Afghanistan đối mặt nguy cơ tụt hậu gần 2 thập kỷ về giáo dục trẻ em

Phạm Hà, Theo VOV 14:00 19/09/2021

UNESCO cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập kỷ trong việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Afghanistan, lực lượng Taliban cam kết có những chính sách thay đổi so với 20 năm trước, đặc biệt là trong vấn đề bình đẳng với phụ nữ. Một số trẻ em gái hôm qua (18/9) đã được cắp sách đến trường, nhưng với nhiều hạn chế, khiến các tổ chức quốc tế cảnh báo Afghanistan đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập kỷ trong việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Một bộ phận các trẻ em gái ở cấp tiểu học tại Afghanistan được đi học trở lại với các lớp học riêng biệt. Taliban trước đó cũng thông báo cho phép nữ sinh được học tại các trường đại học, miễn là họ mặc quần áo Hồi giáo và học lớp dành riêng cho nữ sinh.

Giáo viên Nazife tại một trường học ở Kabul chia sẻ những thay đổi trong trường học để phù hợp với quy định mới: “Tại trường của tôi, học sinh nữ học buổi sáng, học sinh nam học buổi chiều. Các giáo viên nam dạy nam sinh và giáo viên nữ dạy nữ sinh”.

Tuy nhiên trong thông báo mới nhất vẫn chưa có quyết định cho những nữ sinh trung học cơ sở đi học trở lại. Tuyên bố của lực lượng Taliban nêu rõ: “Tất cả các thầy giáo và học sinh nam nên tham dự chương trình giáo dục tại các trường học của mình”, nhưng không đề cập đến các cô giáo và học sinh nữ. Điều này khiến nhiều nữ sinh lo lắng về tương lai việc học hành của mình.

Giáo viên Hadis Rezaei chia sẻ: “Những nữ sinh trung học cơ sở vẫn chưa được đến lớp. Bọn trẻ đang bị xuống tinh thần nghiêm trọng trong khi chờ đợi quyết định mới của chính phủ”.

Taliban cho biết đang triển khai các bước chuẩn bị để nữ sinh sớm quay trở lại trường học nhưng không đề cập đến thời điểm cụ thể. Các quy tắc cứng rắn hơn cũng sẽ được áp dụng trong các cơ sở giáo dục công lập như cấm nam giới dạy phụ nữ. Đây là một vấn đề lớn ở một quốc gia vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nữ, giáng một đòn mạnh vào cơ hội tham gia của phụ nữ vào giáo dục, tác động tiêu cực đến cuộc sống, công việc và quyền công dân của họ.

Nhiều người dân Kabul bày tỏ hi vọng phụ nữ sẽ được trao nhiều quyền dưới sự kiểm soát của chính quyền mới tại Afghanistan:

“Không có phụ nữ, không thể đạt được các thành tựu đầy đủ. Chính phủ mới vẫn chưa đưa ra các biện pháp cụ thể về vấn đề này. Tôi hi vọng phụ nữ sẽ được trao nhiều quyền hơn”.

“Tất cả phụ nữ cần được trao quyền giáo dục, làm việc trong các cơ quan chính phủ”.

Thực tế trước khi Taliban trở lại nắm quyền, những thách thức về giáo dục ở Afghanistan đã rất lớn. Một nửa số trẻ em ở độ tuổi tiểu học không có cơ hội đến trường, trong khi 93% trẻ em ở độ tuổi cuối tiểu học không đọc thông, viết thạo. UNESCO cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập kỷ trong việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Việc rút viện trợ quốc tế cũng gây ra một mối đe dọa khác, vì một nửa số đó là đầu tư cho giáo dục tại quốc gia Nam Á này.

Các nước đang theo dõi sát các chính sách của Taliban, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ để công nhận chính quyền mới. Một số trẻ em gái đã được đến trường nhưng Taliban không dành vị trí nào cho phụ nữ trong nội các công bố gần đây. Taliban hôm qua cũng thay tấm biển tại trụ sở Bộ Phụ nữ, thành Bộ Tuyên truyền Đức hạnh và Phòng chống Tệ nạn. Những điều này cho thấy để đảm bảo công bằng và bình đẳng cho phụ nữ tại Afghanistan dưới chính quyền Taliban như quốc tế kỳ vọng sẽ còn một con đường dài phía trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày