau thành tựu ban đầu thì đến năm 1959, một tia sáng Eureka khác lóe lên trong đầu Onitsuka khi ông đang khoan khoái thư giãn trong bồn tắm. Lần này thì chả phải loài sinh vật kỳ thú nào mà chính những ngón chân nhăn nheo trong làn nước khiến ông phải loay hoay với cả tá khúc mắc: Cớ sao lại có cái hiện tượng “dở hơi” này và nên khắc phục ra sao? Nếu nảy nòi vào năm 1998 thì ắt câu hỏi này sẽ được Google giải đáp ngon ơ. Nhưng không, công nghệ thông tin thuở đó còn khá hạn hẹp nên ngài cựu binh lại phải vùi mình vào sách vở để tìm đáp án thỏa đáng: một hệ quả của chọn lọc tự nhiên. Cụ thể, làn da chúng ta thường trở nên nhăn nheo nhằm duy trì độ đàn hồi sau khi mất nước vì tiếp xúc với nhiệt. Cũng từ cái sự vỡ lẽ này mà Onitsuka lập tức bổ sung thêm những lỗ thông gió trên thiết kế giày với mục đích tạo độ thông thoáng cho đôi bàn chân khi vận động.

Sau xúc tu của loài bạch tuộc, chính những cái lỗ trên giày đã tạo nên bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử đôi giày thể thao Onitsuka Tiger.

img
img
img

img
img
img

Thừa thắng xông lên, Onitsuka Tiger kiêu hãnh nghênh đón Thế vận hội Rome năm 1960 bằng một khẩu quyết căng tràn tự tin: “Không ngừng tiến tới sự hoàn hảo”. Đây cũng là lần đầu tiên thương hiệu của Nhật Bản gửi lời chào đến thế giới bằng phương thức quảng bá đơn giản nhưng đầy hiệu quả: tài trợ toàn bộ giày cho dàn vận động viên tham dự thi đấu cũng như trong các nghi lễ chính thức. Siêu phẩm được tung ra lần này là Runspeed – đôi giày thích hợp với các hoạt động đường trường mà không đẩy bàn chân vào tình trạng phồng rộp nhức nhối. Màn chào sân vang dội đúng như mong đợi, cái tên Onitsuka Tiger chính thức bước vào thị trường toàn cầu.

Để rõ hơn về tư duy thức thời của nhà sáng lập Onitsuka, chúng ta ắt không thể bỏ qua huyền thoại về “Abebe chân trần”. 

Với tên đầy đủ là Abebe Bikilia , giới chuyên môn từng đánh giá tay vận động viên người Ethiopia này là “lập dị” bởi thói quen chạy đua bằng chân đất. Có điều chính nét lập dị đấy đã tạo nên kỷ lục giới 2 giờ 15 phút 17 giây, giúp Abebe trở thành người da đen châu Phi đầu tiên nhận được Huy chương vàng Olympic. Đánh hơi thấy cơ hội lớn từ siêu sao da màu, Onitsuka đã tỉ tê Abebe Bikilia mang đôi giày của họ đến đua tranh tại Kỳ thế vận hội năm 1964, cũng là kỳ Thế vận hội đầu tiên tổ chức tại Tokyo và được truyền hình vệ tinh khắp toàn cầu. Kết quả là Abebe phá ngay kỷ lục của chính mình, xác lập thêm kỷ lục mới: 2 giờ 12 phút 11 giây, trở thành vận động viên marathon đầu tiên giành huy chương vàng trong 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 11.

Cũng từ đây mà Onitsuka Tiger và Abebe trở thành bộ đôi bất tử trong lịch sử thể thao. Mối thâm tình giữa hai cái tên lừng lẫy vẫn nối dài mãi ngay cả khi nhà kỷ lục gia này qua đời. Để tưởng nhớ những thành tích của Abebe, Onitsuka tặng một triệu USD cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong lễ tưởng niệm về anh.

Các kỳ Thế vận hội kế tiếp vẫn song hành với sự phát triển liên tục của Onitsuka Tiger. 

Năm 1966, thương hiệu Nhật Bản khai sinh một huyền thoại mới: Limber Up Kawa BK. Biểu tượng mặt trời mọc quen thuộc trước đó bỗng được thay thế bằng hai đường sọc bị cắt ngang mà dân tình sau này truyền tụng là “Đường sọc Mexico”. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng đường sọc này được lấy cảm hứng từ vằn vện trên bộ lông con hổ bởi lý do nghe rất xuôi tai: tên thương hiệu là “Tiger” mà! Mạnh mẽ như hổ! Uy nghi như hổ!!!

Trong lúc dân tình cứ râm ran về tên với họ, Onitsuka Tiger nhai lại chiêu truyền thông cũ nhưng vẫn ăn tiền: tài trợ giày cho toàn đội vận động viên Nhật Bản, dẫn họ thẳng tiến tới Thế vận hội mùa hè năm 1968 tại Mexico. Cũng bởi tiếng tăm vang dội đến tận ngày nay nên thay vì cái tên loằng ngoằng khó đọc ban đầu, đôi giày kẻ sọc mới mẻ bỗng “chết tên” thành Onitsuka Tiger Mexico 66 và trở thành biểu tượng bị... nhái nhiều nhất thế giới.

Hàng mấy thập kỷ trôi qua, Onitsuka đã phát triển nhiều nâng cấp nhưng vẫn giữ trọn thiết kế từ 1966. Có chăng họ chỉ “thêm mắm dặm muối” bằng các phối màu đa dạng nhằm tránh để giới khách hàng nhạt bớt đam mê với các sản phẩm của mình. Kinh điển nhất, chói chang nhất và... đẫm máu nhất ắt là đôi Onitsuka Tiger màu vàng từng hiện diện trong các siêu phẩm điện ảnh như Game Of Death (Lý Tiểu Long thủ vai chính) hay cô dâu báo thù Uma Thurman trong Kill Bill. Phiên bản này về sau được gọi là Tai Chi (Thái Cực).

Đến năm 1977, công ty Onitsuka Tiger sáp nhập với GTO và JELENK để tạo nên tập đoàn ASICS hùng mạnh ngày nay. Được biết, ASICS là từ viết tắt cho “Anima sana in corpore Sano”. Cụm từ Latin này được dịch là “Một bộ óc minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh”.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 12.

Tạm xa Nhật Bản, điểm đến tiếp theo của câu chuyện là nước Đức cùng cái tên lạ hoắc lạ huơ vào thời đấy: Phil Knight. Tuy sinh sau đẻ muộn so với ngài Onitsuka nhưng Phil cũng đâu phải dạng vừa. Chẳng hạn, nếu nhà sáng lập của Onitsuka Tiger chỉ đơn thuần là một cựu quân nhân tập tành “start-up” ở tuổi 32 thì Phil Knight lại có một hồ sơ khá oách: tốt nghiệp Đại học Oregon năm 1959 với tấm bằng cử nhân báo chí và tiếp đến là bằng thạc sĩ tại Stanford. 

Ngay từ thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, Knight đã tự vẽ nên viễn cảnh về Blue Ribbon Sports (BRS). Dân tình còn đồn đoán rằng vị thạc sĩ này đam mê những đôi giày Onitsuka Tiger đến mức dày công lên kế hoạch kinh doanh với nhan đề “Giày thể thao Nhật có thể vượt qua giày Đức như máy chụp hình Nhật đã thắng máy Đức không?”. Nghe qua thì phức tạp là thế nhưng nôm na cũng chỉ là một công ty nhập khẩu giày Onitsuka Tiger vào Mỹ để bán kiếm lời. Song song với đó, Knight còn tìm cách liên kết với Bill Bowerman, vị huấn luyện viên chạy bộ nổi tiếng đến từ Oregon (Mỹ) và cũng là người thầy của ông. Số vốn ban đầu cả hai bỏ vào BRS chỉ vỏn vẹn 500USD và chỉ ít lâu sau đã thu lời đến tận… một triệu USD!

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 13.

Lời lãi như tạ, như tấn vậy thì càng phải làm cho to, cho lớn. Bowerman cố công mày mò để sáng chế một mẫu giày chạy mới với các ưu điểm được tích hợp sẵn từ các dòng giày Onitsuka Tiger trước đó và thuyết phục thương hiệu Nhật Bản lập tức hiện thực hóa, tung ra thị trường. Mẫu giày đó chính là Onitsuka Tiger Cortez – sản phẩm bất bại trong suốt thập niên 70 với bộ đế mềm mại siêu cấp. Có điều số phận của đôi giày này cũng lắm trúc trắc không kém gì các bậc tiền bối, đặc biệt là cái tên: Ban đầu là “Aztec”, nhưng hóa ra lại bị “đụng hàng” với Adidas Azteca Gold nên đành hằn học đổi thành “Cortez” cùng hàm ý: “That Spaniard who kicked the sh*t out of the Aztecs!” (Tạm dịch: Chính Cortez đã đánh nhừ tử cái đám người Aztec đấy!)

Thế rồi ở đời có hợp có tan. Dễ mấy ai nắm tay nhau được cả ngày? Êm đềm hưởng thụ thành công chưa được bao lâu thì lương duyên giữa Onitsuka Tiger và BRS cũng dần trôi biến lững lờ như mây trời. Hay hớm ở chỗ trong lúc vẫn đang kiếm lợi từ thương hiệu nước Nhật, bộ đôi thầy trò Knight – Bowerman đã kịp “ủ mưu” nên một thương hiệu mới toanh: NIKE!!!

Không biết có phải vì cách trở địa lý hay chăng mà Onitsuka Tiger chẳng hề nghe thấy tiếng khóc oe oe chào đời của Nike. Chỉ đến khi đôi giày Nike Cortez được bộ đôi Knight – Bowerman cho lên kệ thì thương hiệu Nhật Bản mới tá hỏa. Nếu so sánh bằng trực quan thì thậm chí cả tay ngơ ngẩn nhất cũng nhận thấy kiểu dáng Cortez của Nike và Onitsuka Tiger giống y hệt nhau, có chăng “Đường sọc Mexico” của thương hiệu Nhật đã bị thay thế bằng dấu phẩy Swoosh của thương hiệu Đức. Vấn đề ở chỗ bản quyền của thiết kế Cortez đã nằm gọn trong tay của BRS.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 14.

Bao cuộc hôn nhân tan vỡ thường dắt tay nhau đến thẳng tòa án, và Nike cùng Onitsuka Tiger cũng chẳng ngoại lệ. Cuộc tranh cãi đau đầu đến mức thẩm phán đành chốt một quyết định “huề cả làng”: Bên nào cũng có quyền bán mẫu Cortez của riêng mình. Nike kiên quyết không đổi (vì họ nghĩ ra, đúng không?!) nên Onitsuka Tiger đành phải cắn răng thay tên thành Corsair. Thành ra lịch sử sneakers ghi nhận trường hợp vô cùng oái oăm là một mẫu giày được cả hai thương hiệu khai thác, có khác nào câu chuyện ngụ ngôn về hai bà mẹ cùng giành giật một đứa con giữa ban ngày ban mặt.

Về phần Phil Knight, có khá nhiều tin hành lang cho thấy ông đặc biệt ngưỡng mộ Onitsuka Tiger nói riêng và tinh thần Nhật Bản nói chung. Vị tỷ phú tự thân này từng viễn du đến đất nước mặt trời mọc, nghiên cứu tỉ mỉ về văn hóa cũng như phương thức kinh doanh của giới nhân tài nước này. Ông đào sâu bới kỹ về văn hóa Á Đông, hành hương lên núi Phú Sỹ và còn tự mình đến thưởng ngoạn dây chuyền sản xuất những đôi giày Onitsuka Tiger chất lượng nhất tại nhà máy thuộc tỉnh Kobe. Tai vách mạch rừng còn tiết lộ rằng văn phòng của nhà sáng lập Nike được bài trí theo phong cách Nhật Bản, khách đến thăm phải cởi giày ở ngoài và dĩ nhiên, không mấy vị khách nào có cơ hội tới đây để đàm đạo với ngài Knight.

Dù sao cũng phải nể phục ngài Phil Knight cùng những tháng ngày chất giày Onitsuka Tiger đầy xe và chở đi bán rong khắp miền Tây Bắc nước Mỹ. Nhờ đó nỗ lực miệt mài đó mà chúng ta có được… Nike như bây giờ.

Câu chuyện của Onitsuka Tiger - đôi bata vượt xa quy chuẩn giày thể thao, trở thành mẫu giày “bất tử với tín đồ thời trang toàn cầu - Ảnh 15.

Cuộc sáp nhập năm 1977 đã kiến tạo nên đế chế ASICS nhưng cũng là khởi nguyên cho thời kỳ ngủ vùi của thương hiệu Onitsuka Tiger. Thay vì sản xuất những đôi giày trứ danh như trước, ASICS lại tập trung vào các thiết bị thể thao như ván trượt tuyết, gậy chơi golf và dụng cụ bóng chày. Onitsuka Tiger bỗng chốc trở thành một nàng công chúa bị ép vào cơn mê dai dẳng mặc dù các sản phẩm của dòng này vẫn được ưa chuộng, dân tình vẫn lùng mua bằng được.

Thập niên 90 dường như là thời kỳ đen tối nhất đối với ASICS. Nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản vỡ nát tan tành, kéo theo tốc độ xuống dốc không phanh của thị trường dụng cụ trượt tuyết. Kết quả là ASICS lỗ nặng trong 9 năm liên tiếp.

Chỉ đến năm 2002, “nàng công chúa” Onitsuka Tiger mới được ASICS trao một nụ hôn để đánh thức. Động thái này được phát sinh nhờ vào trào lưu hoài cổ đang lan rộng khắp Tây phương cũng như phương thức tìm về nguồn cội của thương hiệu Nhật Bản. Theo ông Ryoji Shoda, giám đốc điều hành của ASICS và cũng là người đứng đầu Onitsuka Tiger trong việc phụ trách xây dựng thương hiệu, một lý do cho sự hồi sinh của Onitsuka Tiger là do mong muốn của những người đứng đầu trong ngành thời trang châu Âu.

Tới tận bây giờ, Onitsuka Tiger vẫn không ngừng phát triển. Hiện tại, Onitsuka Tiger đã lại lọt vào “mắt xanh” của giới mộ điệu, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, nhờ BST Xuân-Hè 2020 được triển khai từ những bộ trang phục của các bộ môn thể thao quen thuộc như bóng rổ, đua ngựa, chèo thuyền, leo núi, đấm bốc…  với đường nét giao thoa giữa retro và hiện đại. Ngoài ra, giới mộ điệu còn cảm nhận rất rõ tinh thần của mãnh hổ Nhật Bản thông qua 5 chủ đề được tích hợp vào BST: Tinh thần thể thao, tuổi trẻ, tự do, hiện đại và sự giản dị thông qua loạt thiết kế như áo phông đồ họa, áo khoác dáng phồng, quần lửng vinyl, áo hoodie hay giày thể thao chunky.

img
img
img
img
img

Nhà thiết kế BST lần này là Andrea Pompilio, cũng chính là Giám đốc sáng tạo của Onitsuka Tiger. Portfolio của NTK này chắc chắn sẽ khiến bạn phải ngưỡng mộ khi từng hợp tác với Prada, Calvin Klein và Yves Saint Laurent. Chia sẻ về BST lần này, Andrea Pompilio cho hay: “Onitsuka Tiger đang dần chuyển mình từ một thương hiệu thời trang thể thao sang một thương hiệu mang tính cao cấp, xa xỉ hơn từ ba BST về trước. Khi tạo ra sản phẩm, chúng tôi không còn nghĩ đến khách hàng sẽ sử dụng chúng trong phòng gym như thế nào, thay vào đó chúng tôi hình dung họ ứng dụng sản phẩm trong các hoạt động hằng ngày ra sao Và biết đâu họ đang làm việc ở New York hay Tokyo chẳng hạn.”

Chiến lược ra mắt BST Xuân-Hè 2020 cũng được Onitsuka Tiger áp dụng “bổn cũ soạn lại”, tức là “cạ nhiệt” cùng Thế vận hội năm 2020 diễn ra tại Tokyo – 56 năm kể từ ngày thương hiệu Nhật Bản lần đầu khuấy đảo khắp năm châu bốn bể. “Những thiết kế mới nhất này thể hiện sự tôn kính lớn đối với Tokyo - nơi diễn ra Thế vận hội Olympic năm 2020”, Andrea Pompilio lý giải. Ông còn khẳng định rằng Thế vận hội luôn là thời cơ ngàn vàng để Onitsuka chiếm trọn “spotlight” bằng những siêu phẩm thượng đẳng nhất.

img
img
img
img
img
img

Hiện tại chúng ta có thể nhận thấy “nàng công chúa” nay đã thức và trải dài dấu chân của mình khắp các đô thị sầm suất bậc nhất thế giới: Seoul, Berlin, London hay New Zealand. Còn liệu thời gian tới “nàng ta” sẽ vươn mình thành công để trở thành một “nữ hoàng” duy ngã độc tôn thì, còn chờ đã…


Long Ichi & Nam Thanh
Onitsuka Tiger
Typerant
Nhật Ánh
Theo Trí Thức Trẻ30.11.2019