Theo đó, bà Hương trình bày những bức xúc mà con của bà đang gặp phải, liệt kê những thông tin từ tin nhắn SMAS bà nhận được về học lực của con: "THPT Phu Quoc thong bao diem tuan tu 06-12/05 cua em Han -Toan KTHK: 6.4 -Vat li KTHK: 5.1 -Hoa hoc KTHK: 5.8 -Sinh hoc KTHK: 6.1 -Ngu Van KTHK: 7.5 -Lich su KTHK: 6.1 -Dia li KTHK: 7.1 -Tieng Anh KTHK: 8.6 -GDCD KTHK: 7.4. THPT Phu Quoc thong bao ket qua ca nam cua em Han Toan: 5.7 Vat li: 5.9 Hoa hoc: 5.4 Sinh hoc: 6.4 Tin hoc: 6.3 Ngu Van: 7.3 Lich su: 6.1 Dia li: 6.8 Tieng Anh: 8.7 GDCD: 6.6 Cong Nghe: 7.5 GDQP AN: 9.2 The duc: D Trung binh cac mon: 6.8 Hoc luc: Kha Hanh kiem: Tb Xep hang: 6 Nghi co phep: 37 Nghi khong phep: 22".
Với kết quả con đạt được, bà Hương cho rằng rất tự hào về những nỗ lực của con. Khi biết con bị ở lại lớp vì nghỉ quá số buổi quy định, bà có lên trường hỏi thầy hiệu trưởng thì được biết cháu bị "vướng" vào Thông tư 58. Gia đình bà liền làm đơn xin cứu xét gửi Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang.
"Ngày 28-6, tôi nhận được công văn số 1136 của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang đề nghị trường xem xét lại học lực của học sinh và có hướng giải quyết....Với hy vọng nhờ cơ quan báo chí truyền đạt thông tin đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT biết để cứu xét cho trường hợp con tôi. Với tinh thần trách nhiệm của một phụ huynh và một công dân, tôi mong muốn ai cũng có điều kiện tốt cho những mầm non có lực học tốt, ngoan ngoãn và tuân thủ nội quy của nhà trường nhưng chẳng may vướng vào những trường hợp bất khả kháng như trường hợp con của tôi. Trong một phút nóng nảy, tôi đã viết lên dòng trạng thái đó và nói rằng "Đạo đức và lương tâm của thầy Hiệu trưởng và hội đồng nhà trường bị chó tha hết rồi", nhưng chỉ vài tiếng sau là tôi tự gỡ và chỉnh sửa lại.... Thú thật, chưa bao giờ tôi dám xem thường thầy cô giáo, bằng chứng là cho đến tuổi này ngoài ba mẹ tôi ra thì thầy cô lúc xưa của tôi vẫn là số 1, tôi chưa bao giờ dám xem thường điều đó cả...", bà Hương viết trong "tâm thư".
Nội dung xúc phạm hiệu trưởng được bà Hương viết trên Facebook trước đó
Bà Hương cũng có hai đều mong muốn: "Thứ nhất, tôi muốn con tôi được xét lại. Thứ hai, tôi mong muốn Bộ GD-ĐT có thêm điều khoản bổ sung vào quy chế của Thông tư 58 để được hợp lý hợp tình".
Với "tâm thư" này, bà Hương xin nhận khuyết điểm và thành thật gửi lời xin lỗi đến hội đồng nhà trường, thầy hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Toàn.
Như đã thông tin, trước đó nhiều giáo viên và người dân đảo Phú Quốc tỏ ra bất bình trước việc một nick Facebook có tên là Hồ Thanh Hương đã đăng tải 1 status chửi hiệu trưởng và hội đồng giáo viên một trường cấp 3 ở Phú Quốc vì đã để con bà phải lưu ban do nghỉ quá số ngày quy định.
"Đạo đức và lương tâm của thầy hiệu trưởng và hội đồng nhà trường đã bị chó tha hết rồi...", nick Hồ Thanh Hương viết trên Facebook Cộng đồng Phú Quốc.
Trò chuyện qua điện thoại với báo chí, bà Hương, giám đốc một công ty du lịch ở Phú Quốc, thừa nhận status trên là do chính bà đăng. Người bà chửi chính là ông Nguyễn Ngọc Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc.
Bà Hương cho biết nguyên nhân đăng status chửi thầy hiệu trưởng này là do sau nhiều lần năn nỉ nhà trường xem xét cho trường hợp con gái bà được lên lớp nhưng đến ngày 17-7, ông Toàn đã trả lời là không xem xét được.
Đồng thời, bà Hương xác định rằng sau sự việc này, bà đã quyết định cho con gái mình nghỉ học dù trong thời gian qua, bà đã đóng góp rất nhiều cho ngành giáo dục địa phương như tài trợ các suất học bổng cho học sinh nghèo và đang làm hồ sơ để nhận "kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục".
Theo nội dung sự việc, con gái bà Hương là em T.H.G.H. (học sinh lớp 11 của Trường THPT Phú Quốc). Theo thống kê của nhà trường, trong năm học 2018 – 2019, em H. đã nghỉ tổng cộng 50 ngày (kể cả có phép và không phép) do phải điều trị bệnh.
Nhà trường đã căn cứ vào khoản 2, điểm a điều 15 của Thông tư số 58 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT. Trong đó có nêu học sinh nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) sẽ không được lên lớp. Vì thế, nhà trường quyết định cho em H. ở lại lớp là thực hiện đúng với thông tư này.
Theo bà Hương, con bà là trường hợp đáng được đặc cách vì cháu nghỉ là do bệnh chứ không phải nghỉ để đi chơi. Ngoài ra, cuối năm học cháu xếp loại học lực khá và hạnh kiểm tốt.
Tuy nhiên, sáng 22-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Toàn khẳng định những phát ngôn của bà Hương đối với các cơ quan báo chí có 2 điểm sai sự thật. Đó là việc con bà Hương có hạnh kiểm tốt và nhà trường không có thông báo đến với phụ huynh là sai. Ông Toàn lý giải thêm tại sao con bà Hương có hạnh kiểm trung bình là do em này nghỉ học nhiều, có vi phạm nội quy của nhà trường như đồng phục không đúng và trang điểm trong khi đi học. Còn về vấn đề thông báo với phụ huynh, thì cô giáo chủ nhiệm cũng đã thông báo đến bà Hương, sau đó bà cũng đã lên gặp thầy hiệu phó chuyên môn để xin cho con và ông cũng đã giải thích rất rõ đối với bà Hương về trường hợp của em học sinh này.
Việc cho con bà Hương ở lại lớp, ông Toàn khẳng định trường đã họp hội đồng thi đua nhà trường trước khi kết thúc năm học. Kết quả, hội đồng đi đến thống nhất cho em này ở lại lớp. Đến ngày 4-7, nhà trường cũng đã họp hội đồng nhà trường để trả lời kết quả với Sở Giáo dục và Đào tạo và trả lời bằng văn bản cho bà Hương.
"Trong quá trình nghỉ học, vì ốm đau thì bà Hương cũng chưa bổ sung hồ sơ giấy tờ bệnh án con của bà cho nhà trường. Trong trường hợp bổ sung đầy đủ hồ sơ bệnh án thì nhà trường sẽ xin ý kiến của sở xem xét lại, chứ làm trái quy định thì ai chịu trách nhiệm?", ông Toàn xác nhận.
Không chỉ là giám đốc một công ty du lịch ở Phú Quốc, bà Hương còn được biết đến với danh xưng "Á khôi doanh nhân".
Hiện, bà Hương đã gỡ bài viết trên Facebook của mình. Cũng theo bà Hương, năm 2016, bà đạt được danh hiệu "Á khôi doanh nhân".